Giá thép thế giới tăng
Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 31 nhân dân tệ lên 3.890 nhân dân tệ/tấn vào lúc 9h30, ngày 5/4, giờ Việt Nam.
Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua 5/4, hợp đồng thép thanh xây dựng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 0,6% lên 3.594 nhân dân tệ/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tăng 1,2% lên 3.846 nhân dân tệ/tấn.
Giá than mỡ trên Sàn giao dịch Đại Liên tăng 0,3% lên 1.247,5 nhân dân tệ/tấn và giá than cốc tăng 0,4% lên 2.026,5 nhân dân tệ/tấn.
Ảnh minh họa: internet
Thứ Năm 4/4, giá quặng sắt giao sau kéo dài đà tăng trưởng mạnh vào phiên thứ liên tiếp.
Cụ thể, hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Đại Liên tăng 1,1% lên mức 687,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 102,40 USD/tấn). Giá quặng sắt ghi nhận kỉ lục ở 694,5 nhân dân tệ/tấn trong phiên trước đó, mức giá cao nhất đối với quặng sắt của Trung Quốc kể từ năm 2013 khi công bố giao dịch giao sau cho hàng hóa này.
Trong tuần này, giá quặng sắt tăng 10%, mức tăng lớn nhất kể từ tuần cuối cùng của tháng 1. Ngoài ra, sẽ không có giao dịch vào thứ Sáu (5/4) vì thị trường Trung Quốc đóng cửa cho kì nghỉ Lễ Thanh Minh.
Nguồn cung quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc dự kiến sẽ thắt chặt hơn nữa trong bối cảnh xuất khẩu từ Austrlia và Brazil giảm và nhu cầu từ các nhà máy thép tăng, Công ty môi giới Marex Spectron cho biết.
Theo dữ liệu SteelHome, giá quặng sắt hàm lượng 62% giao ngay của Trung Quốc tăng 1,7% lên 91,50 USD/tấn vào thứ Tư (3/4).
Khối lượng quặng sắt xuất khẩu của Brazil trong tháng 3 đạt 22,18 triệu tấn, thấp hơn 23% so với tháng 2 và giảm 26% so với cùng kì năm ngoái do các hoạt động khai thác tại các mỏ lớn của Vale SA bị gián đoạn sau thảm họa vỡ đập vào tháng 1.
Chuyên gia phân tích Helen Lau của Argonaut Securities cho biết quặng sắt xuất khẩu từ Australia và Brazil đến Trung Quốc trong quí đầu tiên giảm 7 - 8% so với năm trước và giá trị xuất khẩu giảm 2 con số so với quí trước.
Đà tăng của giá quặng sắt đã được hỗ trợ bởi nhu cầu thép tăng cao. "Tỉ lệ sử dụng thép tại tỉnh Hà Bắc trong tháng 4 dự kiến sẽ tăng vì có ít áp lực hơn đối với việc hạn chế sản xuất để bảo vệ môi trường", bà Lau cho biết.
Thắng kiện Indonesia, tôn lạnh Việt Nam dừng bị áp thuế tự vệ
Sau hơn 4 năm đấu tranh mạnh mẽ, Bộ Công Thương đã thành công trong việc đòi lại quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp tôn lạnh Việt Nam trong vụ việc bị Indonesia áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa đưa ra thông báo, mới đây, Indonesia đã chính thức ban hành Thông báo số 26/PMK.010/2019 sửa đổi Thông báo số 130/PMK.010/2017 nhằm thực thi phán quyết trong vụ việc giải quyết tranh chấp biện pháp tự vệ áp dụng với sản phẩm sắt, thép không hợp kim cán phẳng, mã HS: 7210.61.11 (tôn lạnh).
Theo đó, vụ việc có mã DS496 đã kết thúc và biện pháp áp thuế tự vệ đối với tôn lạnh Việt đã hết hiệu lực vào ngày 27/3/2019.
Trước đó, ngày 22/7/2014, Indonesia ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với tôn lạnh có chiều rộng từ 600mm trở lên của Việt Nam, khiến doanh nghiệp Việt bị ảnh hưởng đáng kể do lượng xuất khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng tới trên 60% lượng nhập khẩu của Indonesia.
Bộ Công Thương cho biết Indonesia đã chính thức dừng biện pháp tự vệ đối với tôn lạnh Việt Nam từ ngày 27/3/2019
Trước thực trạng này, ngày 1/6/2015, Việt Nam đã chính thức khởi kiện biện pháp tự vệ nói trên theo cơ chế quyết tranh chấp của WTO với cáo buộc biện pháp vi phạm các quy định của Hiệp định Tự vệ và Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT).