Giá xăng lập đỉnh mới, tiến sát 27.000 đồng/lít

(VOH) - Từ 15h chiều ngày 1/3, giá xăng E5 RON 92 trong nước tiếp tục tăng 540 đồng/lít lên 26.070 đồng/lít, còn xăng RON 95 tăng 550 đồng/lít lên 26.830 đồng/lít.

Từ 15h00 chiều ngày 1/3, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.

Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 540 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 550 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 26.070 đồng/lít và xăng RON 95 là 26.830 đồng/lít.

Như vậy, giá xăng trong nước đã có lần tăng thứ sáu liên tiếp và là đợt tăng thứ 5 trong năm 2022. Hiện, giá bán cả hai mặt hàng xăng RON 95 và E5 RON 92 đều ở mức cao nhất lịch sử.

Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên 21.310 đồng/lít; dầu hỏa là 19.978 đồng/lít và dầu mazut là 18.468 đồng/kg.

a
Ảnh minh họa - Internet 

Trước đó, tại kỳ điều chỉnh ngày 21/2, xăng E5 RON 92 tăng 960 đồng/lít, xăng RON 95 cũng tăng tương tự ở mức 960 đồng/lít. Các loại dầu lần lượt tăng giá, trong đó giá dầu diesel tăng 940 đồng/lít, dầu hỏa tăng 750 đồng/lít còn dầu mazut tăng 280 đồng/kg.

Trong kỳ điều hành lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương trích quỹ bình ổn với dầu mazut 300 đồng/kg. 

Đồng thời, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn đối với xăng E5 RON 92 ở mức 250 đồng/lít, RON 95 là 220 đồng/lít, dầu diesel là 300 đồng/lít.

Từ đầu năm đến nay, liên bộ Công Thương - Tài chính liên tục chi mạnh quỹ bình ổn giá để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước.

Hiện thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine. 

Trong khi nguồn cung xăng dầu tại Việt Nam có tình trạng thiếu hụt do nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã giao các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu khoảng 2,4-2,5 triệu m3 xăng dầu trong quý II, gồm lượng xăng dầu thiếu hụt do sản xuất trong nước không đạt kế hoạch sản lượng và 20% lượng nhập khẩu bổ sung để đảm bảo cho nhu cầu phục hồi kinh tế.

Trên thế giới, giới chuyên gia nhận định tình hình căng thẳng ở Ukraine sẽ khiến giá dầu tăng lên, cũng như khả năng gián đoạn nguồn cung, vốn diễn ra trong bối cảnh thị trường "vàng đen" đã thắt chặt do nhu cầu mạnh mẽ và nguồn cung căng thẳng trên toàn cầu.