Giá thép xây dựng hôm nay 3/4/2020: Bật tăng trở lại, giá than giảm vì chênh lệch cung - cầu

(VOH) - Giá thép ngày 3/4 phục hồi trở lại trên thị trường Trung Quốc giữa bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh.

Giá thép xây dựng hôm nay

Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 44 nhân dân tệ lên 3.364 nhân dân tệ/tấn vào lúc 10h00, ngày 3/4, giờ Việt Nam.

Giá thép xây dựng hôm nay 3/4/2020

Ảnh minh họa: internet

Quặng sắt cũng đảo chiều tăng trong phiên vừa qua. Trên sàn Đại Liên, giá quặng sắt đầu phiên giảm 3% nhưng tăng dần trong ngày để cuối phiên tăng 0,9% so với đóng cửa phiên trước, lên 647 CNY/tấn. Quặng sắt 62% nhập khẩu giao ngay tới Trung Quốc phiên liền trước giảm 1% xuống 83,5 USD/tấn.

Công ty phân tích số liệu sắt thép Tivlon Technologies ở Singapore cho biết, xuất khẩu thép từ các điểm tập kết chính đã giảm 4-7% trong 2 tuần qua, và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm thêm nữa do chính sách cách ly xã hội trên toàn cầu để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Do tác động của virus corona bùng phát, nhu cầu thép suy giảm đáng kể. Sau khi China Steel Corp. (CSC) cắt giảm sản lượng, Tang Eng Iron Works Co., Ltd. dự kiến cắt giảm sản lượng thêm 20% trong tháng 4/2020.

Hai nhà máy thép cacbon lớn nhất và nhà máy thép không gỉ tại Đài Loan (TQ) cắt giảm sản lượng cho thấy thị trường thép ngày càng khốc liệt.

Giá than tại Trung Quốc giảm nhẹ trong tuần qua.

Chỉ số giá than Bohai-Rim (BSPI), thước đo giá than tại các cảng lớn của miền bắc Trung Quốc, ở mức 546 nhân dân tệ/tấn (tương đương 76,9 USD/tấn) vào thứ Tư (1/4), giảm 5 nhân dân tệ so với tuần trước.

Các chuyên gia phân tích cho rằng độ co giãn cung của than cao hơn đáng kể so với độ co giãn cầu, chênh lệch giữa cung và cầu than trong nước khá lớn, điều này dẫn đến giá than tiếp tục đi xuống.

Sự phục hồi của chuỗi ngành công nghiệp than đang đối mặt với những thách thức, đó là lí do hàng tồn kho ngày càng cao và nhu cầu tại các cảng suy yếu.

Hiện tại, giá than giao ngay đã giảm xuống dưới giá thỏa thuận dài hạn. Với sự đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, thị trường tài chính đã phải chịu thiệt hại nặng nề, làm tăng thêm mối lo ngại của giới đầu tư.

Công ty khai thác mỏ Vale SA, Brazil cho biết sẽ cắt giảm sản lượng quặng sắt vì lệnh phong tỏa được áp đặt trên toàn cầu để kiểm soát sự lây lan của virus corona.

Vale cho biết khoảng 18 triệu tấn sản lượng có thể bị gián đoạn trong năm nay. Tuy nhiên công ty nhận định hoạt động sản xuất tại Brazil và nhập hàng tại các cảng Trung Quốc không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng.

Sản xuất và tiêu thụ sắt thép 2 tháng đầu năm 2020

Trước tình hình khó khăn chung của các ngành kinh tế trong bối cảnh dịch coronavirus Covid-19, ngành thép tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Sản xuất và bán hàng thép trong nước 2 tháng đầu năm 2020 lần lượt sụt giảm 5,3% và 17,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng (HRC) thì sản xuất ngang mức 2019 trong khi tiêu thụ giảm 18%.

Tháng 2/2020, sản xuất thép các loại đạt hơn 1.961.057 tấn, tăng 18,81% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ 2019. Tiêu thụ thép các loại đạt 1.608.229 tấn, tăng 17,86% so với tháng 1/2020, nhưng giảm 2,5% so với cùng kỳ 2019; Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 345.705 tấn, tăng 21,9% so với tháng trước, nhưng giảm 17% so với cùng kỳ tháng 2/2019.

Tính chung 2 tháng/ 2020, sản xuất thép các loại đạt hơn 3.611.580 tấn, giảm 5,3% so với cùng kỳ 2019; tiêu thụ đạt 2.972.710 tấn, giảm 17,8% so với cùng kỳ 2019.

2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sắt thép giảm 4,7% về lượng và giảm 16,1% về kim ngạch và giảm 12% về giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 1,17 triệu tấn, tương đương 648,81 triệu USD, giá 554,1 USD/tấn.

Sắt thép của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia đạt 230.515 tấn, tương đương 124,43 triệu USD, Xuất khẩu sang Trung Quốc 210.654 tấn, tương đương 87,37 triệu USD, giá 414,7 USD/tấn, tăng rất mạnh gấp 25,5 lần về lượng và tăng gấp 18,2 lần về kim ngạch, nhưng giảm 28,8% về giá. Xuất khẩu sang Indonesia đạt 127.466 tấn, tương đương 75,37 triệu USD, giá 591,3 USD/tấn, giảm 20,5% về lượng và giảm 28,9% về kim ngạch, giảm 10,6% về giá.

Trong khi xuất khẩu sắt thép cả nước nói chung chỉ tăng nhẹ, thì tại thị trường Trung Quốc có mức tăng đột biến. Trong 15 ngày đầu tháng 3, cả nước xuất khẩu 297.018 tấn sắt thép, tổng kim ngạch hơn 165 triệu USD. Qua đó, nâng tổng kết quả từ đầu năm lên gần 1,5 triệu tấn, kim ngạch hơn 815 triệu USD, tăng 3,8% về sản lượng, nhưng kim ngạch giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Xét theo thị trường, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng sắt thép, nhưng sản lượng ở thị trường này bị giảm mạnh tới 20,5% so với cùng kỳ 2019.

Nhưng thị trường Trung Quốc có sự tăng trưởng đột biến. Hết tháng 2, sản lượng sắt thép xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 211 nghìn tấn, tăng 26 lần so với cùng kỳ năm năm ngoái.

Giá thép xây dựng hôm nay 2/4/2020: Giá thép sụt giảm do lo ngại nhu cầu giảm- Giá thép xây dựng ngày 2/4 giảm mạnh, giá thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất 3,5 tháng do dịch Covid-19.
Giá xăng dầu hôm nay 3/4/2020: Bất ngờ tăng sốc tới 24% do tín hiệu giảm sản lượng- Giá xăng dầu ngày 3/4 tiếp đà tăng phi mã 24%, tăng mạnh nhất lịch sử sau khi tổng thống Donadl Trump dự  đoán Nga, Arab Saudi giảm sản lượng.
Bình luận