Giá thép xây dựng hôm nay tăng mạnh
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng mạnh 71 nhân dân tệ lên 3.793 nhân dân tệ/tấn vào lúc 9h10, ngày 24/9, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Hợp đồng thép thanh hoạt động mạnh nhất trên Sàn giao dịch Thượng Hải, giao tháng 1/2020, tăng 3,7% lên 3.513 nhân dân tệ/tấn từ mức thấp hai tuần trong phiên trước. Kết thúc phiên giao dịch giá thép tăng 3,6% lên 3.510 nhân dân tệ/tấn.
Giá thép cuộn cán nóng cũng phục hồi sau khi giảm 5 ngày liên tiếp, tăng 3% lên 3.509 nhân dân tệ/tấn.
Kho dự trữ các sản phẩm thép tại Trung Quốc giảm tuần thứ sáu liên tiếp xuống còn 11,4 triệu tấn trong tuần kết thúc vào ngày 20/9 với triển vọng nhu cầu từ các công ty, dữ liệu từ Mysteel cho thấy.
Giá cũng được thúc đẩy bởi các thành phố sản xuất thép lớn nỗ lực trong việc đẩy mạnh kiểm soát chống ô nhiễm trước lễ kỉ niệm Quốc khánh vào tuần tới.
Đường Sơn, thành phố sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc, đã ra lệnh cho các nhà máy thép giảm sản lượng thiêu kết không dưới 50% trong tuần này. Tỉnh Sơn Đông, cũng thuộc khu vực kiểm soát ô nhiễm Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, đã yêu cầu 13 thành phố đưa ra cảnh báo ô nhiễm màu da cam từ ngày 25 - 29/9.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 1/2020 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 2,4% lên 648 nhân dân tệ/tấn sau 5 ngày giảm giá.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% giảm phiên thứ tư xuống còn 93 USD/tấn vào ngày 20/9.
Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho biết họ sẽ đặt ra các mục tiêu chặt chẽ hơn cho các thành phố có nồng độ ô nhiễm cao trong thời gian qua nhưng kiên quyết phản đối chiến lược "one size fits all".
Trung Quốc và Mỹ đã có các cuộc thảo luận mang tính xây dựng về thương mại tại Washington, Tân Hoa Xã đưa tin vào thứ Bảy (21/9).
Tập đoàn BHP hi vọng sẽ đáp ứng tất cả các cam kết của khách hàng đối với các lô hàng quặng sắt mặc dù việc bảo trì tại các mỏ Jimblebar và Newman ở Tây Australia đang diễn ra sau khi sự gián đoạn nguồn cung gây ra việc đầu cơ ồ ạt tại Trung Quốc.
Giá các nguyên liệu sản xuất thép khác giao dịch trái chiều với giá than mỡ giảm 0,1% xuống 1.300 nhân dân tệ/tấn trong khi giá than cốc tăng 2% lên 1.982 nhân dân tệ/tấn.
Thị trường xuất khẩu sắt thép 8 tháng đầu năm 2019
8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắt thép đạt 4,38 triệu tấn, thu về trên 2,85 tỷ USD, giá trung bình 650,9 USD/tấn.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2019 cả nước xuất khẩu 492.119 tấn sắt thép, đạt 320,11 triệu USD, giá trung bình 650,5 USD/tấn, tăng 6,4% về lượng, tăng 2,8% về kim ngạch nhưng giảm 3,3% về giá so với tháng 7/2019; so với cùng tháng năm 2018 thì giảm mạnh, với mức giảm tương ứng 18,6%, 25,7% và 8,8%.
Tính tổng cộng trong cả 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắt thép đạt 4,38 triệu tấn, thu về trên 2,85 tỷ USD, giá trung bình 650,9 USD/tấn, tăng 8,2% về lượng nhưng giảm 4,8% về kim ngạch và giảm 12% về giá so với 8 tháng đầu năm 2018.
Thị trường tiêu thụ chủ yếu các loại sắt thép của Việt Nam là thị trường Đông Nam Á, Mỹ và EU; trong đó thị trường Campuchia chiếm trên 26,9% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của Việt Nam và chiếm 24,5% trong tổng kim ngạch, đạt 1,18 triệu tấn, tương đương 701,38 triệu USD.
Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắt thép sang thị trường Mỹ chỉ đạt 323.389 tấn, tương đương 257,46 triệu USD, giá 796,1 USD/tấn, sụt giảm rất mạnh cả về lượng, giá và kim ngạch, với mức giảm tương ứng 48,5%, 6,9% và 52,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu sắt thép sang thị trường EU cũng giảm tương đối mạnh cả về lượng, giá và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, với mức giảm tương ứng 33,2%, 16% và 43,9%, chỉ đạt 243.602 tấn, tương đương 167,31 triệu USD, giá 686,8 USD/tấn.
Xét về mức tăng trưởng xuất khẩu sắt thép trong 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, thì thấy có tới 71% số thị trường bị sụt giảm kim ngạch, còn 29% số thị trường tăng kim ngạch.
Ngược lại, xuất khẩu tăng mạnh ở một số thị trường sau: Trung Quốc tăng gấp hơn 20 lần về lượng và tăng gấp 7 lần về kim ngạch, đạt 107.516 tấn, trị giá 53,78 triệu USD; Brazil tăng 176,9% về lượng và tăng 165,2% về trị giá, đạt 5.627 tấn, trị giá 5,11 triệu USD; Nhật Bản tăng 263,6% về lượng và tăng 147% về kim ngạch, đạt 172.974 tấn, trị giá 95,76 triệu USD; Saudi Arabia tăng 96% về lượng và tăng 88,7% về kim ngạch, đạt 5.809 tấn, trị giá 4,05 triệu USD.