Chờ...

Bão Trà Mi đổ bộ miền Trung, gây mưa lớn và sóng biển cao

VOH - Chiều nay 27/10, bão số 6, tên quốc tế là bão Trà Mi, đã tiến vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng, gây ra tình trạng gió mạnh và mưa lớn diện rộng.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 13 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10. Di chuyển theo hướng Tây Nam, tốc độ khoảng 10km/h.  

vao dat lien
Đường đi của Bão Trà Mi

Dự báo trong 3 giờ tới, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Nam với tốc độ từ 10-15 km/h.

Do tác động của bão, nhiều nơi ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi ghi nhận gió mạnh cấp 6-7, gần tâm bão gió đạt cấp 8, giật cấp 10. Sóng biển cao từ 3 đến 5 mét, biển động dữ dội.

Tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) và Cù Lao Chàm (Quảng Nam), sức gió đo được lần lượt là cấp 8, giật cấp 9-10. Khu vực Lý Sơn (Quảng Ngãi) gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 cũng được ghi nhận tại Nam Đông (Thừa Thiên Huế) và Cẩm Lệ (Đà Nẵng), gây ra hiện tượng dông lốc và sóng biển lớn.

Trước và sau khi bão đổ bộ, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đã có mưa lớn diện rộng. Tổng lượng mưa đo được tại nhiều nơi lên đến 100-250 mm, cục bộ có nơi mưa trên 400 mm. Dự báo từ chiều 27/10 đến hết đêm 28/10, các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Nam tiếp tục có mưa lớn, lượng mưa phổ biến từ 200-400 mm, cục bộ có nơi vượt 600 mm, cảnh báo nguy cơ ngập lụt diện rộng tại vùng trũng thấp và sạt lở tại các vùng ven biển.

Khu vực Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Bắc Tây Nguyên cũng dự báo có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm, một số nơi vượt 250 mm. Đặc biệt, mưa cục bộ với cường độ cao, có thể vượt 100 mm trong vòng 3 giờ, cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét tại các khu vực sông suối nhỏ và sạt lở đất ở vùng đồi núi.

Theo Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Đồng Nai, bão số 6 không ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đồng Nai, song hoàn lưu bão và gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh gây mưa lớn tại các địa phương như Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành và Nhơn Trạch. Hiện nay, Đồng Nai vẫn đang trong mùa mưa, hoàn lưu bão chỉ góp phần gây mưa thêm nhưng không ảnh hưởng lớn đến thời tiết tại khu vực này.

Vùng ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam có nguy cơ xuất hiện nước dâng do bão cao từ 0,4-0,6 mét. Sóng lớn kết hợp với nước dâng bão có thể gây ngập úng các khu vực trũng thấp ven biển, đồng thời đe dọa đến an toàn của các đê, kè biển.

Các tàu thuyền hoạt động trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi được khuyến cáo không nên ra khơi do nguy cơ cao chịu tác động từ sóng lớn, gió mạnh và lốc xoáy.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lưu ý diễn biến của bão số 6 có thể tiếp tục thay đổi và phức tạp, do đó người dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng cần theo dõi chặt chẽ các bản tin tiếp theo, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống bão của cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn.

Chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp đối phó nhằm bảo vệ an toàn cho người dân, bao gồm việc sơ tán cư dân khỏi các khu vực dễ bị sạt lở và ngập lụt, đồng thời gia cố các điểm đê điều có nguy cơ sạt lở. Bộ đội Biên phòng và các lực lượng địa phương cũng tham gia hỗ trợ công tác ứng phó, đặc biệt là tại các khu vực ven biển chịu tác động nặng nề từ sóng lớn.

Người dân ở các khu vực nguy cơ cao được khuyến cáo nên tuân thủ nghiêm ngặt chỉ đạo của cơ quan chức năng, chủ động di chuyển khỏi các khu vực nguy hiểm và không đi vào vùng cấm trong thời gian bão đổ bộ.