Giá thép thế giới tăng nhẹ
Giá thép ngày 24/2 giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 7 nhân dân tệ lên mốc 4.588 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Vào hôm thứ Ba (23/2), giá quặng sắt kỳ hạn của Trung Quốc giảm mạnh sau khi thành phố sản xuất thép hàng đầu là Đường Sơn đưa ra cảnh báo ô nhiễm cấp độ hai, buộc các nhà máy phải hạn chế sản xuất, Reuters đưa tin.
Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE) đã chốt phiên với mức giảm 2,9% xuống còn 1.107 nhân dân tệ/tấn (tương đương 171,34 USD/tấn).
Trước đó trong phiên giao dịch, hợp đồng quặng sắt này cũng đã giảm đến 3,5%, mức phần trăm giảm lớn nhất trong ngày kể từ 2/2.
Chính quyền địa phương cho biết, sản lượng tại các nhà máy thép và luyện cốc ở Đường Sơn sẽ bị hạn chế từ ngày 23/2 do nguy cơ gây ô nhiễm cao.
Tương tự, quá trình sản xuất tại các nhà máy cán nóng và cán nguội cũng sẽ bị đình chỉ.
Theo ghi nhận, giá các nguyên liệu sản xuất thép khác cũng giảm vào cuối phiên giao dịch. Cụ thể, giá than luyện cốc giảm 4,4% xuống mức 1.462 nhân dân tệ/tấn, giá than cốc giảm 3,4% về ngưỡng 2.574 nhân dân tệ/tấn.
Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giá thép cuộn cán nóng (HRC), được sử dụng trong chế tạo ô tô và thiết bị gia dụng, là mặt hàng tăng giá duy nhất, đi ngược xu hướng tăng 0,1% lên mức 4.799 nhân dân tệ/tấn.
Fitch Solutions nhận định: “Nhu cầu thép tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sẽ là yếu tố cản trở sự giảm giá trở lại của mặt hàng thép. Trong năm nay, giá thép trung bình sẽ neo ở mức cao”.
Tại Ấn Độ, tiêu thụ thép nội địa trong tháng 1/2021 đạt 9,97 tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3% so với tháng trước đó. Đây là mức tiêu thụ hàng tháng cao nhất kể từ trước đến nay, theo Financial Express.
Tương tự, sản lượng thép thô trong nước cũng tăng 7% so với cùng kỳ lên mức 9,98 tấn trong tháng.
Công ty Motilal Oswal Financial Services Limited nhận định, nhu cầu tiêu thụ cao và sản lượng thép thành phẩm tồn kho thấp sẽ là hai yếu tố hỗ trợ đắc lực cho giá thép nội địa.
Giá thép có thể đảo chiều trong năm 2021
Đánh giá về triển vọng ngành thép năm 2021, SSI Research cho rằng, tăng trưởng nhu cầu trong nước dự kiến sẽ phục hồi trở lại mức bình thường là 8% so với mức thấp trong năm 2020. Các động lực thúc đẩy nhu cầu thép bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI, điều này cũng giúp thúc đẩy hoạt động xây dựng dân dụng dọc theo các công trình cơ sở hạ tầng và dự án FDI.
Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng theo tháng (nghìn tấn) - Nguồn: Hiệp hội thép Việt Nam, SSI Research.
Nhu cầu từ xuất khẩu vẫn khá tích cực, nhưng dự kiến cạnh tranh gay gắt hơn. Bởi theo Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thế giới dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021 sau khi giảm 2,4% vào năm 2020 - được thúc đẩy bởi sự phục hồi ở các thị trường phát triển. Nhu cầu của thị trường mới nổi (trừ Trung Quốc) dự kiến cũng sẽ tăng 9,4% trong năm 2021.
Mặt khác, sau khi ước tính tăng 8% trong năm 2020 - được thúc đẩy bởi đầu tư cơ sở hạ tầng - nhu cầu ở Trung Quốc dự kiến sẽ đi ngang trong năm 2021. Do đó, ước tính xuất khẩu thép của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng một con số trong năm tới. Tuy nhiên, nguồn cung thế giới ổn định cũng có thể dẫn đến áp lực cạnh tranh gay gắt hơn đối với thị trường xuất khẩu.
Theo SSI Research, giá tăng có xu hướng tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép cải thiện trong ngắn hạn, nhưng có khả năng đảo chiều. Cụ thể giá thép sẽ vẫn ổn định trong những tháng tới do nhu cầu thế giới phục hồi và gián đoạn nguồn cung, nhưng có thể đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó trong năm 2021 khi nguồn cung dần ổn định (sản lượng thép của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 2% trong năm 2021, sau khi tăng khoảng 5% trong năm 2020).