Giá xăng dầu hôm nay 12/5: Giảm trở lại sau khi tăng hơn 5%

(VOH) - Giá xăng dầu ngày 12/5 giảm sau khi leo dốc hơn 5% vào phiên trước vì căng thẳng năng lượng giữa Nga - EU leo thang, dấy lên lo ngại về bất ổn của thị trường năng lượng.

Giá xăng dầu thế giới giảm

Giá xăng dầu ngày 12/5, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,14% xuống 105,56 USD/thùng vào lúc 7h00 (giờ Việt Nam). Giá dầu thô Brent giao tháng 7 cũng giảm 0,11% xuống 107,4 USD/thùng.

Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h00 ngày 12/5/2022

Giá xăng dầu hôm nay 12/5: Giảm trở lại sau khi tăng hơn 5% 1

Giá dầu tăng hơn 5% sau khi dòng khí đốt của Nga sang Châu Âu giảm và Nga đã trừng phạt một số công ty khí đốt của Châu Âu, điều này tăng thêm tình trạng không chắc chắn với thị trường năng lượng thế giới.

Giá dầu và khí đốt tăng kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2 sau đó Mỹ và các đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga. Giao dịch dầu thô đã bị hạn chế và Nga đe dọa dừng cung cấp khí đốt sang Châu Âu.

Dòng khí đốt của Nga sang Châu Âu qua Ukraine đã giảm 1/4 sau khi Kyiv dừng sử dụng một tuyến đường vận chuyển chính, đổ lỗi do sự can thiệp của lực lượng Nga đang chiếm đóng. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu qua Ukraine bị gián đoạn kể từ khi xung đột diễn ra.

Động thái này làm tăng lo ngại rằng sự gián đoạn tương tự có thể xảy ra trong tương lai, ngay cả khi giá đã tăng. Nga đã trừng phạt 31 công ty có trụ sở tại các nước đã áp đặt lệnh trừng phạt với Moscow.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư (11/5), giá dầu thô Brent tăng 4,9% lên 107,51 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 6% lên 105,71 USD.

Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang trong quá trình đàm phán để đi đến một lệnh cấm vận hoàn toàn dầu mỏ của Nga. Vì Nga đóng vai trò là nhà xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu lớn nhất cho châu Âu, nên sự gián đoạn nguồn cung từ Nga, dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn, đã gây ra sự thiếu hụt trên thị trường thế giới, đặc biệt là đối với các sản phẩm tinh chế như dầu diesel.

Theo Andrew Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates ở Houston giá sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt nếu EU đạt được thỏa thuận loại bỏ việc mua dầu của Nga.

Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, một lệnh cấm vận đối với dầu của Nga sẽ làm thị trường thắt chặt hơn và làm thay đổi dòng chảy thương mại. Tuy nhiên, EU vẫn chưa có sự thống nhất hoàn toàn của 27 nước thành viên bởi Hungary vẫn chưa “gật đầu”.

Một nhân tố khác đẩy giá “vàng đen” tăng là số liệu mới nhất về lượng tồn kho của Mỹ. Mặc dù dự trữ dầu thô của Mỹ tăng hơn 8 triệu thùng, phần lớn là do một đợt giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược, dự trữ xăng của nước này đã giảm 3,6 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất cũng giảm.

Công suất lọc dầu của Mỹ cũng đã giảm. Mỹ đã tăng cường xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu từ người mua ở nước ngoài. Tính đến nay, Mỹ đang xuất khẩu ròng khoảng 4 triệu thùng nhiên liệu mỗi ngày.

Tony Headrick, nhà phân tích thị trường năng lượng tại CHS Hedging cho biết, các nhà máy lọc dầu đang không thể đáp ứng kịp nhu cầu xăng dầu.

Bình luận