Giá xăng dầu hôm nay 29/6: Biến động trái chiều sau phiên giảm mạnh

(VOH) - Giá xăng dầu ngày 29/6 biến động trái chiều sau khi giảm mạnh do số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt tại Châu Á và Châu Âu đã kìm hãm đà phục hồi trước cuộc họp của OPEC+ trong tuần này.

Giá xăng dầu thế giới trái chiều

Giá xăng dầu ngày 29/6, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,05% lên 72,88 USD/thùng vào lúc 7h00 (giờ Việt Nam). Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 8 tăng 0,08% lên 74,12 USD/thùng.

Giá xăng dầu hôm nay 29/6/2021
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h00 ngày 29/6/2021

Giá xăng dầu hôm nay 29/6: Biến động trái chiều sau phiên giảm mạnh 2

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai (28/6), giá dầu Brent giao sau giảm 2%, xuống 74,68 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,5% xuống 72,91 USD.

Mức giảm này đưa hai loại dầu ra khỏi vùng quá mua, xuống thấp nhất kể từ ngày 18/6. Trước đó, giá hai loại dầu lên cao nhất kể từ tháng 10/2018.

“Dự báo lực cầu năng lượng phục hồi trong mùa hè có vẻ hơi quá, và nhà giao dịch đang đối mặt thách thức bởi biến thể Delta gây Covid-19 đã xuất hiện ở châu Âu, số ca nhiễm ở Đông Nam Á và Australia tăng mạnh khiến tình trạng phong tỏa được tái triển khai”, Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu tại Rystad Energy, nhận định.

Cụ thể, Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 cao kỷ lục, Malaysia kéo dài thời gian phong tỏa còn Thái Lan thông báo các biện pháp hạn chế xã hội mới. Australia ngày 27/6 cũng có số ca nhiễm tăng, khiến một số thành phố phải phong tỏa.

Manh mối trong tuần này tập trung vào cuộc họp của OPEC+ diễn ra vào thứ năm (ngày 1/7). Trong tháng 5 đến tháng 7 nguồn cung dầu của OPEC+ vào thị trường đã bổ sung thêm 2,1 triệu thùng/ngày sau khi cắt giảm sản lượng trong đại dịch, và có thể quyết định bổ sung thêm trong tháng 8 sau khi giá dầu thô tăng trong tuần trước, tăng tuần thứ 5 liên tiếp do nhu cầu phục hồi.

Dự báo của OPEC chỉ ra nguồn cung dầu thiếu hụt trong tháng 8 và trong những tháng còn lại của năm 2021 do sự phục hồi kinh tế từ đại dịch, cho thấy OPEC+ có dư địa để nâng sản lượng.

Các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ Australia và ngân hàng ING Hà Lan cho biết họ dự kiến OPEC+ nâng sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày trong tháng 8.

Tại Nga, sản lượng dầu đã sụt giảm từ đầu tháng 6 tới nay so với mức trung bình trong tháng 5 bất chấp giá dầu tăng và OPEC+ nâng sản lượng. Trong khi đó Iran và Mỹ dự kiến nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp để khôi phục hiệp ước năm 2015 về hoạt động hạt nhân của Tehran.

Thỏa thuận có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ và có thêm dầu thô Iran trên thị trường. Tuy nhiên, căng thẳng đã gia tăng sau các cuộc không kích của Mỹ trong ngày 27/6 nhằm vào lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria. Cả Iraq và Syria đều lên án các cuộc không kích đơn phương của Mỹ là vi phạm chủ quyền của họ.

Bình luận