Giá thép xây dựng tăng
Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 50 nhân dân tệ lên 3.449 nhân dân tệ/tấn vào lúc 10h000, ngày 3/3, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Kết thúc phiên thứ Hai (2/3), giá thép thanh xây dựng tăng 2,7% trong khi giá thép cuộn cán nóng tăng 3,1%, theo Reuters.
Giá thép không gỉ tăng 1,7%.
Giá quặng sắt giao sau tại Trung Quốc và Singapore tăng mạnh trong đầu phiên giao dịch, hồi phục từ thua lỗ vào tuần trước, do dự trữ tại các cảng Trung Quốc giảm cho thấy nhu cầu nguyên liệu thô của các nhà máy thép phục hồi.
Giá giao sau của các nguyên liệu sản xuất khác và sản phẩm thép ở Trung Quốc cũng tăng khi các cuộc điều tra chính thức cho thấy hoạt động của nhà máy đạt tốc độ cao kỉ lục vào tháng trước sau khi dịch virus corona bùng phát. .
Hợp đồng quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 5,4% lên 650,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 93,38 USD/tấn) sau khi tăng lên tới 652 nhân dân tệ/tấn.
Hợp đồng quặng trên Sàn giao dịch Singapore tăng 5,6%.
Hoạt động của nhà máy và hoạt động xây dựng đang dần hồi phục ở Trung Quốc sau kì nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, các hạn chế sản xuất và di chuyển nhằm mục đích ngăn chặn dịch virus.
Mặc dù các nhà máy thép phải đối mặt với áp lực từ hàng tồn kho tăng và biên lợi nhuận bị thu hẹp khiến họ giảm sản lượng, một vài trong số họ bắt đầu mua quặng sắt trở lại khi các hạn chế giao thông giảm bớt.
Richard Lu, chuyên gia phân tích tại CRU, Bắc Kinh, cho biết việc khởi động lại các doanh nghiệp đang tiến triển mặc dù vẫn ở tốc độ chậm.
"Tuy nhiên, nhu cầu thép dự kiến không thể sớm phục hồi, buộc các nhà máy phải tiếp tục cắt giảm sản lượng".
''Trong khi đó, nguồn cung nguyên liệu thô đang tăng nhanh, có thể khiến giá giảm trong tương lai trừ khi nhu cầu tiêu dùng cuối cùng phục hồi nhanh hơn dự kiến".
Tồn kho quặng sắt nhập khẩu giảm xuống còn 126,95 triệu tấn tính đến ngày 28/2 từ mức 128,6 triệu tấn vào ngày 21/2, theo dữ liệu của SteelHome.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% đạt 84,5 USD/tấn vào thứ Sáu (28/2), mức thấp nhất kể từ ngày 10/2.
Giá than mỡ tăng 2,8% trong khi giá than cốc tăng 4,1%.
Thép cây trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 2%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 2,6%. Thép không gỉ tăng 1%.
Xuất khẩu thép Việt Nam giảm 38%
Sản lượng thép thô của Việt Nam trong tháng 1 đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm 22,3% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, bán hàng đạt gần 1,4 triệu tấn, giảm trên 30% so với cùng kì, xuất khẩu thép giảm 38% còn 283.134 tấn, theo thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA).
Việt Nam nhập khẩu hơn 940.000 tấn sắt thép các loại trong tháng 1, trị giá khoảng 567 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu hơn 460.000 tấn sắt thép các loại, trị giá khoảng 247 triệu USD.
Theo VSA, nhập khẩu sắt thép các loại năm 2019 tăng 7,6% về lượng nhưng giảm 3,9% về kim ngạch so với năm 2018, đạt 14,5 triệu tấn, trị giá 9,51 tỉ USD.
Nhập khẩu thép từ Trung Quốc – thị trường lớn nhất, giảm 18% về lượng, giảm 26,6% về kim ngạch và giảm 10,5% về giá so với năm 2018, đạt 5,14 triệu tấn, tương đương 3,3 tỉ USD.
Năm 2019, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam tăng 6,6% về lượng nhưng giảm 7,4% về kim ngạch và giảm 13,2% về giá so với năm 2018, đạt 6,7 triệu tấn, giá trị 4,2 tỉ USD.
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, chiếm 62,5% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước và gần 60% trong tổng kim ngạch, đạt 4,17 triệu tấn, giá trị 2,52 tỉ USD.