Giá thép xây dựng thế giới tiếp đà tăng
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 15 nhân dân tệ lên 3.979 nhân dân tệ/tấn vào lúc 11h00, ngày 26/6, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Giá thép thanh và thép cuộn cán nóng đã tăng phiên thứ 5 liên tiếp vào thứ Ba (25/6) được củng cố bởi các hạn chế sản lượng đối với những nhà sản xuất thép Trung Quốc trong nỗ lực hạn chế tình trạng ô nhiễm, theo Hellenic Shipping News.
Nhu cầu thép gia tăng khiến giá tăng thêm trong khi các nhà máy cũng tìm cách chuyển chi phí nguyên liệu thô cho người mua, một thương nhân cho biết.
Hợp đồng thép thanh được giao dịch tích cực nhất trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 2,2% lên 3.994 nhân dân tệ/tấn (tương đương 580,53 USD/tấn). Con số này tăng vọt lên tới 3.999 nhân dân tệ/tấn ngay trước khi giao dịch kết thúc, mức cao nhất kể từ tháng 8/2011.
Giá thép cuộn cán nóng đóng cửa giao dịch tăng 1,7% lên 3.913 nhân dân tệ/tấn. Ghi nhận con số này đạt mức cao kỉ lục 3.935 nhân dân tệ/tấn trước đó.
Mức độ ô nhiễm khí công nghiệp tăng liên tục tại thành phố sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc. Đường Sơn, khiến chính quyền địa phương áp đặt một loạt biện pháp hạn chế sản lượng mới đối với các nhà sản xuất, một số nhà máy sẽ phải giảm một nửa sản lượng trong vài tuần tới.
Các hạn chế, được áp dụng cho đến ngày 1/8, được đưa ra vào thời điểm mà khối lượng thép tồn kho thép ở Trung Quốc thấp hơn đáng kể so với mức trong tháng 2 và tháng 3.
Kì vọng về nhu cầu thép mạnh hơn ở Trung Quốc đang tăng lên trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng bởi tranh chấp thương mại với Mỹ, theo nghiên cứu của ANZ trong báo cáo hàng quý công bố ngày 25/6.
Điều này khiến nhu cầu thép của Trung Quốc tăng trưởng mạnh. ANZ điều chỉnh dự báo tăng trưởng sản lượng thép năm 2019 lên 4,5%, đạt 970 triệu tấn từ mức 3,3% vào đầu năm.
Sản lượng thép thô tại Trung Quốc trong tháng 5 đạt mức cao kỉ lục 89,1 triệu tấn, tăng 10,0% so với cùng kì năm ngoái mặc dù biên lợi nhuận giảm dần khi giá nguyên liệu thô tăng vọt.
Tuy nhiên, các biện pháp chống ô nhiễm của Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép trong ngắn hạn, các thương nhân cho biết.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 1,2% xuống 798,5 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt đạt mức kỉ lục 837 nhân dân tệ/tấn vào tuần trước bởi khối lượng dự trữ tại các cảng Trung Quốc bị thu hẹp.
Khối lượng quặng sắt tồn kho giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017 từ mức cao nhất vào giữa tháng 4, dữ liệu từ SteelHome cho thấy.
Giá than mỡ kết thúc phiên giao dịch gần như không thay đổi ở mức 1.381,5 nhân dân tệ/tấn, xóa đi những khoản lỗ trước đó trong khi giá than cốc đảo ngược hướng tăng 0,1% lên 2.092 nhân dân tệ/tấn.
Việt Nam vươn lên trở thành nước xuất khẩu thép hàng đầu của Asean
Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu thép thành phẩm hàng đầu trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean ) sau khi các chuyến hàng tăng 40,6% trong năm 2018, dữ liệu từ Viện Sắt thép Đông Nam Á (SEASI) cho thấy.
Xuất khẩu năm ngoái đạt tổng cộng 6,58 triệu tấn so với 4,68 triệu tấn của năm 2017 khi sản lượng thép thành phẩm tăng lên 14,53 triệu tấn trong năm 2018, cao hơn 28,6% so với 11,30 triệu tấn của năm 2017.
"Sản xuất thép trong nước đã có một tốc độ tăng trưởng đáng kể 28,6% so với năm trước, với phần lớn khối lượng tăng lên là dành cho thị trường xuất khẩu," SEASI cho biết.
Tăng trưởng xuất khẩu có thể sẽ tiếp tục trong năm 2019 khi sản xuất thép thô từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2019 lên tới 6,82 triệu tấn, tăng 37,4% so với năm ngoái, dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới cho thấy.
Xuất khẩu cũng sẽ nhận được cú hích do nhu cầu nội địa thấp hơn so với sản lượng đầu ra khi tiêu thụ thép năm 2018 tại Việt Nam tăng 3,1% so với năm ngoái lên 22,3 triệu tấn nhưng bằng với 22,3 triệu tấn đạt được trong năm 2017.
Tuy nhiên, tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể ảnh hưởng đến ngành thép của Việt Nam vì các sản phẩm thép rẻ tiền được sản xuất tại Trung Quốc có thể tìm đường vào Việt Nam.
Các sản phẩm của Trung Quốc có thể gây áp lực giảm giá vì Việt Nam đang trong quá trình tăng công suất sản xuất.
Đơn cử như, Tập đoàn Hòa Phát có kế hoạch khởi động lò cao 1 triệu tấn/năm, lò đầu tiên trong bốn lò, tại Quảng Ngãi vào giữa năm 2019, với kế hoạch tăng sản lượng lên 4 triệu tấn/năm vào năm 2020.
Formosa Hà Tĩnh Steel dự kiến sẽ đưa ra quyết định xây dựng lò cao thứ ba vào cuối năm 2019.