Tại cuộc họp báo, ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, sở đã thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra, giám sát việc kinh doanh xăng dầu của các cây xăng trên địa bàn thành phố.
Theo đó, các cây xăng nghỉ bán đều có lý do chính đáng chứ không phải lợi dụng tình hình giá xăng dầu tăng để găm hàng trục lợi. Theo ông Tú, việc giá xăng dầu tăng trong thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đời sống của người dân đặc biệt là chi phí logistics tăng làm ảnh hưởng đến giá cả chung.
Trả lời câu hỏi về tác động của giá xăng dầu tăng đối với các doanh nghiệp của thành phố, đặc biệt là doanh nghiệp logistics, ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết: "Tất cả doanh nghiệp sản xuất dù lớn hay nhỏ đều có sử dụng xăng dầu để phục vụ sản xuất. Chi phí xăng dầu tăng lên cũng kéo theo chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng theo.
Ngoài ra chi phí xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển cũng tăng kéo theo giá thành sản phẩm tăng, đặc biệt là các doanh nghiệp logistics.
Thường các doanh nghiệp logistics sẽ ký với doanh nghiệp trong một khoảng thời gian dài nhất định, bây giờ chi phí tăng lên mà giá vẫn giữ vậy thì người bị thiệt là doanh nghiệp logistics. Chúng tôi hết sức chia sẻ việc này. Đây là tình hình chung, mong các doanh nghiệp cố gắng vượt qua trong thời gian khó khăn".
Bên cạnh giá xăng dầu tăng trong mấy tuần qua thì số ca nhiễm F0 ở trẻ em cũng ngày càng tăng từ khi cho trẻ mầm non, lớp 1 đến lớp 6 đi học lại.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng sở Y tế TPHCM thông tin tình hình trẻ em bị nhiễm F0 từ khi đi học đến nay là hơn 2500 ca: "Trong tuần qua, số ca mắc của trẻ em từ ngày 13-2 đến 26-2 được thống kê như sau:
Đối với trẻ từ 0-6 tuổi là 505 ca, từ 7-11 tuổi là 1055 ca, từ 12 đến 15 tuổi là 587 ca và từ 16- 18 tuổi là 512 ca.
Báo cáo tại 3 bệnh viện Nhi cho thấy đến 8 giờ sáng nay thì tổng số ca nội trú của 3 bệnh viện nhi là 197 trẻ. Có 519 ca được phát hiện qua khám sàng lọc ở khu vực khám ngoại trú trong đó có 33 ca nhập viện. Số ca cần phải hỗ trợ hô hấp là 9 ca trong đó 6 ca cho thở Max oxi và 3 ca cho thở máy".
Theo ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và đào tạo thành phố cho biết, hiện nay số ca nhiễm F0 gia tăng không chỉ ở trẻ em và học sinh mà ngay cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học trực tiếp ở các cơ sở giáo dục.
Theo quy định mới về hướng dẫn kiểm soát dịch tại các cơ sở giáo dục, đối với cấp mầm non thì trong lớp có trẻ F0 thì cả lớp đó phải nghỉ học. Còn từ lớp 1 đến lớp 12, nếu trong lớp có F0 thì sẽ cho các nhóm F1 gần F0 nghỉ ở nhà học trực tuyến cho đến khi hết ngày cách ly, còn số học sinh còn lại tiếp tục học trực tiếp.
Ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và đào tạo thành phố đề nghị: "Đề thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục theo quy định mới của UBND thành phố cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế, sở y tế về chuyên môn, rất mong nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của y tế cơ sở.
Ở đây không chỉ là y tế cơ sở nơi cơ sở giáo dục trú đóng mà còn là y tế cơ sở nơi mà các học sinh cư ngụ. Mong sự phối hợp của cha mẹ học sinh khi phát sinh các tình huống liên quan đến F0, F1, cùng phối hợp với nhà trường để tiến hành xử lý cũng như là thực hiện các biện pháp để đảm bảo yêu cầu, đảm bảo an toàn cao nhất cho học sinh khi học tập trực tiếp ở các cơ sở giáo dục".