Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 195/TB-VPCP ngày 20/7/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về kết quả kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Tháp.
Sáng ngày 17/7/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Đồng Tháp.
Đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại khu điều trị bệnh nhân F0, cách ly tập trung các trường hợp F1 tại khu cách ly ký túc xá phường Hòa Thuận, thành phố Cao Lãnh và công tác phòng, chống dịch tại Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn.
Tại tỉnh Đồng Tháp, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đến thời điểm kiểm tra đã ghi nhận trên 1 nghìn trường hợp mắc COVID-19 tại 11/12 huyện, thành phố với nhiều ổ dịch, trong đó có 03 ổ dịch lớn tại bệnh viện và trong các cơ sở sản xuất kinh doanh; số ca mắc trong cộng đồng ngày càng nhiều, chưa tìm được nguồn lây, giao lưu đi lại với khu vực có dịch, lượng người nhập cảnh qua đường mòn, lối mở rất khó kiểm soát; hơn nữa tình hình dịch bệnh tại nước bạn Campuchia vẫn rất phức tạp.
Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, phức tạp, tỉnh Đồng Tháp đã quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh từ 0h00 ngày 14 tháng 7 năm 2021.
Dự báo thời gian tới: Tương tự như các tỉnh đang có dịch hiện nay, sẽ có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, trong đó có các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch nếu thực hiện không nghiêm, không quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
Song song với việc kiểm soát dịch bệnh, Tỉnh vẫn tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện, đồng thời duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh tại những nơi có đủ điều kiện, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”.
Đoàn Công tác của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tỉnh trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội.
Tuyệt đối không để tình trạng tập trung đông người, lây nhiễm chéo, khan hiếm hàng hóa
Phó Thủ tướng kết luận một số vấn đề trọng tâm mà tỉnh cần lưu ý. Theo đó, mục tiêu là thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg với quyết tâm cao, giảm cả 03 tiêu chí: giảm số ca nặng, ca tử vong, ca mắc mới; đồng thời phải bảo vệ sản xuất, thực hiện mục tiêu kép; bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm không để tình hình dịch bệnh xấu hơn; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, không được để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu cầu thiết yếu.
Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường tham gia phòng chống dịch tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, trong mọi hoạt động (xét nghiệm, tiêm chủng, cách ly, điều trị, lưu thông, vận chuyển hàng hóa); tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, lây nhiễm chéo hoặc khan hiếm hàng hóa.
Tăng cường ứng dụng công nghệ trong mọi khâu, mọi công đoạn, mọi lực lượng tham gia phòng, chống dịch từ quản lý dân cư, quản lý ở cơ sở, chia sẻ thông tin, phối hợp giữa các lực lượng để truy vết nhanh, xét nghiệm hiệu quả, cách ly hợp lý, chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị, bảo đảm lưu thông hàng hóa.
An sinh xã hội góp phần bảo đảm an ninh trật tự, vì vậy phải triển khai thực hiện ngay gói an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đặc biệt quan tâm đối tượng yếu thế, người nghèo khó, gia đình chính sách, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái ngay tại cộng đồng dân cư.
Về duy trì sản xuất, Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức nghiêm 3 tại chỗ; không bảo đảm điều kiện an toàn phòng dịch thì kiên quyết đóng cửa, không để lây lan dịch bệnh trong khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; có kế hoạch, phương án cụ thể để phát hiện nhanh, xử lý nhanh các trường hợp nghi ngờ, cách ly tại chỗ F1 theo hướng dẫn của ngành y tế.
Đồng Tháp cần phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị ở cơ sở, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc của hệ thống chính trị; mỗi cơ sở là 1 pháo đài phòng chống dịch; hệ thống chính trị cơ sở phải thực sự vững chắc, tập hợp được các lực lượng, phát huy mô hình tổ COVID cộng đồng; vai trò của các lực lượng dân quân, dân phòng, dân phố, … Các cấp ủy đảng, chính quyền phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, áp dụng các biện pháp đúng đắn hiệu quả để vượt qua dịch bện
Đồng thời, bảo vệ, xây dựng biên giới đoàn kết, hữu nghị, không để mất an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Tăng cường bảo vệ an ninh biên giới không để vượt biên trái phép, lây lan dịch bệnh.
