Cụ thể, hôm nay giá tiêu tại Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước ở mức 57.000 đồng/kg. Đây vẫn là địa phương có giá tiêu cao nhất khu vực.
Giá tiêu tại Đắk Lắk (Ea H'leo), Đắk Nông (Gia Nghĩa), đều đứng ở mức 56.000 đồng/kg.
Riêng giá tiêu tại Gia Lai (Chư Sê) và Đồng Nai vẫn ổn định ở mức thấp nhất trong khu vực là 55.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa: internet
Nông dân trồng tiêu khắp tỉnh Đắk Nông đang bất lực nhìn vườn cây chết dần chết mòn. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp Đắk Nông, đến nay đã trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 1.000 ha hồ tiêu bị chết hoàn toàn, hơn 2.600 ha bị nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh chết nhanh, chết chậm.
Hiện tượng tiêu chết hàng loạt trên diện rộng chỉ diễn ra trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây khi mùa mưa bắt đầu kết thúc.
Dự báo, trong thời gian tới diện tích hồ tiêu chết sẽ tiếp tục tăng lên gây hậu quả nặng nề cho người nông dân và ngành nông nghiệp địa phương. Điển nóng về dịch bệnh trên cây hồ tiêu hiện nay là huyện Đắk Song – thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông với hơn 527 héc ta tiêu bị chết, hơn 1.600 héc ta bị nhiễm bệnh. Kế đến là huyện Tuy Đức, với hơn 300 héc ta tiêu bị chết trụi…
Bà Hoàng Thị Liên, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) - một tổ chức liên kết chính phủ giữa các quốc gia sản xuất hồ tiêu, cho biết giá hồ tiêu đang trong trạng thái ổn định sau nhiều tháng sụt giảm.
"Từ nửa cuối năm 2016, giá tiêu đã ghi nhận xu hướng giảm. Và trở nên tồi tệ hơn vào năm 2017. Tuy nhiên, trong nửa cuối của năm 2018, giá tiêu ít biến động hơn", bà Liên nói.
Bà Liên đang có mặt tại Ấn Độ để triển khai ứng dụng do IPC phối hợp với Diễn đàn Các nhà xuất khẩu Gia vị Ấn Độ (AISEF) phát triển cho người trồng tiêu.
Theo bà Liên, giá tiêu trung bình toàn cầu đang dao động ở mức 3.000 USD/tấn.
Bà cũng cảnh báo người trồng tiêu không nên kì vọng vào mức giá cao nất trời trong những năm sắp tới.
Theo báo cáo của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu tháng 10/2018 đạt 15.020 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 45,54 triệu USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 10,1% về giá trị so với tháng trước, đưa khối lượng tiêu xuất khẩu 10 tháng đầu năm lên đạt 207.824 tấn, tăng 8,4% về lượng nhưng lại giảm 33,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 3.032 USD/tấn, tăng 4,66% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng trước.
Giá tiêu thế giới giảm nhẹ
Hôm nay 16/11/2018 lúc 9h30 giờ Việt Nam, giá tiêu tại sàn Kochi (Ấn Độ) giao tháng 11 vẫn đứng ở mức 40.000Rupi/tạ. Giá tiêu giao tháng 12 giảm 188 Rupi/tạ, tương đương 0,47%, về mức 39.671 Rupi/tạ. Song song đó, giá hạt tiêu trên (sàn SMX - Singapore) tháng 9 vẫn ổn định ở mức 6.500 USD/tấn.
Giá tiêu Ấn Độ đã giảm dưới ngưỡng 400 rupee/kg từ khoảng 500 rupee/kg vào năm ngoái. Điều này đã khiến chính phủ Ấn Độ áp giá nhập khẩu tối thiểu (MIP) 500 rupee/kg để bảo vệ người trồng tiêu địa phương. Bà Liên cho biết MIP không phải là một bước đi đúng đắn vì giá đang giảm tại tất cả các quốc gia và Ấn Độ không thể là ngoại lệ.
Người trồng tiêu Ấn Độ đang phải đối diện với một vụ mùa thấp khi thời tiết xấu trong những năm gần đây. Sản lượng giảm, tuy nhiên giá tiêu cũng không tăng cao hơn vì tiêu nhập khẩu giá rẻ, chất lượng thấp gia tăng.
Theo Công ty Hemanand Spices có trụ sở tại Kochi, Ấn Độ, gió mùa đã gây thiệt hại lớn cho người trồng tiêu Ấn Độ, dự báo một vụ mùa bội thu chỉ đạt 70.000 tấn, nhưng hiện chỉ còn chưa tới 45.000 tấn tiêu sau thu hoạch.