Giá xăng dầu hôm nay 21/11: Giá xăng có thể tuột khỏi mốc 23.000 đồng/lít vào chiều nay

(VOH)- Giá xăng dầu ngày 21/11 có thể giảm 300 đồng còn dầu hạ 500 đồng vào kỳ điều hành chiều nay nếu không sử dụng Quỹ. Hiện TP HCM chỉ còn 18 cửa hàng thiếu xăng dầu. Giá dầu thế giới trái chiều.

Giá xăng dầu trong nước có thể giảm nhẹ vào chiều nay

Sau bốn lần tăng liên tiếp, mỗi lít xăng có thể giảm 300 đồng còn dầu hạ 500 đồng nếu nhà điều hành không sử dụng Quỹ vào chiều nay.

Giá xăng dầu hôm nay 21/11: Giá xăng có thể tuột khỏi mộc 23.000 đồng/kg vào chiều nay 1

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 17/11 của một thùng xăng RON 92 là 95,2 USD, RON 95 là 101,1 USD, giảm so với chu kỳ trước. Còn giá dầu cũng xuống dưới 127 USD một thùng.

Trên thị trường thế giới, giá dầu có xu hướng đi xuống. Tuần qua, giá dầu WTI giảm 9% và giá dầu Brent giảm 10%. Theo Oilprice, vào lúc 8h48' ngày 20/11 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI là 80,08 USD/thùng, giá dầu Brent còn 87,62 USD/thùng.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết, giá bán lẻ xăng trong nước đang cao hơn giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore khoảng 70-90 đồng/lít. Giá dầu diesel, dầu hỏa trong nước cũng đang cao hơn thị trường Singapore khoảng 110-500 đồng/lít.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại phía Nam cho rằng giá xăng dầu thế giới tuần qua biến động đi xuống nên kỳ điều hành ngày 21/11, giá mặt hàng này sẽ đồng loạt điều chỉnh.

"Giá xăng có thể giảm 100-300 đồng, còn dầu hạ 400-500 đồng. Nếu cơ quan quản lý sử dụng và trích quỹ, giá xăng và dầu sẽ giữ nguyên", lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối phía Nam cho hay.

Đồng quan điểm, theo giám đốc một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc, kỳ điều hành tới, cơ quan quản lý có thể giữ nguyên giá xăng dầu nếu trích Quỹ. Nguyên nhân là các doanh nghiệp phân phối vẫn không có lãi, nếu tiếp tục giảm giá, các đơn vị này sẽ rất khó khăn vì thua lỗ kéo dài.

Đây là cơ hội để giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ có lần giảm đầu tiên sau 4 lần tăng liên tiếp, hoặc ít nhất là đứng yên để hãm đà tăng trong hơn một tháng qua.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 30 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 11/11), giá xăng tăng lần thứ 4 liên tiếp, trong khi giá dầu diesel giảm nhẹ.

Theo đó, giá xăng E5 tăng 840 đồng/lít, giá bán là 22.710 đồng/lít, giá xăng RON95 tăng 1.110 đồng/lít, giá bán là 23.860 đồng/lít. Còn giá dầu diesel giảm 90 đồng/lít, giá bán là 24.980 đồng/lít.

Cũng tại kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính ngừng xả Quỹ bình ổn giá nhưng trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5, xăng RON95 là 200 đồng/lít, không trích lập với dầu diesel và dầu hỏa.

Thông tin về tình hình cung ứng xăng dầu tại TP HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết nguồn cung xăng dầu của TP đã được cải thiện. Tính hết ngày 18/11, địa bàn chỉ còn 18 cửa hàng thiếu xăng dầu, trong khi giai đoạn cao điểm là 137/550 cửa hàng.

Giá xăng dầu thế giới trái chiều

Giá xăng dầu ngày 21/11,  dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,1% xuống 80,03 USD/thùng vào lúc 7h20 (giờ Việt Nam). Trong khi, giá dầu thô Brent giao tháng 1 tăng 0,09% lên 87,7 USD/thùng.

Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h20 ngày 21/11/2022

Giá xăng dầu hôm nay 21/11: Giá xăng có thể tuột khỏi mộc 23.000 đồng/kg vào chiều nay 2

Kết thúc phiên giao dịch tuần qua, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 12 trên sở NYMEX giảm 9,98%, chạm mốc 80,08 USD/thùng. Dầu thô Brent kỳ hạn tháng 1 năm sau trên sở ICE giảm 8,72% xuống còn 87,62 USD/thùng.

Như vậy, giá dầu tiếp tục giảm sau 2 tuần giảm liên tiếp. Giá dầu về sát ngưỡng 80 USD/thùng, mức giảm mạnh so với ngưỡng trung bình 90-100 USD/thùng nhiều tháng qua.

Lực bán đối với dầu thô trong tuần qua chủ yếu được thúc đẩy do lo ngại của thị trường về bức tranh tiêu thụ của Trung Quốc, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 liên tục gia tăng, hiện đã đạt trên 24.000 ca/ngày, tiến sát tới mức cao nhất từ trước đến nay.

Đồng USD suy yếu hỗ trợ dầu thô, giúp dầu thô trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác, nhưng lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc gây áp lực lên thị trường. 

Ông Craig Erlam, nhà phân tích tại nền tảng giao dịch trực tuyến OANDA, nhận định giá dầu đang tiếp tục giảm trong bối cảnh triển vọng kinh tế ngày càng ảm đạm và số ca mắc COVID-19 gia tăng ở Trung Quốc có nguy cơ gây ra các hạn chế và phong tỏa hơn nữa, đe dọa nhu cầu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Với việc dầu Brent đã giảm xuống dưới mốc tâm lý 90 USD, ông Erlam cho rằng điều này sẽ thử thách sự kiên nhẫn của OPEC+. Liên minh sản xuất dầu mỏ toàn cầu đã quyết định từ tháng này giảm 2 triệu thùng/ngày từ sản lượng chung của 23 quốc gia thành viên.

Ông Erlam lưu ý rằng OPEC+ đã bị chính quyền Tổng thống Biden và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cơ quan đại diện cho các nước tiêu thụ dầu mỏ, chỉ trích gay gắt về việc giảm sản lượng - nhưng những nỗ lực của liên minh này chẳng mang lại kết quả gì trong việc hỗ trợ giá. 

Động cơ của OPEC+ là để bù đắp những lo lắng ngày càng gia tăng về nhu cầu dầu trong những tháng gần đây khi các nền kinh tế toàn cầu phát đi tín hiệu suy thoái do lạm phát leo thang sau hậu quả của đại dịch.

Giá dầu thô đạt mức cao nhất trong 14 năm vào tháng 3, với dầu Brent tiến gần 140 USD và WTI vượt 130 USD. Tuy nhiên, đến tháng 9, dầu Brent đã giảm xuống còn khoảng 82 USD và dầu WTI còn khoảng 76 USD, theo Investing.

Bình luận