Chờ...

Bão số 5 (Matmo) sức gió giật cấp 12, sắp đổ bộ vào đất liền

(VOH) - Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10-15km/h.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia vị trí tâm bão (16 giờ ngày 30/10): Khoảng 13,3oN; 110,5oE, cách đất liền các tỉnh Bình Định-Phú Yên-Khánh Hòa khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất: Cấp 9-10 (75-100km/h), giật cấp 12Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10-15km/h.

Theo nhận định, đây là cơn bão di chuyển nhanh và tăng cấp bất ngờ. Cường độ dự kiến mạnh nhất của bão số 5 (Matmo) ở cấp 9-10 (75-100km/h), giật cấp 12 trước khi hướng thẳng vào các tỉnh Nam Trung bộ vào tối nay.

Tại Bình Định, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện công tác ứng phó bão số 5; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các trạm biên phòng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, thực hiện nghiêm lệnh cấm biển từ 15 giờ ngày 29/10. Ngoài ra, các đơn vị đã thông báo, kêu gọi, hướng dẫn 308 tàu cá/2.156 lao động ra khỏi vùng biển nguy hiểm; hướng dẫn, sắp xếp 5.841 tàu cá neo đậu tại bến; hướng dẫn, buộc chặt 769 lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản.

Trong khi đó, tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm kíp trực sẵn sàng chiến đấu, kịp thời theo dõi, nắm chắc tình hình của bão. Phòng Hậu cần và Phòng Tham mưu đã phối hợp chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cứu nạn cứu hộ trong mưa bão như: phao bè, xuồng nhôm, xuồng compozit, nhà bạt, xuồng ST 750… cũng như giường, chiếu, vật chất sinh hoạt tại các phòng tập trung, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh của Bộ CHQS tỉnh.

Bộ CHQS tỉnh Bình Định chuẩn bị phương tiện phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Phú Yên, cùng với cưỡng chế đưa hơn 1.200 người trên các lồng bè nuôi thủy sản vào bờ, tỉnh Phú Yên tổ chức sơ tán hàng trăm hộ gia đình ở vùng xung yếu đi tránh bão số 5. Đến chiều 30/10, chính quyền các địa phương đã huy động nhiều lực lượng để hỗ trợ hàng ngàn người trên các lồng, bè nuôi thủy sản vào bờ trãnh bão số 5. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 1.000 người trên các lồng bè nuôi thủy sản chưa vào bờ tránh bão.

“Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương tổ chức cưỡng chế, đưa ngay những người còn ở trên các lồng bè ở đây vào đất liền tránh trú trước khi bão vào. Tương tự, vẫn còn hơn 250 người trên các lồng bè nuôi thủy sản ở Vũng Rô, huyện Đông Hòa đang được các lực lượng cưỡng chế đưa vào bờ”- ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên thông tin.

Người dân thị xã Sông Cầu thu hoạch tôm hùm chạy bão.

Nhằm ứng phó với khả năng ảnh hưởng của bão số 5, Công điện số 5921 ngày 30/10/2019 của UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục theo dõi tình hình mưa, lũ thực tế tại địa phương để chủ động triển khai phương án ứng phó thiên tai năm 2019 các cấp theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt lưu ý các biện pháp ứng phó với tính huống lũ lớn, đặc biệt lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra vùng ven biển, ven sông, suối; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: kiểm tra, rà soát và cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất từ từ thôn, bản, công trình...

