Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền khu vực từ Quảng Ngãi đến phía Bắc Khánh Hòa sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 31/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Cam-pu-chia.
Vào chiều 30/10, ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai dẫn đầu đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã đi kiểm tra các vị trí xung yếu tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Ông Vũ Xuân Thành đề nghị chính quyền địa phương, các lực lượng và người dân không được chủ quan, chủ động phòng tránh bão số 5, đặc biệt là ở khu vực nuôi trồng thủy sản và các khu vực ven núi, những nơi từng xảy ra sạt lở, chân đất yếu.
“Khánh Hòa vẫn phải tiếp tục đảm bảo an toàn tàu thuyền, vẫn còn một số tàu chưa vào. Vẫn phải tiếp tục kiểm tra, đôn đốc bà con trên lồng bè, nuôi trồng, thủy sản. Bà con đã chủ động rồi nhưng vẫn tiếp tục kiểm tra, đôn đốc những hộ chưa đi, chưa di dời. Cũng như tổ chức lực lượng canh coi, không để cho bà con quay về”, ông Thành nói.
Tỉnh Bình Định cũng đã lên phương án sơ tán hơn 14.500 hộ dân với trên 68.000 nhân khẩu đi tránh bão. Các đơn vị quân đội đã chuẩn bị lực lượng cùng nhiều phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu nạn.
“Tại thời điểm này, lượng mưa từ sáng giờ thì vẫn chưa phải lớn, mực nước sông ở dưới báo động 1. Khi mực nước sông ở trên báo động 2, 3 và một số các vùng có khả năng bị ngập, lúc đó Quân đội, Công an sẵn sàng hết rồi. Đã chuẩn bị các phương tiện để giúp người dân di chuyển”, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết.
Khoảng 400 tàu thuyền đã vào neo đậu an toàn tại cảng cá Quy Nhơn vào sáng 30/10.
Cũng trong chiều 30/10, lượng mưa ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi rơi vào khoảng 90mm dự kiến sẽ tăng dần trong tối nay và sáng mai. Hiện giờ (tối 30/10), biển đang động dữ dội với những cột sóng cao đến 5m. Tại bờ kè và cửa biển Sa Huỳnh, nhiều người dân đang tích cực chằng chống nhà cửa, thu dọn ngư lưới cụ từ ngoài biển vào. Nhiều chiếc tàu vào muộn "lâm nguy" khi sóng xô nghiêng ngả dù chỉ còn cách cảng chừng 500m.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, sóng gió hiện tại ở tỉnh giật cấp 9
Theo ông Nhâm Xuân Sỹ, giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Lượng mưa hiện tại đo được ở tỉnh Quảng Ngãi khoảng 60mm đến 90mm. Nhiều khu vực dự báo sẽ tăng lên khoảng 400mm đến 600mm.
Tính đến 17h cùng ngày có tỉnh Quảng Ngãi còn 418 tàu với 5.050 lao động còn đang hoạt động trên các vùng biển. Trong đó, tại quần đảo Hoàng Sa có 11 tàu cá với 820 lao động, quần đảo Trường Sa 118 tàu cá với 2.626 lao động. Hiện bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đang theo dõi bão và giữ liên lạc, thông báo để ngư dân trên biển nắm tình hình.
Địa phương đầu tiên xuất hiện sạt lở núi là ở huyện Ba Tơ, ông Trần Trung Triết - chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết sáng nay địa phương đã sơ tán hàng chục người dân vùng nguy cơ sạt lở núi ở xã Ba Giang đến nơi ở an toàn. Khoảng 300 học sinh các cấp ở huyện này được nghỉ học để tránh bão số 5.
Ở Phú Yên, tại thị xã Sông Cầu - nơi được dự báo tâm bão đổ bộ tối nay - từ buổi trưa, hàng trăm người dân tất bật với việc chằng, cột tàu thuyền vào vùng tránh trú. Lúc 15h chiều 30/10, ông Đào Mỹ - chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu - cho biết toàn huyện còn 47 hộ nuôi hải sản lồng bè chưa vào bờ. Đến 17g30 ngày 30/10, phần lớn người đã được sơ tán, chỉ còn một người dân còn ở lại trên các lồng bè nuôi thủy sản. Ngay trong đêm tối, các lực lượng chức năng đưa ca ô ra cưỡng chế, đưa người này vào bờ tránh bão thành công.
Như vậy, chỉ riêng thị xã Sông Cầu đã đưa hơn 3.000 người nuôi tôm, cá bằng lồng bè trên biển vào bờ tránh bão. Ngoài ra, thị xã Sông Cầu còn sơ tán hơn 830 hộ gia đình với gần 3.000 người ở các vùng xung yếu, nguy hiểm đến nơi an toàn.
Khoảng 18h, tại trung tâm thị xã Sông Cầu, mưa trở nên nặng hạt, gió giật mạnh, rít từng cơn. Đến 19h, các xã phía bắc thị xã là Xuân Cảnh, Xuân Hải, Xuân Thịnh bị mất điện. Theo ông Đào Mỹ - Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu - là do sự cố trong mưa bão, không thể khắc phục ngay được. Khả năng đến sau bão mới sửa chữa.
Ở TPHCM, chiều 30/10, Văn phòng UBND TP cho biết, để chủ động trong công tác phòng, tránh, ứng phó với mọi tình huống, giảm thiểu tối đa các thiệt hại do bão số 5, dự báo sẽ đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ tối nay; UBND TP yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị thành phố, Chủ tịch UBND các quận-huyện, phường- xã- thị trấn triển khai thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển, trong vùng nước cảng biển và công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.
UBND huyện Cần Giờ chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, di chuyển đến các địa điểm kiên cố an toàn ngay khi có lệnh của UBND TP; đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình di dời dân. Tổ chức lực lượng canh gác bảo đảm an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân đi; tổ chức chăm lo tốt cuộc sống của các hộ dân tại nơi tạm cư tránh bão.
Bộ Tư lệnh TPHCM, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM, Công an TPHCM, Sở GTVT TPHCM, Cảng vụ Hàng hải TPHCM, Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM, Thành Đoàn chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị để tham gia sơ tán, di dời dân, tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ, đặc biệt là tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng phối hợp với các đơn vị hỗ trợ, chi viện cho các quận - huyện ngay khi có yêu cầu, đặc biệt tại các khu vực xung yếu (trên biển, cửa biển, cửa sông, vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp...).