Từ 6h sáng, mưa dông đã bắt đầu xuất hiện tại nhiều quận, huyện của TP.HCM như Bình Chánh, quận 7, TP Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Bình Thạnh, quận 1, quận 12, Hóc Môn và Củ Chi. Những cơn mưa không chỉ xuất hiện sớm mà còn nặng hạt hơn theo thời gian.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện tượng mưa lớn này là do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đang hoạt động mạnh ở khu vực Trung Bộ, cùng với đó là gió mùa tây nam đang gia tăng cường độ. Các yếu tố này kết hợp khiến nhiều vùng thấp trên dải hội tụ phát triển và gây ra mưa dông kéo dài.
Dự báo từ Đài Khí tượng cho biết, mưa sẽ còn tiếp tục trong ngày mai 16/9 và có thể kéo dài nhiều ngày tới. Người dân cần đề phòng nguy cơ ngập úng cục bộ ở những khu vực trũng thấp, ven sông và các khu đô thị. Đây là thời điểm Nam Bộ bước vào cao điểm mùa mưa bão, với lượng mưa dự báo sẽ cao hơn mức trung bình từ 5-30% so với các năm trước, đặc biệt từ tháng 9 đến tháng 11.
Ngoài ra, trên dải hội tụ nhiệt đới hiện tại cũng đang có sự xuất hiện của một vùng thấp mạnh, hút ẩm và có dấu hiệu phát triển. Các chuyên gia khí tượng đang theo dõi sát sao tình hình để cảnh báo khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới hoặc bão trên Biển Đông trong những ngày tới.
Do tác động của gió tây nam mạnh, tình hình thời tiết trên biển Nam Bộ cũng không mấy khả quan. Sáng nay, tại khu vực trạm Huyền Trân, gió đo được ở cấp 6, sóng biển cao từ 2,25 - 2,75m. Tại Phú Quốc, gió cấp 5, sóng cao khoảng 0,75 - 1,25m. Đặc biệt, vùng biển từ Vũng Tàu đến Cà Mau đang có gió cấp 6, giật cấp 7-9, còn từ Cà Mau đến Kiên Giang, gió ở mức cấp 5, giật cấp 6-7.
Ngư dân và các tàu thuyền hoạt động trên biển cần đặc biệt chú ý đến các hiện tượng gió xoáy, vòi rồng, và sẵn sàng ứng phó với những tình huống thời tiết bất lợi, đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển và đánh bắt trên biển.
Trước tình hình mưa lớn kéo dài, TPHCM và các tỉnh Nam Bộ cần có biện pháp ứng phó với nguy cơ ngập lụt.