Về chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, vắc xin, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh rà soát cụ thể, có kế hoạch mua sắm thiết bị, vật tư, sinh phẩm để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch; việc mua sắm bảo đảm minh bạch, không để lợi ích nhóm; trường hợp cần thiết báo cáo Bộ Y tế để hỗ trợ nhân lực, nguồn lực chống dịch. Huy động các nguồn lực xã hội tham gia chống dịch. Ưu tiên vắc xin cho các tỉnh, thành phía Nam, ưu tiên vắc xin cho các lực lượng tuyến đầu và tham gia phòng chống dịch.
Tăng cường năng lực cho tuyến huyện trong công tác điều trị
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, qua thực tiễn, khẩn trương đánh giá chiến lược phòng, chống dịch trong tình hình hiện nay để tham mưu cho Chính phủ và các địa phương chủ động, có chính sách, chủ trương ứng phó linh hoạt không chủ quan, mất cảnh giác, nhưng phải hiệu quả, khoa học và phù hợp với thực tiễn, cụ thể:
a) Về công tác xét nghiệm, cách ly, truy vết, điều trị: Bảo đảm xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm, không xét nghiệm tràn lan; truy vết, cách ly phù hợp với tình hình thực tiễn và nguy cơ của dịch bệnh.
b) Tăng cường năng lực cho tuyến huyện trong công tác điều trị: Hướng dẫn cụ thể, tập huấn nâng cao năng lực cho tuyến huyện để điều trị ở tuyến huyện theo đúng tinh thần 04 tại chỗ, do thực tế các ca nhiễm hiện nay đa số có biểu hiện nhẹ, thậm chí là không triệu chứng; nên việc tập trung điều trị, gây quá tải, lây nhiễm chéo ở tuyến trên là không cần thiết. Cần nghiên cứu phân cấp từ tỉnh xuống huyện/thành phố, cơ sở phường/xã và gia đình có đủ điều kiện.
c) Về việc theo dõi, cách ly F1, F0 tại nhà: Bộ Y tế cần hướng dẫn sớm và cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện; thiết lập cơ chế theo dõi, giám sát tại nhà (như đường dây nóng, điện thoại liên hệ, cơ chế giám sát, …..); có phân luồng, phân tuyến điều trị cho các tuyến.
d) Đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam và nghiên cứu thuốc điều trị.
Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về kết quả kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Thành phố Cần Thơ
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 196/TB-VPCP ngày 20/7/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về kết quả kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Thành phố Cần Thơ.
Chiều ngày 17 tháng 7 năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Cần Thơ.
Đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Trường Quân sự Ô Môn, nơi cách ly tập trung cho người nhập cảnh bằng đường hàng không và Công ty Thép Tây Đô, thuộc khu công nghiệp Trà Nóc.
Sau khi đi kiểm tra, nghe báo cáo của Thành phố, ý kiến của các đồng chí Thành viên Đoàn Công tác, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kết luận như sau:
Tại thành phố Cần Thơ, tình hình dịch bệnh đến thời điểm kiểm tra tuy vẫn đang được kiểm soát, nhưng đã bắt đầu diễn biến phức tạp, mầm bệnh đã âm thầm trong cộng đồng, trong 5 ngày phát hiện được 121 ca bệnh ở khu công nghiệp, cơ sở tôn giáo, chợ, nơi tập trung đông người; Thành phố đã tích cực, khẩn trương tập trung truy vết, xét nghiệm khoanh vùng, dập dịch.
Song song với việc kiểm soát dịch bệnh, Thành phố vẫn tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện, đồng thời duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh tại những nơi có đủ điều kiện, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần khẩn trương, quyết liệt “chống dịch như chống giặc.
Đoàn Công tác của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội.
