Giá xăng dầu hôm nay 10/5: Giá thế giới lao dốc, xăng trong nước có thể vượt mốc 30.000 đồng/lít vào kỳ điều hành tới

(VOH) - Giá xăng dầu ngày 10/5 tiếp tục giảm mạnh vì các lệnh phong toả chống COVID-19 kéo dài tại Trung Quốc. Xăng trong nước có thể vượt mốc 30.000 đồng/lít vào kỳ điều hành tới.
Giá xăng dầu ngày 10/5/2022
Ảnh minh họa: internet

Giá xăng trong nước có thể vượt mốc 30.000 đồng/lít

Lãnh đạo các doanh nghiệp xăng dầu cho biết giá xăng kỳ điều hành tới có thể tăng mạnh khoảng 1.800-2.000 đồng/lít đưa giá mặt hàng này vượt mốc 30.000 đồng/lít nếu nhà điều hành không sử dụng công cụ bình ổn giá.

Theo Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 6/5 tăng so với kỳ tính giá ngày 4/5.

Cụ thể, giá xăng RON 92 khoảng 138,1 USD/thùng, còn giá xăng RON 95 là 143,2 USD/thùng, tăng hơn 2 USD/thùng;

Trong khi dầu hỏa khoảng 148,5 USD/thùng, nhích lên một chút so với kỳ trước thì dầu dissel và dầu mazut lại có xu hướng giảm, lần lượt ở mức 151,5 USD/thùng và 705,8 USD/thùng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TPHCM cho biết, thời gian gần đây giá dầu thô biến động rất mạnh. So với 6-10 ngày trước, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đang cao hơn giá thành phẩm tại Singapore 1.800-2.000 đồng/lít đối với xăng và hơn 1.400 đồng/lít đối với dầu diesel, theo Zing.

Theo đó, kỳ điều hành ngày 11/5, giá xăng, dầu sẽ tăng mạnh khoảng 1.800-2.000 đồng/lít. Nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể tăng ít hơn nhưng vẫn ở mức cao.

Tương tự, một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội cho biết giá xăng kỳ điều hành tới có thể tăng mạnh khoảng 1.500-1.600 đồng/lít đưa mặt hàng này tiếp tục tiến sát mốc 30.000 đồng/lít, thậm chí có thể vượt nếu nhà điều hành không can thiệp bằng các công cụ bình ổn giá.

Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 3 liên tiếp. Tính chung trong hơn 4 tháng đầu năm, giá xăng đã có 8 lần tăng, 3 lần giảm giá.

Về việc có giảm thêm giá xăng dầu trong thời gian tới, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết liên bộ Tài chính - Công Thương đang tiến hành xem xét, rà soát.

"Hiện nay, liên bộ đang tiếp tục nghiên cứu và rà soát xem giảm thêm được thuế nào sao cho phù hợp với vấn đề chung, tránh thẩm lậu xăng dầu, tạo điều kiện nhất cho người dân", ông Hải nói.

Ở kỳ điều hành ngày 4/5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh

Giá xăng dầu ngày 10/5, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,31% xuống 102,78 USD/thùng vào lúc 7h00 (giờ Việt Nam). Giá dầu thô Brent giao tháng 7 giảm mạnh 6,35% xuống 105,25 USD/thùng.

Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h00 ngày 10/5/2022

Giá xăng dầu hôm nay 10/5: Giá thế giới lao dốc, xăng trong nước có thể vượt mốc 30.000 đồng/lít vào kỳ điều hành tới 3

Giá dầu thô giảm khoảng 6% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (9/5), vì các lệnh phong toả chống COVID-19 kéo dài tại nhà nhập khẩu dầu hàng đầu - Trung Quốc dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu nhiên liệu.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai (9/5), giá dầu thô Brent giảm 5,7% xuống 105,94 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 6,1% xuống 103,09 USD. Cả hai loại dầu đều đã tăng khoảng 35% trong năm nay.

Các thị trường tài chính toàn cầu hoảng sợ bởi lo ngại về việc tăng lãi suất và lo lắng về suy thoái bởi việc phong tỏa Covid-19 ở Trung Quốc thắt chặt hơn khiến tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế số hai thế giới chậm lại trong tháng 4.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhập khẩu tháng 4 tăng gần 7%.

Trong tháng 4, nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Iran đã rời mức đỉnh được thấy vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 do nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu độc lập suy yếu bởi việc phong tỏa và do nhập khẩu dầu từ Nga tăng lên.

Chỉ số chứng khoán Phố Wall giảm và USD đạt cao nhất trong hai thập kỷ khiến dầu đắt hơn cho người mua bằng đồng tiền khác.

Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đã giảm giá dầu thô bán sang Châu Á và Châu Âu trong tháng 6.

Tại Nga, phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết sản lượng dầu của nước này tăng trong đầu tháng 5 so với tháng trước và sản lượng đã ổn định sau khi sản lượng giảm trong tháng 4 do các nước Phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt về xung đột tại Ukraine.

Tuần trước, Ủy ban Châu Âu đề xuất một lệnh cấm vận dầu thô của Nga theo từng giai đoạn, khiến giá dầu Brent và WTI tăng tuần thứ hai liên tiếp. Đề xuất này cần Ủy ban Châu Âu bỏ phiếu để thông qua trong tuần này.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết nước này về nguyên tắc sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga.

Bình luận