Giá thép xây dựng hôm nay 27/8/2019: Giá thép giảm chạm đáy 6 tháng

(VOH) - Giá thép hôm nay giảm, thị trường tài chính toàn cầu ảm đạm do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Xung đột căng thẳng khiến nhu cầu ở TQ giảm.

Giá thép xây dựng giảm

Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm mạnh 83 nhân dân tệ xuống 3.603 nhân dân tệ/tấn vào lúc 10h30, ngày 27/8, giờ Việt Nam.

Sản xuất thép

Ảnh minh họa: internet

Hợp đồng thép và quặng sắt giao sau của Trung Quốc sụt giảm vào thứ Hai 26/8 với giá thép thanh giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng.

Điều này cho thấy tình trạng ảm đạm trên thị trường tài chính toàn cầu do sự leo thang trong cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung.

Hợp đồng các sản phẩm thép sử dụng trong xây dựng và sản xuất sụt giảm do gia tăng lo ngại về triển vọng nhu cầu của quốc gia sản xuất thép hàng đầu - Trung Quốc, kéo giá nguyên liệu sản xuất thép xuống, theo Reuters.

Giá thép thanh xây dựng được giao dịch nhiều nhất, giao tháng 1/2020 trên Sàn giao dịch Thượng Hải chốt phiên giảm 1,9% xuống 3.372 nhân dân tệ/tấn (tương đương 475,41/tấn), ghi nhận mức thấp nhất kể từ ngày 20/2.

Giá thép cuộn cán nóng giảm 1,7% xuống 3.660 nhân dân tệ/tấn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế bổ sung 5% đối với khoảng 550 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc hôm 23/8, vài giờ sau khi Trung Quốc công bố mức thuế trả đũa 10% đối với hàng hóa trị giá 75 tỉ USD.

Trung Quốc sẵn sàng giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ thông qua các cuộc đàm phán và kiên quyết phản đối sự leo thang của cuộc xung đột, Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He, người đang dẫn đầu các cuộc đàm phán với Washington, cho biết ngày 26/8.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang mạnh mẽ và ngoài tác động trực tiếp của thuế quan, sự bất ổn định do xung đột gây ra sẽ ảnh hưởng tới niềm tin kinh doanh và các quyết định đầu tư, theo Westpac IQ.

Giá quặng sắt giao tháng 1/2020 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 1,7% xuống 593,5 nhân dân tệ/tấn với lượng dự trữ tại các cảng Trung Quốc gia tăng cũng đè nặng lên giá.

Giá quặng sắt hàm lượng 62% giao cho Trung Quốc ổn định ở mức 86,5 USD/tấn trong phiên giao dịch thứ ba liên tiếp vào ngày 23/8, mức thấp nhất kể từ ngày 29/3, theo SteelHome.

Dữ liệu từ SteelHome cho thấy khối lượng quặng sắt nhập khẩu tại các cảng Trung Quốc tăng đều đặn trong 6 tuần liên tiếp, đạt 124,65 triệu tấn tính đến ngày 23/8, mức cao nhất kể từ cuối tháng 5.

Tại Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 giảm 4,6% xuống 83,15 USD/tấn vào cuối phiên giao dịch.

Fortescue, công ty khai thác quặng sắt lớn thứ tư thế giới, chủ yếu bán nguyên liệu chất lượng thấp, duy trì triển vọng xuất khẩu năm 2020 là 170 - 175 triệu tấn so với năm 2019 là 167,7 triệu tấn sau khi công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc.

Giá than mỡ giảm 2,2% xuống 1.301 nhân dân tệ/tấn trong khi giá than cốc giảm 3,4% xuống còn 1.883 nhân dân tệ/tấn, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 1.

Trung Quốc lên kế hoạch giảm nhu cầu đầu tư vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng trong nửa cuối năm nay với nỗ lực thúc đẩy đầu tư và chống lại rào cản đang gia tăng trong nền kinh tế đang chậm lại, một nhà hoạch định quốc gia cho biết.

Các thị trường chủ yếu cung cấp sắt thép cho Việt Nam 7 tháng đầu năm 2019

 7 tháng đầu năm 2019 cả nước nhập khẩu 8,39 triệu tấn sắt thép, trị giá 5,64 tỷ USD, giá trung bình 672,6 USD/tấn.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2019 cả nước nhập khẩu 1,24 triệu tấn sắt thép, tương đương 821,43 triệu USD, giá trung bình 662,76 USD/tấn, tăng 19,2% về lượng, tăng 13,9% về kim ngạch nhưng giảm 4,4% về giá so với tháng 6/2019; so với tháng 7/2018 cũng tăng 5,2% về lượng nhưng giảm 6,6% về kim ngạch và giảm 11,2% về giá.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2019 cả nước nhập khẩu 8,39 triệu tấn sắt thép, trị giá 5,64 tỷ USD, giá trung bình 672,6 USD/tấn, tăng 42% về lượng nhưng giảm 2,8% về kim ngạch và giảm 6,7% về giá so với cùng kỳ năm 2018.

Nhập khẩu sắt thép nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc đạt 3,46 triệu tấn, tương đương 2,19 tỷ USD, giá trung bình 633,4 USD/tấn, chiếm 41.3% trong tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước và chiếm 38,9% trong tổng kim ngạch, giảm 10,7% về lượng, giảm 21% về kim ngạch và giảm 11,5% về giá so với cùng kỳ năm 2018.

Nhìn chung, nhập khẩu sắt thép từ đa số các thị trường trong 7 tháng đầu năm nay tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018; trong đó nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico tăng vượt trội; cụ thể nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp 42,3 lần về lượng và gấp 28,5 lần về kim ngạch, mặc dù chỉ đạt 41.300 tấn, tương đương 26,99 triệu USD; Mexico tăng gấp 23,5 lần về lượng và gấp 18,9 lần về kim ngạch, đạt 5.693 tấn, tương đương 3,53 triệu USD. Bên cạnh đó, nhập khẩu còn tăng mạnh trên 100% cả về lượng và kim ngạch ở các thị trường như: Bỉ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Australia, Nam Phi.

Ngược lại, nhập khẩu sắt thép từ Saudi Arabia giảm mạnh nhất, giảm 98% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 83 tấn, tương đương 0,06 triệu USD. Ngoài ra, nhập khẩu sắt thép từ Đan Mạch cũng giảm 92,2% về lượng và giảm 79,2% về kim ngạch, đạt 43 tấn, tương đương 0,09 triệu USD.

Giá thép xây dựng hôm nay 26/8/2019: Giá thép giảm ngay đầu tuần - Giá thép hôm nay giảm tiếp trong bối cảnh bi quan về triển vọng nhu cầu đối với thành phần sản xuất thép này.
Giá gas hôm nay 27/8/2019: Quay đầu giảm  - Giá gas hôm nay 27/8 quay đầu giảm nhẹ mặc dù xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ tăng hàng tuần.