Giá thép xây dựng hôm nay tăng
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 17 nhân dân tệ lên 3.601 nhân dân tệ/tấn vào lúc 9h30, ngày 29/8, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Chốt phiên giao dịch thứ Tư 28/8, giá thép thanh xây dựng giao sau trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 0,3% xuống còn 3.317 nhân dân tệ/tấn, theo Reuters.
Giá thép cuộn cán nóng giảm 0,3% xuống còn 3.588 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt giao sau giảm phiên thứ hai liên tiếp xuống mức thấp nhất hơn 2 tháng do giá thép tại Trung Quốc giảm làm gia tăng lo ngại về triển vọng nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép.
Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, giao tháng 1/2020, giảm 3,7% xuống còn 571 nhân dân tệ/tấn (tương đương 80,5 USD/tấn), mức thấp nhất kể từ ngày 6/6.
Kết thúc phiên giao dịch giá quặng giảm 0,8% xuống 588 nhân dân tệ/tấn, thu hẹp khoản lỗ trong bối cảnh lạc quan khi Bắc Kinh đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 phục hồi sau khi thua lỗ trước đó và tăng 0,3% lên 81,12 USD/tấn vào cuối phiên giao dịch. Giá quặng sắt giao tháng 10 cũng tăng trở lại nhưng vẫn dưới 80 USD/tấn.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% ở 86 USD/tấn vào thứ Ba (27/8), mức thấp nhất kể từ ngày 29/3, theo SteelHome.
Giá quặng sắt tăng lên mức cao kỉ lục 5 năm vào ngày 3/7 vì lo ngại về nguồn cung sau khi các mỏ ở Brazil buộc phải đóng cửa để kiểm tra an toàn sau thảm họa vỡ đập vào tháng 1 và cơn bão nhiệt đới làm gián đoạn hoạt động khai thác tại Australia.
Kể từ khi nguồn cung từ Brazil và Australia phục hồi, giá đã giảm trở lại do lượng dự trữ thép dư thừa nhưng vẫn cao hơn mức trong năm 2018.
Các nhà máy và thương nhân thép cũng lo ngại về đồng nhân dân tệ suy yếu có thể làm tăng thêm chi phí sản xuất của họ.
Trung Quốc công bố các biện pháp kích thích kinh tế vào ngày 27/8 nhằm tăng mức tiêu thụ gồm cả việc loại bỏ các hạn chế đối với mua ô tô khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chùn bước trong bối cảnh áp lực thương mại từ Mỹ.
Mặc dù có sự gia tăng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng nhưng nhu cầu trong đầu tư tài sản và các ngành công nghiệp sản xuất sẽ hạn chế tăng trưởng nhu cầu thép ở Trung Quốc, Moody's Investors Service cho biết.
Thành phố sản xuất thép chính Đường Sơn được coi là ô nhiễm nhất Trung Quốc trong tháng 7 ngay cả sau khi yêu cầu các nhà máy thép giảm sản xuất trong 10 ngày cuối tháng, Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết.
Đường Sơn báo cáo sẽ nới lỏng các hạn chế sản lượng thép vào tháng tới, mặc dù chính sách có thể được đảo ngược khi chính quyền có động thái giảm khói bụi trước ngày Quốc khánh Trung Quốc vào đầu tháng 10.
Giá các nguyên liệu sản xuất thép khác cũng tăng trở lại với giá than mỡ tăng 0,2% lên 1.305 nhân dân tệ/tấn trong khi giá than cốc tăng 0,5% lên 1.887 nhân dân tệ/tấn.
Sản lượng thép thô thế giới tăng 1,7% trong tháng 7
Báo cáo từ 64 quốc gia lên Hiệp hội Thép Thế giới (worldsteel) cho thấy sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 7 tăng 1,7% so với cùng kì năm ngoái lên 156,7 triệu tấn.
Trong đó, sản lượng thép thô tháng 7 của Trung Quốc đạt 85,2 triệu tấn, tăng 5% so với tháng 7/2018. Tương tự, Ấn Độ ghi nhận sản lượng thép thô tăng 1,7% so với năm ngoái lên 9,2 triệu tấn.
Ngược lại, sản xuất thép thô tại Nhật Bản và Hàn Quốc đều giảm trong tháng 7, lần lượt giảm 0,4% và 2,1% xuống 8,4 triệu tấn và 6 triệu tấn.
Tại Mỹ, sản lượng thép thô tháng 7 tăng 1,8% so với năm ngoái lên 7,5 triệu tấn.
Còn Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine báo sản xuất giảm lần lượt 20,7%, 10,6% và 1,7% xuống 2,4 triệu tấn, 2,9 triệu tấn và 1,8 triệu tấn.
Triển vọng nhu cầu thép suy giảm đã đẩy giá nguyên liệu sản xuất thép, gồm cả quặng sắt, xuống thấp.
Thị trường thép tăng trưởng khá nhờ bất động sản
Năm 2019, thị trường bất động sản (BĐS) trong nước khá sôi động với hàng loạt dự án là một trong những lý do khiến ngành Thép có mức tăng trưởng khá. Nhiều chuyên gia nhận định, giai đoạn còn lại của năm 2019, thị trường BĐS vẫn còn dư địa phát triển nên ngành Thép vẫn có những cơ hội phát triển nhất định. Tuy nhiên, doanh nghiệp thép cũng phải đối mặt với nguy cơ bị khởi kiện từ các vụ án phòng vệ thương mại khi xuất khẩu thép.
Theo đánh giá mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành sản xuất thép trong nước 7 tháng đầu năm tương đối ổn định về giá cả và thị trường các sản phẩm. Tăng trưởng sản xuất và bán hàng thép trong 7 tháng đầu năm 2019 lần lượt đạt 7,2% và 10% so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, tháng 7/2019, sản xuất thép đạt hơn 2,1 triệu tấn; tăng 1,4% so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ 2018 là 4,3%. Lượng bán hàng đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 8,43% so với tháng trước, và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2018. Nếu loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng thì tốc độ tăng trưởng sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép đều tăng lần lượt là 3% và 9% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2019, lượng thép sản xuất đạt 14,8 triệu tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2018; Bán hàng đạt xấp xỉ 13,7 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu thép là 2,8 triệu tấn, tăng 4,8% so với 7 tháng 2018.
Về tình hình xuất khẩu các sản phẩm thép, tính đến ngày 30/6/2019, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,12 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, tăng 13,3% về lượng so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 2,68 tỷ USD. Nhưng trong đó, xuất khẩu một số sản phẩm thép có ưu thế của Việt Nam lại giảm như tôn mạ KL&SPM giảm 17,6%; ống thép giảm 22,3%;
Nhận định về tình hình trên, đại diện VSA cho rằng, kết quả khả quan trên là nhờ kinh tế vĩ mô trong nước những tháng đầu năm 2019 đạt kết quả đáng kể trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng chậm lại, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 duy trì tăng trưởng khá ở mức 9,13% (quý II tăng 9,24%). Đặc biệt, thị trường BĐS phát triển ổn định là cơ sở để ngành Thép đạt mức tăng trưởng khá.