Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị xử lý hình sự

(VOH) - Tình trạng sử dụng cấm trong chăn nuôi heo đã kéo dài hơn 10 năm. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế trong chăn nuôi, việc sử dụng chất cấm Salbutamol và màu vàng ô vẫn còn. Sau ngày 01/7/2016, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị xử lý theo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Nhằm cảnh báo người chăn nuôi, ngày 23/3, tại TPHCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tọa đàm "Chất cấm trong chăn nuôi-Thực trạng và giải pháp". 

Chất cấm trong chăn nuôi dùng tràn lan

Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng chăn nuôi sử dụng chất cấm là do quy định chế tài thời gian qua còn nhẹ, chỉ xử phạt 15 triệu đồng một trang trại vi phạm dương tính chất cấm, dù cho quy mô nhiều hay ít đều tương tự nhau... Vì vậy, không mang tính chất răn đe.

Kết quả kiểm tra hơn 4.000 mẫu thức ăn chăn nuôi, nước tiểu heo, thịt ở chợ, cho thấy có từ dưới 1% đến 10% số mẫu dương tính với Salbutamol. Đây là chất cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người. 

Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn tái diễn ở một số địa phương. Các hành vi vi phạm hiện chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi, trang trại, nhân viên tiếp thị thức ăn gia súc và thương lái heo.

Tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2016 đến nay, ngành thú y đã lấy 50 mẫu, bằng test nhanh có 8 mẫu dương tính với chất cấm. Trong đó heo nuôi của 2 hộ dân ở huyện Vĩnh Cửu dương tính với Salbutamol.

Vi phạm nặng xử lý hình sự

Ông Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo lập 2 tổ trọng điểm thí điểm ở miền Bắc và miền Nam để kiểm tra các lò mổ, hộ chăn nuôi nếu phát hiện vi phạm sử dụng chất cấm sẽ bắt giữ, tiêu hủy ngay.

Về quy định hiện nay để xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ông Trần Trọng Bình, nói: "Thông tư 01 sửa đổi bổ sung đối với Thông tư 57 đã quy định rõ hơn về định tính, định lượng của chất cấm được xác định trong thức ăn chăn nuôi, trong sản phẩm động vật heo được giết mổ hoặc ở trang trại. Ngoài xử phạt về tiền thì một trong nhưng biện pháp bổ sung đó là tiêu hủy đối với tang vật".

Khi cơ quan chức năng áp dụng biện pháp tiêu hủy cả đàn heo thật sự sẽ là thảm họa với người chăn nuôi. Nếu cứ ham lợi trước mắt, tiếp tục sử dụng chất cấm, không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng thì người chăn nuôi sẽ đối mặt với nguy cơ mất trắng sản nghiệp, chưa kể từ ngày 1/7/2016, hành vi này sẽ bị xử lý hình sự.

Các hộ chăn nuôi heo ở Tiền Giang ký cam kết không cho heo ăn chất cấm – Ảnh: Thành Bắc/ TT.

Tăng cường phối hợp

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng để chấm dứt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần phải có sự hợp sức và đồng bộ.

"Thứ nhất là phải có quyết tâm chính trị của toàn bộ hệ thống từ trung ương đến địa phương. Thứ hai phải có cách làm mới. Thứ ba toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc. Và chúng tôi mong trong thời gian sắp tới cùng với C49, các lực lượng khác, chúng ta sẽ vào cuộc. Tôi nghĩ từ sau ngày 01/07 vấn đề sử dụng chất cấm sẽ giảm. Với bất cứ ai khi sử dụng chất cấm sẽ phải suy nghĩ về hậu quả của nó, không chỉ về kinh tế mà hậu quả về mặt hình sự nữa", ông Việt nói.

Bên cạnh biện pháp xử lý mạnh, cũng có ý kiến cho rằng phải nghiên cứu giải pháp thay thế về con giống, ứng dụng men, vi sinh vật, giúp người chăn nuôi tạo sản phẩm thịt heo chất lượng, tỷ lệ nạc cao. Các hộ chăn nuôi cần liên kết sản xuất theo chuỗi thực phẩm an toàn VietGap...

Tham gia tọa đàm có các ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tống Xuân Chinh-Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi; Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai; Trần Trọng Bình-Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49); Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai; Dương Nguyên Khang, Giám đốc Trung tâm  Nghiên cứu và Chuyển giao khoa học công nghệ - Trường đại học Nông Lâm TPHCM.