Giá thép thế giới tiếp tục tăng
Giá thép ngày 27/1 giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 40 nhân dân tệ lên mốc 4.365 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h45 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Vào hôm thứ Ba (26/1), giá thép không gỉ kỳ hạn trên Sàn giao dịch Thượng Hải liên tục điều chỉnh tăng, Reuters đưa tin.
Cụ thể, vào đầu phiên, hợp đồng thép không gỉ giao tháng 4/2021 ghi nhận mức 14.705 nhân dân tệ/tấn, tăng 3% so với trước đó. Kết thúc phiên giao dịch, giá thép không gỉ tiếp tục tăng 1,6%.
Đây là phiên tăng thứ hai liên tiếp, được thúc đẩy bởi sự gia tăng của giá nguyên liệu thô và kỳ vọng về nhu cầu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng tới.
Trong bối cảnh này, giá thép thanh vằn làm vật liệu xây dựng và giá thép cuộn cán nóng (HRC) dùng trong lĩnh vực sản xuất cũng thể hiện xu hướng đi lên.
Theo đó, hợp đồng thép cây giao tháng 5/2021 nhích nhẹ 0,1% lên mốc 4.303 nhân dân tệ/tấn. Giá HRC tăng 1,4%, hiện đạt ngưỡng 4.428 nhân dân tệ/tấn.
Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE) giảm 1,5% xuống còn 1.026 nhân dân tệ/tấn.
Tương tự, giá than luyện cốc kỳ hạn ghi nhận mức 1.582 nhân dân tệ/tấn sau khi giảm 2,4%. Giá than cốc giảm 4% xuống mốc 2.619 nhân dân tệ/tấn.
Tuy nhiên, theo Công ty tư vấn SteelHome, giá quặng sắt với hàm lượng Fe 62% giao ngay trên thị trường Trung Quốc không xuất hiện điều chỉnh mới, hiện ổn định ở mức 171,5 USD/tấn.
Một quan chức tại Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết, việc đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát ở miền Bắc Trung Quốc hiển nhiên sẽ tác động đến các ngành công nghiệp. Nhưng về cơ bản, các hoạt động sản xuất vẫn sẽ được duy trì.
Top 10 thị trường Việt Nam nhập khẩu sắt thép nhiều nhất 11 tháng đầu năm 2020
Trong 11 tháng đầu năm 2020, Việt Nam chi 7,35 tỷ USD để nhập về hơn 12,3 triệu tấn sắt thép, với giá nhập bình quân 596,8 USD/tấn.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, tháng 11/2020, Việt Nam nhập về hơn 1,04 triệu tấn sắt thép, trị giá hơn 702 triệu USD với giá nhập trung bình là 672,7 USD/tấn. So với tháng liền trước tăng 14% về lượng, 17% kim ngạch và 3,3% về giá.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2020, cả nước nhập khẩu gần 12,32 triệu tấn sát thép, trị giá trên 7,35 tỷ USD, giá trung bình 596,8 USD/tấn. So với cùng kỳ 2019, giảm 8% về lượng, giảm 16% về kim ngạch và giảm 9,2% về giá.
Thống kê cho thấy, giá nhập khẩu sắt thép từ Pháp cao nhất với bình quân 7.128 USD/tấn, bỏ xa các thị trường khác trong top 10 thị trường có giá nhập khẩu sắt thép cao nhất 11 tháng đầu năm 2020. Phần lớn giá nhập sắt thép cao rơi vào những thị trường châu Âu như Áo, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Đức...
Xét về kim ngạch, nước ta nhập nhiều nhất sắt thép từ Trung Quốc với 3,34 triệu tấn, trị giá gần 2,2 tỷ USD, giá trung bình 642,7 USD/tấn; chiếm 27% tổng lượng và 29% kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước. So cùng kỳ năm 2019, giảm 31% lượng và kim ngạch nhưng tăng gần 1% về giá.
Thứ hai là sắt thép từ Nhật Bản 3,36 triệu tấn trị giá 1,3 tỷ USD; chiếm 19% lượng và 18% kim ngạch. So cùng kỳ tăng 26% lượng và hơn 4% kim ngạch.
Thứ ba là Hàn Quốc 1,65 triệu tấn trị giá 1,17 tỷ USD; chiếm hơn 13% lượng và 16% kim ngạch; tăng 3,5% lượng và giảm 9% kim ngạch.
Phần lớn kim ngạch nhập khẩu sắt thép từ các thị trường giảm trong 11 tháng 2020 so với cùng kỳ 2019. Giảm mạnh ở một số thị trường như từ Thổ Nhĩ Kỳ giảm 95%, Brazil giảm 92%, Anh giảm 83%; Malaysia giảm 72%. Ngược lại, tăng mạnh ở một số thị trường như Thái Lan 39%, Phần Lan 31%.
Bảng giá thép ngày 27/1/2021: Miền Bắc, miền Trung, miền Nam