Giá thép xây dựng tăng
Trên sàn Thượng Hải, thép cây kỳ hạn tháng 1/2020 – hợp đồng được giao dịch nhiều nhất – tăng 1,2% lên 3.344 CNY/tấn, mức cao nhất trong vòng 9 ngày.
Thép cuộn cán nóng tiếp đà đi lên thứ 4 liên tiếp khi tăng 0,8% đạt 3.360 CNY/tấn. Chỉ riêng thép không gỉ giảm 0,6% xuống 14.960 CNY/tấn.
Ảnh minh họa: internet
Tồn trữ các sản phẩm thép tại Trung Quốc giảm tuần thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần tới 25/10, tồn trữ giảm 600.000 tấn so với 9,85 triệu tấn của tuần trước, xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1/2019, theo thống kê của Mysteel.
Sản lượng thép thô toàn cầu tháng 9/2019 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, xuống 152 triệu tấn, theo Hiệp hội Thép Thế giới. Sản lượng thép thô của riêng Trung Quốc đã tăng lên 82,8 triệu tấn (tăng 2,2%).
Quặng sắt tại Trung Quốc cũng tăng giá. Tại sàn Đại Liên, quặng kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 3% trong tuần này – nhiều nhất kể từ 16/9. Riêng phiên cuối tuần, giá tăng 2,1% lên 635 CNY/tấn; quặng hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc vững ở mức 86,5 USD/tấn.
Giá quặng sắt tăng vọt sau khi công ty khai thác mỏ Brazil, Vale, công bố doanh thu hàng quý thấp hơn dự kiến giữa bối cảnh hãng này đang cố gắng khôi phục hoạt động sau vụ vỡ đập gây chết người.
Tiếp tục áp thuế đến 37,29% đối với thép nhập khẩu từ một số thị trường
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 3162/QĐ-BCT về kết quả rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội cóxuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Cụ thể, thép do Công ty Shanxi Taigang Stainless Steel Co., Ltd. sản xuất/xuất khẩu; Tisco Stainless Steel (H.K.) Limited của Trung Quốc phân phối bị áp thuế 17,94%. Thép do các nhà sản xuất/ xuất khẩu khác của Trung Quốc bị áp thuế 31,85%.
Đối với các sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập từ Malaysia, mức thuế bị áp lần lượt là 11,09% và 22,69% với thép do Công ty Bahru Stainless Sdn.Bhd sản xuất/ xuất khẩu, công ty thương mại Acerinox SC Malaysia Sdn. Bhd phân phối và các nhà sản xuất/ xuất khẩu khác.
Tương tự, thép do Công ty PT. Jindal Stainless Indonesia sản xuất/ xuất khẩu bị áp thuế 10,91% và sản phẩm của các nhà sản xuất/phân phối khác bị áp thuế đến 25,06%. Thép nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan bị áp thuế cao nhất, đến 37,29%.
Thời hạn áp dụng mức thuế chống bán phá giá nêu trên là 5 năm, kể từ ngày 26-10-2019. Hàng năm, các bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành điều tra, rà soát lại về vấn đề phạm vi sản phẩm, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho nhà xuất khẩu mới hoặc mức thuế hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nước ngoài.
Nhập khẩu hơn 7,2 tỉ USD thép các loại trong 9 tháng
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2019, lượng sắt thép nhập khẩu đạt hơn 10,8 triệu tấn, trị giá 7,2 tỉ USD, tăng nhẹ về lượng nhưng giảm 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng trong tháng 9, nhập khẩu sắt thép các loại đạt 1,16 triệu tấn, trị giá 755,9 triệu USD, giảm nhẹ cả về lượng và giá trị so với tháng trước. Lũy kế 9 tháng, nhập khẩu sắt thép các loại đạt 10,81 triệu tấn trị giá 7,21 tỉ USD, tăng nhẹ về lượng nhưng giảm 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 9/2019 đạt trung bình 648,7 USD/tấn, tăng nhẹ 0,3% so với tháng liền kề trước đó nhưng giảm 13,8% so với tháng 9/2018. Tính trung bình cả 9 tháng đầu năm, giá sắt thép nhập khẩu đạt 667,1 USD/tấn, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhìn chung, nhập khẩu sắt thép 9 tháng đầu năm nay từ các thị trường chủ đạo đều giảm cả về lượng, giá và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với 4,3 triệu tấn, trị giá đạt 2,73 tỉ USD, giảm 10,3% về lượng và giảm 21% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ 2 là Nhật Bản với 1,53 triệu tấn, trị giá 1,02 tỉ USD, giảm 8,5% về lượng và giảm 13% về trị giá; Hàn Quốc với 1,27 triệu tấn, trị giá đạt 1,03 tỉ USD, giảm 3,2% về lượng và giảm 4,7% về trị giá…