Giá thép thế giới tiếp đà giảm
Giá thép ngày 24/11 giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 35 nhân dân tệ xuống mốc 3.910 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Vào hôm thứ Hai (23/11), giá quặng sắt kì hạn chốt phiên thấp hơn trong giao dịch trong ngày tại Sở giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE).
Cụ thể, hợp đồng quặng sắt giao tháng 1/2021 giảm 10,5 nhân dân tệ (khoảng 1,6 USD) xuống còn 867,5 nhân dân tệ/tấn.
Tổng khối lượng giao dịch của 11 hợp đồng quặng sắt kì hạn được niêm yết trên sàn giao dịch là 1.136.042 lô, với kim ngạch là 97,35 tỉ nhân dân tệ, Tân Hoa Xã đưa tin.
Theo Mysteel Global, giá thép phế liệu nội địa trên khắp Trung Quốc vẫn tăng mạnh trong tuần từ ngày 13/11 đến ngày 20/11. Chỉ số giá thép phế liệu của Mysteel đã tăng 14,8 nhân dân tệ (tương đương 2,2 USD) lên 2.693 nhân dân tệ/tấn (bao gồm phí vận chuyển và thuế VAT).
Nguyên nhân cho việc tăng giá này là do giá các mặt hàng thép chính tăng lên bên cạnh nhu cầu về nguyên liệu thô của các nhà sản xuất thép đang dần hồi phục.
Một chuyên gia theo dõi thị trường có trụ sở tại Thượng Hải nhận xét: “Tốc độ tăng giá thép thành phẩm nhanh hơn đã nới rộng sự chênh lệch so với thép phế liệu. Do đó, hầu hết các nhà máy thép đều được hưởng tỉ suất lợi nhuận tốt, khuyến khích họ duy trì sản xuất ổn định”.
Tính đến ngày 20/11, giá thép cây HRB 400 đường kính 20mm của Trung Quốc, một chỉ báo về chuyển động thị trường, đã tăng 59 nhân dân tệ/tấn, chạm mức cao mới trong vòng 7,5 năm qua là 4.174 nhân dân tệ/tấn (bao gồm thuế VAT).
Do đó, sự chênh lệch về giá giữa thép thanh vằn và thép phế liệu tăng 49,83 nhân dân tệ/tấn lên mốc 1.503,38 nhân dân tệ/tấn.
Xuất khẩu sắt thép 10 tháng tăng gấp rưỡi, dự báo tăng tiếp
Khối lượng xuất khẩu sắt thép của cả nước từ đầu năm đến nay tăng gần 50%, trong khi trị giá tăng 1/5. Xuất khẩu thép trong thời gian tới dự báo sẽ tiếp tục khả quan.
Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan công bố, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong tháng 10/2020 đạt trên 1 triệu tấn, kim ngạch 539,26 triệu USD. So với tháng liền trước, khối lượng xuất khẩu giảm 3,4%, trong khi kim ngạch chỉ giảm nhẹ 0,9%, nhờ giá xuất khẩu tăng 2,6% đạt trung bình 536,7 USD/tấn.
Giai đoạn tháng 1-10/2020, xuất khẩu sắt thép đạt gần 8 triệu tấn, kim ngạch trên 4,19 tỷ USD, tăng lần lượt 48,9% và 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sở dĩ mức tăng kim ngạch chỉ bằng nửa mức tăng khối lượng là do đơn giá trung bình năm nay giảm 19,2%, chỉ đạt 524 USD/tấn.
Xuất khẩu trong tháng 10 giảm chủ yếu do xuất sang các thị trường Campuchia, và Mỹ giảm mạnh. Theo đó, xuất khẩu sang Campuchia giảm trên 24% cả về lượng và kim ngạch, ở mức 101.954 tấn, tương đương 55,68 triệu USD, còn sang Mỹ giảm 51,7% về lượng và giảm 41,7% về kim ngạch, đạt 7.916 tấn, trị giá 8,8 triệu USD. Mặc dù vậy, xuất khẩu trong tháng này sang Indonesia, Đài Loan và Malaysia tăng mạnh, với kim ngạch tăng lần lượt 50,9%, 55,7% và 23,7%.
10 tháng qua, Trung Quốc duy trì vị trí thị trường xuất khẩu thép số 1 của Việt Nam, với 2,93 triệu tấn (1,21 tỷ USD), tăng vọt 1.461,8% về lượng và tăng 1.270% về kim ngạch so với cùng kỳ, bất chấp đơn giá trung bình giảm 12,3%. Xuất khẩu sang Thái Lan – thị trường tiêu thụ số 3 của thép Việt Nam cũng tăng mạnh, thêm 94,2% về lượng và 78,6% kim ngạch so cùng kỳ.
Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thép sẽ duy trì xu hướng tăng tích cực do nhu cầu hồi phục ở các thị trường.
Theo số liệu tổng hợp từ các tổ chức quốc tế, nhu cầu thép Trung Quốc năm 2020 dự báo tăng 20% nhờ các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng để kích thích kinh tế - kéo theo thị trường bất động sản hồi phục mạnh mẽ; nhu cầu thép thô của Nhật Bản trong quý IV/2020 dự kiến sẽ tăng 12% so với quý trước lên 2,1 triệu tấn; thị trường thép Châu Âu nhiều khả năng sắp tới sẽ rơi vào trình trạng thiếu cung do nhu cầu hồi phục trong khi sản xuất giảm và nguồn cung nhập khẩu thiếu do hệ thống hạn ngạch và các biện pháp tự vệ khiến tồn kho thấp.