Giá thép xây dựng thế giới giảm
Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 11 nhân dân tệ xuống còn 3.950 nhân dân tệ/tấn vào lúc 10h20, ngày 28/5, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Giá quặng sắt Trung Quốc tiếp tục đạt mức kỉ lục mới vào thứ Hai 27/5 khi mối lo ngại về nguồn cung leo thang.
Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đạt mức tăng lớn nhất trong một ngày giao dịch, tăng 6% lên 771 nhân dân tệ/tấn (tương đương 111,86 USD/tấn). Trước khi thị trường đóng cửa, con số này tăng 4,6% lên đến 761 nhân dân tệ/tấn.
Đó là mức giá cao nhất kể từ khi hợp đồng giao dịch giao sau được áp dụng vào năm 2013 đối với một trong những mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Trung Quốc.
Khối lượng quặng sắt tồn kho tại các cảng Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2017, theo dữ liệu mới nhất từ SteelHome.
Những lo ngại về nguồn cung cũng tăng lên sau khi gần đây Vale cho biết một con đập có nguy cơ vỡ tại mỏ Gongo Soco.
Thảm họa đập Brumadinho và việc đóng cửa mỏ ở Brazil đã khiến Vale, công ty khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới, giảm ước tính doanh thu quặng sắt trong năm nay, đẩy giá lên mức cao kỉ lục.
Giá quặng sắt đã tăng gần 60% kể từ vụ vỡ đập Brumadinho.
Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% tăng vọt lên mức cao nhất trong 5 năm vào thứ Sáu (24/5) ở mức 103,50 đô USD/tấn, dữ liệu của SteelHome cho thấy.
Giao dịch đầu cơ vẫn tiếp tục ngay cả khi các yếu tố cơ bản không hỗ trợ mức giá hiện tại.
Trái ngược với đà tăng không ngừng của giá quặng sắt, giá các kim loại khác có sự sụt giảm nhẹ.
Trong số các nguyên liệu sản xuất thép khác, giá than mỡ giảm 1,1% xuống còn 1.388 nhân dân tệ/tấn và giá than cốc giảm 1,4% xuống còn 2.259 nhân dân tệ/tấn.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, khối lượng than cốc nhập khẩu của Mỹ đã tăng hơn 5 lần trong tháng 4 so với tháng trước.
Giá thép cũng rút lui sau một tuần có lãi, với hợp đồng thép thanh xây dựng hoạt động mạnh nhất trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 0,5% xuống 3.842 nhân dân tệ/tấn.
Giá thép cuộn cán nóng giảm 0,8% xuống còn 3.666 nhân dân tệ / tấn.
Những lo ngại về tình trạng dư cung thép ở Trung Quốc xuất hiện sau khi tỉ suất lợi nhuận được cải thiện đã khuyến khích các nhà sản xuất thép tăng sản lượng trong những ngày gần đây, bất chấp những hạn chế về môi trường trong các trung tâm sản xuất thép lớn.
Việt Nam chưa cần thiết đầu tư thêm sản xuất thép
Nhiều sản phẩm thép trong nước đã dư thừa nên phải thận trọng xem xét cấp phép đầu tư các dự án mới.
Sản phẩm dư thừa không chỉ khiến các DN trong nước có nguy cơ phá sản mà điều đó cũng đưa lại hậu quả chung cho nền kinh tế. Tương tự như việc sản phẩm Trung Quốc mượn xuất xứ VN sẽ đưa đến nguy cơ ngành hàng của VN cũng bị áp thuế phòng vệ thương mại.
Trên thực tế, tại VN hầu hết các sản phẩm thép khác đều đáp ứng được nhu cầu, hoặc cung đã vượt cầu. Ví dụ ước tính tổng công suất thép xây dựng của cả nước hiện ở mức khoảng 18 triệu tấn thì mức tiêu thụ năm vừa qua chỉ khoảng trên 10 triệu tấn. Hay nhu cầu thép không gỉ cán nguội trong nước chỉ ở mức khoảng 500.000 tấn/năm trong khi khả năng cung cấp của các dự án đang hoạt động lên hơn 700.000 tấn/năm. Theo thống kê, các nhà máy sản xuất có tỷ lệ hoạt động trong quý 1/2019 chỉ khoảng 50%. Dự kiến vào cuối năm nay khi Nhà máy Nguyễn Minh đi vào hoạt động, tổng sản lượng có thể cung cấp ra thị trường lên đến trên 900.000 tấn. Khi đó tình hình cung vượt cầu càng nghiêm trọng hơn. Còn theo thống kê chung từ VSA, các DN trong nước mới chỉ sản xuất đạt trung bình 63% công suất, thấp hơn so với mức huy động công suất bình quân của thế giới là khoảng 76,9%.
Kiến nghị không cấp phép đầu tư mới
Báo cáo của VSA kiến nghị các cơ quan nhà nước không phê duyệt các dự án đầu tư đối với các sản phẩm trong nước đã dư thừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, chưa cần thiết phải đầu tư thêm trong giai đoạn hiện nay các sản phẩm thép như thép cuộn cán nóng, thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép không gỉ cán nguội, ống thép hàn, thép tôn mạ và sơn phủ màu. Chỉ khuyến khích DN đầu tư vào các sản phẩm thép hợp kim chất lượng cao phục vụ sản xuất cơ khí chế tạo, đóng tàu,ô tô... mà trong nước chưa sản xuất được.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 4/2019, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép trên toàn cầu chững lại và có xu hướng giảm, nên giá bán thép trong nước không thay đổi. Sản xuất các sản phẩm thép đạt 2,1 triệu tấn, giảm 3,8% so với tháng trước, nhưng tăng so với cùng kỳ 2018 là 8,8%.
Tiêu thụ các sản phẩm thép đạt 2,03 triệu tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng giảm 3,45% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu thép đạt 412.318 tấn, giảm 2,25% so với tháng 3/2019 nhưng xấp xỉ cùng kỳ năm 2018. Nếu loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng thì mức tăng trưởng chung tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép lần lượt là 4% và 6% so với cùng kỳ năm 2018.
Lũy kế 4 tháng, sản xuất các sản phẩm thép đạt gần 8,3 triệu tấn, tăng 9,0% so với cùng kỳ 2018. Bán hàng các sản phẩm thép đạt 7,7 triệu, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu thép đạt hơn 1,7 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2018.
Tính đến hết 30/4/2019, nhập khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm các loại đạt hơn 6,1 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 3,7 tỷ USD.