Giá xăng dầu hôm nay 31/8: Giảm trở lại vì khả năng OPEC+ tiếp tục bơm thêm dầu

(VOH) - Giá xăng dầu ngày 31/8 giảm do siêu bão Ida suy yếu thành bão nhiệt đới sau khi buộc phải đóng cửa sản xuất dầu ở vùng Vịnh Mỹ và OPEC+ có vẻ sẽ tiếp tục với kế hoạch tăng sản lượng.

Giá xăng dầu thế giới giảm

Giá xăng dầu ngày 31/8, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,13% lên 69,12 USD/thùng vào lúc 7h00 (giờ Việt Nam). Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 11 cũng giảm 0,06% xuống 72,10 USD/thùng.

Giá xăng dầu hôm nay 31/8: Giảm trở lại vì khả năng OPEC+ tiếp tục bơm thêm dầu 1
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h00 ngày 31/8/2021

Giá xăng dầu hôm nay 31/8: Giảm trở lại vì khả năng OPEC+ tiếp tục bơm thêm dầu 2

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai (30/8), giá dầu thô Brent tăng 0,98% lên 73,41 USD. Trong phiên có thời điểm giá đạt 73,69 USD, mức cao nhất kể từ ngày 2/8. Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,51% lên 69,11 USD/thùng, sau khi chạm 69,64 USD, mức cao nhất kể từ ngày 6 tháng 8.

Trong vòng 12 giờ sau khi đổ bộ vào đất liền, cơn bão đã suy yếu thành bão cấp 1 và giảm xuống thành bão nhiệt đới. Hàng trăm cơ sở sản xuất dầu đã được sơ tán trước cơn bão này và gần như tất cả cơ sở dầu ngoài khơi vùng Vịnh (hay 1,74 triệu thùng/ngày) đã bị dừng sản xuất.

Tập đoàn Exxon Mobil cho biết họ đóng cửa các đơn vị lọc dầu ở Baton Rouge, Louisiana công suất 520.000 thùng/ngày cho tới khi được cung cấp điện và nguyên liệu.

Giá xăng của Mỹ tăng hơn 1,5%, hỗ trợ cho giá dầu thô. Tình trạng mất điện dẫn đến việc đóng cửa nhà máy lọc dầu tại bờ Vịnh và khả năng gián đoạn kéo dài.

Dầu thô Brent đã tăng 40% trong năm nay, do việc cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh đồng thời nhu cầu phục hồi sau khi sụt giảm bởi đại dịch năm ngoái.

Cuộc họp của OPEC+ diễn ra vào ngày 1/9 bàn luận về kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày, giảm dần mức cắt giảm sản lượng kỷ lục được thực hiện trong năm ngoái.

Các đại biểu của OPEC cho biết, họ kỳ vọng mức tăng này sẽ tiếp tục được duy trì, mặc dù Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait hôm Chủ nhật (29/8) cho biết điều này có thể được xem xét lại, theo Reuters.

Bất chấp sự gia tăng thu nhập ròng, các tập đoàn dầu quốc tế thông báo cắt giảm vốn đầu tư.

Việc cắt giảm vốn đầu tư khổng lồ này diễn ra đồng thời với áp lực gia tăng của các nhà bảo vệ môi trường đối với các ngân hàng trong việc ngừng cấp vốn cho các công ty nhiên liệu hóa thạch.

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) ngừng đầu tư vào các dự án thăm dò và sản xuất dầu khí như một phần trong kế hoạch nhằm phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng thông báo sẽ không còn cấp vốn cho các dự án khai thác và sản xuất dầu.