Giá xăng dầu hôm nay 8/1: Giá dầu giảm nhưng đạt mức tăng 5% cả tuần

(VOH) - Giá xăng dầu ngày 8/1 giảm trong tuần liên tục tăng vì lo ngại nguồn cung từ bất ổn tại Kazakhstan và tình trạng ngừng sản xuất tại Libya, báo cáo việc làm tại Mỹ.

Giá xăng dầu thế giới giảm

Giá xăng dầu ngày 8/1, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,72% xuống 78,89 USD/thùng vào lúc 6h45 (giờ Việt Nam). Giá dầu thô Brent giao tháng 3 cũng giảm 0,26% xuống 81,78 USD/thùng.

Giá xăng dầu ngày 8/1/2022
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 6h45 ngày 8/1/2022

Giá xăng dầu hôm nay 8/1: Giá dầu giảm nhưng đạt mức tăng 5% cả tuần 2

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu (7/1), giá dầu thô Brent giảm 0,3% xuống 81,75 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,7% xuống 78,9 USD.

Trong tuần đầu tiên của năm mới, giá bầu Brent tăng 5,2%, trong khi dầu thô WTI tăng 5% với giá ghi nhận ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 11 nhờ lo ngại về nguồn cung.

Hiện, tại thành phố chính Almaty của Kazakhstan, lực lượng an ninh dường như kiểm soát các đường phố và tổng thống nước này cho biết, trật tự hiến pháp hầu như đã được khôi phục, một ngày sau khi Nga cử quân đội dập tắt một cuộc nổi dậy.

Các cuộc biểu tình bắt đầu ở các khu vực phía tây, nơi “giàu” dầu mỏ nhất của Kazakhstan. Diễn biến này khiến sản lượng khai thác tại mỏ dầu hàng đầu của Kazakhstan đã bị giảm vào thứ Năm do một số nhà thầu làm gián đoạn các tuyến tàu để ủng hộ các cuộc biểu tình đang diễn ra trên khắp quốc gia Trung Á này.

Trong khi đó, sản lượng ở Libya đã giảm xuống 729.000 thùng/ngày từ mức cao 1,3 triệu thùng/ngày do công tác bảo trì đường ống.

Cả dầu thô Brent và dầu thô WTI đều tăng 1 USD vào đầu phiên nhưng dầu, cùng với thị trường chứng khoán và đồng USD, đã chịu áp lực sau khi số liệu việc làm của Mỹ không đạt kỳ vọng.

Số việc làm mới của Mỹ tăng ít hơn dự kiến trong tháng 12 trong bối cảnh thiếu nhân lực và tăng trưởng việc làm có thể vẫn ở mức trung bình trong thời gian tới, do tình trạng nhiễm COVID-19 phức tạp làm gián đoạn hoạt động kinh tế.

Ở một diễn biến khác, nguồn cung bổ sung từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Nga và các đồng minh, được gọi là OPEC+, không theo kịp tốc độ tăng trưởng nhu cầu, theo Reuters.

Sản lượng của OPEC trong tháng 12 đã tăng 70.000 thùng/ngày so với tháng trước, so với mức tăng 253.000 thùng/ngày được cho phép theo thỏa thuận nguồn cung của OPEC+.