Tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2023 - 2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương từng nhấn mạnh: Phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần “7 dám”, bao gồm: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Đây là yêu cầu vừa mang tính cấp thiết, vừa xuyên suốt đối với cán bộ quân đội trong giai đoạn hiện nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần, nhưng phương châm xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ Quân đội “7 dám” theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương, vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.
Trong giai đoạn hiện nay, với yêu cầu ngày càng cao về nhiệm vụ quân sự quốc phòng trong tình hình mới, công tác quản lý, chỉ huy đơn vị của đội ngũ cán bộ Quân đội chịu nhiều áp lực. Cường độ công việc lớn, yêu cầu cao, kinh tế gia đình nhiều đồng chí còn khó khăn...tạo sự lo lắng đối với mỗi cán bộ. Nếu không dám đương đầu với khó khăn thử thách, đề cao trách nhiệm của bản thân, dễ dẫn đến chùn bước, nản chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nói chung và cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Vệ binh - Kiểm soát Quân sự 31 nói riêng, tinh thần “7 dám” mà Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đề ra, vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp của công tác bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ và là tiêu chí để đánh giá cán bộ trong tương lai.
Đại úy Phan Hoàng Ninh - Chính trị viên Tiểu đoàn Vệ binh - Kiểm soát Quân sự 31, Bộ Tư lệnh Thành phố cho biết: “Để hiện thực hóa tinh thần “7 dám”, Đảng ủy – Ban Chỉ huy Tiểu đoàn luôn chú trọng quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ của đơn vị vững mạnh về chính trị, đủ đức, đủ tài, có uy tín cao; cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, chỉ huy phải mẫu mực trước đơn vị, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm... Lấy tinh thần “7 dám” làm tiêu chuẩn để từng cán bộ, chiến sĩ trên cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao soi rọi và thực hiện theo”.
Thượng úy Nguyễn Công Toàn – Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Gia Định cho biết, qua lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tinh thần "7 dám", là cán bộ, sĩ quan trẻ, bản thân anh cảm nhận: “Đây chính là quan điểm, phương châm, mục tiêu, tiêu chuẩn đối với công tác cán bộ trong Quân đội, xuyên suốt từ quy trình tuyển chọn, đào tạo, rèn luyện, thử thách, bố trí, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ hiện nay và trong tương lai. Đây cũng là một cách cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ: “Đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất cần thiết và rất quan trọng”.
Thượng úy Nguyễn Công Toàn chia sẻ: "Bản thân là cán bộ, sĩ quan trẻ, cán bộ chính trị mới ra trường, về công tác tại đơn vị cơ sở được gần 3 năm. Qua phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi nhận thấy cần phải học tập hoàn thiện từng “dám”. Thực hiện theo tinh thần “7 dám” là điều kiện, cơ hội để đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ phát huy hết khả năng, tinh thần, trách nhiệm của bản thân trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, quân đội trong tình hình mới".
Trung đoàn Gia Định với truyền thống là đơn vị 2 lần được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân chương, huy chương cao quý nên việc tiếp tục phát huy và tô thắm thêm truyền thống đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có năng lực toàn diện, trong đó tinh thần “7 dám” mà đồng chí Tổng Bí thư đặt ra là một nội dung hết sức quan trọng để đội ngũ cán bộ Trung đoàn quán triệt và thực hiện trong công tác.
Trung tá Ngô Trường An - Phó Chính ủy Trung đoàn Gia Định nhấn mạnh, để tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ sĩ quan trẻ ở Trung đoàn theo tinh thần “7 dám”, thì từng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong đơn vị phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong công tác cho đội ngũ sĩ quan trẻ noi theo.
Trung tá Ngô Trường An cho biết: “Lãnh đạo, chỉ huy phải thường xuyên gần gũi, động viên, giúp đỡ kịp thời những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho đội ngũ sĩ quan trẻ yên tâm công tác. Đối với bản thân từng đồng chí cán bộ, sĩ quan trẻ phải thể hiện rõ tinh thần “7 dám” trong công tác, thực hiện nhiệm vụ hàng ngày thông qua lời nói, việc làm, ý thức tổ chức kỷ luật, ý chí phấn đấu vươn lên, không ngại khó, ngại khổ, đấu tranh với những biểu hiện sai trái trong đơn vị… góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Việc xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ Quân đội “7 dám” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương là một chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược; tình cảm, niềm tin và yêu cầu cao của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đó cũng là kim chỉ nam, phương châm hành động trong xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Chính ủy Quân khu 7 - Trung tướng Trần Hoài Trung tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận 01 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII; 2 năm thực hiện Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương về “Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”, đã đặt vấn đề: “Thực hiện tinh thần “7 dám “của Tổng Bí thư thì phải suy nghĩ làm sao cho tốt. Ngày xưa người ta dám nói thôi, nhưng Tổng Bí thư đưa vào đầu tiên là dám nghĩ, từ dám nghĩ mới dám nói, rồi mới dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.
Có thể khẳng định, khi cán bộ các cấp trong Quân đội hội tụ đầy đủ tâm - tầm - tài, uy tín và luôn thấm nhuần, thể hiện tinh thần “7 dám” như gửi gắm của đồng chí Tổng Bí thư, thì Quân đội ta sẽ có nền tảng vững chắc, tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có sức mạnh tổng hợp và sức chiến đấu cao, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.