Giá thép thế giới giảm
Giá thép ngày 24/12 giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 28 nhân dân tệ xuống mốc 4.280 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Quặng sắt giảm giá do sự thay đổi quy định giao dịch tại Trung Quốc và những lo ngại về chủng virus corona mới khiến nhà đầu tư chốt lời sau khi giá quặng sắt tăng lên mức cao nhất nhiều năm trong đầu tuần này.
Cơ quan điều hành thị trường Đại Liên đã nỗ lực hạn chế giao dịch với hàng hóa diễn biến tốt nhất trong năm nay (tăng hơn gấp đôi).
Giá quặng sắt Đại Liên kết thúc phiên giảm 5,8% xuống 1.026 CNY (156,95 USD)/tấn, sau khi giảm 9,1% trước đó.
Quặng sắt tại Singapore giảm 1,9% xuống 161,1 USD/tấn, tiếp tục đà giảm sau khi mất 6,2% giá trị trong phiên trước.
Triển vọng giá quặng sắt trong năm 2021 nhìn chung vẫn lạc quan, bởi Trung Quốc nhà sản xuất thép hàng đầu phục hồi kinh tế và nguồn cung hạn hẹp tại Brazil.
Quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc ở mức 168 USD/tấn trong ngày 22/12, theo công ty tư vấn SteelHome.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, ngành thép Ấn Độ đã chịu tác động nghiêm trọng do nhu cầu nội địa giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Tuy nhiên, ngành thép của quốc gia này đã có sự trở lại ngoạn mục vào cuối năm nay, LiveMint đưa tin.
Theo đó, thị trường có thể chứng kiến sự thống trị của các công ty thép tích hợp lớn trong thời gian tới.
Kể từ tháng 9, giá thép và khối lượng thép của các công ty này đều tăng lên và dự kiến sẽ giữ ổn định cho đến quí III năm sau.
Tỉ trọng của 6 nhà sản xuất thép hàng đầu trong nước đã tăng lên 65% trong những tháng gần đây, so với mức trung bình trong lịch sử là 55%.
Sự thiếu hụt nguồn cung thép trên toàn cầu đang khiến giá thép nội địa tại Ấn Độ tăng cao. Nhu cầu tiêu thụ thép trong nửa cuối năm đang phục hồi khá ổn định. Tuy nhiên, việc giá quặng sắt đang ở mức cao đang là nguyên nhân cản trở sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nhà sản xuất thép thứ cấp.
Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với thép Trung Quốc
Số liệu cho thấy có sự gia tăng đối với lượng nhập khẩu thép cán nguội từ Trung Quốc so với lượng sản xuất tại Việt Nam gây tác động tiêu cực với doanh nghiệp trong nước.
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 3390/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) chính thức đối với một số sản phẩm thép cán nguội (ép nguội) dạng cuộn hoặc tấm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Việc quyết định áp thuế, theo Bộ Công thương, nhằm ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước do tác động từ lượng lớn các sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu đang được bán phá giá vào Việt Nam, với sự cân nhắc hài hòa giữa quyền lợi của ngành sản xuất trong nước, lợi ích của các ngành công nghiệp hạ nguồn sử dụng sản phẩm thép cán nguội.