Cụ thể, giá tiêu tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở cửa phiên giao dịch vẫn đi ngang ở mức 45.000 đồng/kg.
Giá tiêu tại Đắk Lắk (Ea H'leo), Đắk Nông (Gia Nghĩa) đứng ở mức 43.000 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu tại Gia Lai, Đồng Nai vẫn ổn định ở ngưỡng 42.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá tiêu tại Bình Phước giảm 500 đồng/kg về mức 43.500 đồng/kg.
Ảnh minh họa: internet
Theo Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cần tập trung tái cơ cấu ngay ngành hồ tiêu. Trước tiên, diện tích hồ tiêu không được tăng thêm mà phải kiên quyết kéo giảm xuống. Theo đó, tập trung giảm ở những nơi không phù hợp, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết. Bộ phải tập trung làm ngay công tác về giống tiêu, chọn ra được những giống tốt để công nhận. Đồng thời, tìm ra những quy trình canh tác chuẩn cho từng tiểu vùng sinh thái.
“Hạt tiêu không chỉ làm gia vị mà còn có thể làm nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm nước hoa, các thực phẩm chức năng, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp… Vì vậy doanh nghiệp cần đầu tư các sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu để tăng đầu ra, chất lượng, thương hiệu cho hồ tiêu Việt Nam”, Bộ trường chia sẻ.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu cho rằng đối với những diện tích không còn phù hợp cần chuyển đổi sang loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn. Bên cạnh, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cần tăng cường tạo ra vùng nguyên liệu bền vững, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học.
Ngành công nghiệp chế biến hồ tiêu hướng tới chế biến sâu tạo giá trị gia tăng. Hiện nay, Việt Nam mới chủ yếu xuất khẩu tiêu dưới dạng thô. Trong khi đó, tỉ trọng các sản phẩm chế biến sâu như tiêu trắng và tiêu nghiền vẫn còn thấp.
Giá thế giới giảm gần 2%
Hôm nay 26/2/2019 lúc 9h10, giờ Việt Nam, giá tiêu thế giới giao ngay tại sàn Kochi (Ấn Độ) giảm mạnh 660Rupi/tạ, tương đương 1,82 %, về mức 35.590 Rupi/tạ. Giá tiêu giao tháng 2/2019 giảm 438 Rupi/tạ, tương đương 1,22%, về mức 35.566Rupi/tạ. Giá hạt tiêu trên (sàn SMX - Singapore) tháng 9 vẫn không đổi, ở mức 6.500 USD/tấn.
Theo Nikkei Asian Review đưa tin, giá hạt tiêu đen đã giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 12 năm qua do sản lượng tiêu ở Đông Nam Á tăng cao.
Giai đoạn 2014 -2016, giá tiêu tăng mạnh khiến nhiều người dân trồng cao su và sắn ở Việt Nam, Malaysia và Indonesia chuyển sang trồng cây gia vị. Hồ tiêu bắt đầu được trồng nhiều vào khoảng năm 2017, khiến nguồn cung vượt cầu.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), khoảng 725.000 tấn hạt tiêu đã được sản xuất trong năm 2017, tăng 10% so với năm trước đó.
Trong năm 2017, sản lượng tiêu của Việt Nam đạt 252.000 tấn, tăng gần 20% so với năm 2016. Năm 2000 Việt Nam chỉ sản xuất được 50.000 tấn tiêu, cùng với Indonesia và Ấn Độ trở thành nhà cung cấp tiêu lớn nhất thế giới với thị phần chiếm tới 35%.
Giá hạt tiêu đen bán cho các nhà sản xuất thực phẩm tại Nhật Bản hiện dao động trong khoảng 550 - 650 yên/kg (4,96 - 5,87 USD/kg), giảm khoảng 40% so với năm trước và giảm 70% so với cách đây 3 - 4 năm khi giá tiêu chạm mốc cao kỉ lục.
Giá giao dịch của tiêu trắng dao động 850 - 950 yên/kg (7,68 - 8,58 USD/kg), thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây, giảm khoảng 40% so với năm trước và giảm 70% so với cách đây 3 - 4 năm.
Giá tiếp tục có xu hướng giảm và tràn sang cả thị trường bán lẻ, Nikkei Asian Review cho hay.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu toàn cầu vẫn rất cao, một phần do sự ngày càng phổ biến của gia vị này tại các nước với dân số tăng cao và hương vị của chúng đối với các món ăn phương Tây.
Việc tiêu thụ hạt tiêu trắng, thường được sử dụng để tạo hương vị cho mì ăn liền, cũng đang tăng lên khi mì ăn liền hiện được thấy ngay cả ở vùng nông thôn của Trung Quốc, một quan chức ngành công nghiệp cho biết.