Bằng mọi cách, mọi biện pháp kiềm chế, chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh
Thông báo nêu rõ một số vấn đề trọng tâm cần lưu ý. Theo đó, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế, ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ tại một số tỉnh, thành phố trong đó có thành phố Cần Thơ (văn bản số 969/TTg-KGVX ngày 17 tháng 7 năm 2021).
Mục tiêu là: Phải bằng mọi cách, mọi biện pháp tận dụng tối đa thời gian này nhằm kiềm chế, kiểm soát, chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh; bảo đảm an ninh trật tự, không để tình hình xấu hơn; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, không được để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu cầu thiết yếu.
Nhiệm vụ và giải pháp: Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg phải thật nghiêm trên phạm vi toàn thành phố. Thành phố Cần Thơ là đầu mối giao thông, là trung tâm (văn hóa, chính trị, kinh tế) của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nên nhiệm vụ này rất nặng nề.
Thành phố Cần Thơ tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg trên địa bàn thật cụ thể, rõ ràng; Thường vụ Thành ủy phải phân công nhiệm vụ, cụ thể đến từng đồng chí Ủy viên Ban thường vụ, phụ trách từng khâu, kịp thời chỉ đạo, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh.
Cần phát huy tinh thần 4 tại chỗ, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc của hệ thống chính trị; hệ thống chính trị cơ sở phải thực sự vững chắc, tập hợp được các lực lượng, phát huy mô hình tổ COVID cộng đồng; vai trò của các lực lượng dân quân, dân phòng, dân phố, …
Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh để có cơ chế thuận tiện bảo đảm hàng hóa được lưu thông thông suốt, không ách tắc; nhất là những mặt hàng phục vụ các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân và các hàng hóa là nông sản đến vụ thu hoạch.
Triển khai thực hiện ngay gói an sinh xã hội hỗ trợ người lao động khó khăn do đại dịch
Phó Thủ tướng yêu cầu Thành phố Cần Thơ triển khai thực hiện ngay gói an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đặc biệt quan tâm đến những người nghèo, người yếu thế, những người sẽ bị ảnh hưởng, tác động nặng nề của dịch bệnh và giãn cách.
Tiếp tục tổ chức 03 tại chỗ thật tốt để duy trì sản xuất với những nơi an toàn, đủ điều kiện; có kế hoạch, phương án cụ thể cách ly tại chỗ F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Vấn đề mua sắm vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch: Thường vụ Thành ủy cần kiện toàn sớm nhân sự của ngành y tế Thành phố; phải có người đứng đầu, đủ bản lĩnh, đủ năng lực; dám chịu trách nhiệm trong lúc chống dịch.
Về công tác điều trị: Quan tâm điều trị các ca nặng; hiện nay Thành phố chưa ghi nhận ca tử vong; nhưng tuyệt đối không được lơ là chủ quan trong công tác điều trị bệnh nhân F0.
Bộ Y tế cần khẩn trương rút kinh nghiệm thực tiễn chống dịch hơn 18 tháng qua, để đề xuất chiến lược trong điều trị F0, cách ly F1, F2 bảo đảm người bệnh, người thực hiện cách ly phải được thuận lợi nhất.
Phân bổ kịp thời các loại test, hóa chất khử khuẩn, vaccine cho Thành phố Cần Thơ
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế rà soát, phân bổ kịp thời các loại test, hóa chất khử khuẩn, vaccine; chỉ đạo các đơn vị của Bộ đóng trên địa bàn Thành phố có kế hoạch cụ thể, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ Thành phố trong công tác xét nghiệm và điều trị.
Đối với các kiến nghị còn lại của thành phố như tăng cường các lực lượng y tế, trang thiết bị, bệnh viện dã chiến khi có yêu cầu; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch; tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh; hướng dẫn đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, … phục vụ công tác phòng chống dịch, Phó Thủ tướng giao các Bộ: Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông; Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Lao động – Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng nhiệm vụ được giao hướng dẫn, hỗ trợ Thành phố theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.