Theo bà Phạm Thị Hương- Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết: Từ ngày 28/10 đến nay, chính quyền huyện đảo Lý Sơn đã triển khai, theo dõi diễn biến thời tiết trên biển, hướng dẫn cho các tàu thuyền vào đảo trú tránh bão đảm bảo an toàn. Hiện tại ở đảo Lý Sơn, trời nhiều mây, không có mưa, gió từ cấp 6 đến cấp 7. Ngoài ra, chính quyền huyện cũng ban hành lệnh cấm các tàu thuyền, tàu vận tải ra biển vào thời điểm này, chờ đến khi nào thời tiết ổn định mới hoạt động trở lại nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Nam, theo đại diện UBND tỉnh này, từ hôm qua (29/10), UBND tỉnh đã có Công điện số 08 về việc chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và tình hình mưa lũ. Theo báo cáo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, tính đến 5 giờ sáng ngày 30/10, tổng số tàu cá tỉnh Quảng Nam là 4.399 tàu với 15.323 lao động; tổng số tàu cá đang hoạt động xa bờ là 30 tàu với 802 lao động. Số tàu thuyền và lao động đang trên hoạt động trên gồm: Khu vực Trường Sa: 13 tàu/598 lao động; khu vực Hoàng Sa 17 tàu/204 lao động và tàu cá hoạt động gần bờ 9 tàu/46 lao động (cách bờ biển Quảng Nam khoảng 5-15 hải lý).

Lực lượng chức năng huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) kiểm tra, hướng dẫn tàu thuyền vào neo đậu tránh bão số 5 tại cảng cá Ninh Chữ.

Trước những diễn biến phức tạp của bão số 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công điện gửi Các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục và đơn vị trực thuộc Bộ tại các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực Tây Nguyên về việc chủ động ứng phó với bão số 5.
Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục và đơn vị trực thuộc Bộ tại các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực Tây Nguyên khẩn trương triển khai theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; đảm bảo thông tin kịp thời, đầy đủ nhất là vùng ven biển, hạ lưu các con sông, hồ chứa, vùng thấp trũng để chủ động các biện pháp phòng tránh mưa ngập; bố trí trực ban để kịp thời ứng phó...

*Vietnam Airlines và Jetstar Pacific cũng vừa cho biết sẽ điều chỉnh kế hoạch khai thác các chuyến bay đến - đi từ Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn, Đà Lạt, Pleiku, Buôn Ma Thuột trong ngày 30/10, do ảnh hưởng của cơn bão số 5 tại khu vực Nam Trung Bộ.

Cụ thể, trên đường bay giữa Hà Nội, TPHCM và Nha Trang, Vietnam Airlines sẽ hủy các chuyến VN1564, VN1565, VN1358, VN1359. Ngoài ra, hãng sẽ lùi giờ khởi hành các chuyến VN440, VN441 giữa Nha Trang và Seoul sang ngày 31/10.

Trên đường bay giữa TPHCM và Phú Yên, Vietnam Airlines sẽ hủy các chuyến VN1650, VN1651.

Trên đường bay giữa Hà Nội, TPHCM và Quy Nhơn, hãng hủy các chuyến VN1396, VN1397, VN1624, VN1625.

Các chuyến bay giữa TPHCM, Đà Nẵng và Đà Lạt cũng bị hủy bao gồm VN1384, VN1385, VN1954, VN1955.

Đồng thời, Vietnam Airlines sẽ khởi hành sớm từ 45 phút đến 2 tiếng 25 phút đối với các chuyến giữa Đà Nẵng và Buôn Ma Thuột gồm: VN1914, VN1915; chuyến VN1613 từ Hà Nội đi Pleiku; chuyến VN1427 từ Pleiku đi TPHCM; chuyến VN1603 từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột và chuyến VN1415 từ Buôn Ma Thuột đi TPHCM.

Tương tự, hãng hàng không Jetstar Pacific cũng hủy các chuyến bay giữa TPHCM và Phú Yên trong ngày 30/10 bao gồm BL434, BL435. Bên cạnh các chuyến bay trên, các chuyến bay nội địa khác của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific cũng có thể bị ảnh hưởng dây chuyền do cơn bão. Các hãng hàng không cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết và cập nhật trong các bản tin tiếp theo.

Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng bởi bão sẽ được Vietnam Airlines và Jetstar Pacific hỗ trợ theo quy định.