Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 282/TB-VPCP ngày 26/10/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với các bộ, ngành, các nhà khoa học về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thông báo nêu rõ: Ngay từ khi mới có thông tin về dịch viêm đường hô hấp cấp tại Vũ Hán (Trung Quốc), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các viện nghiên cứu huy động đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về virus, về dịch bệnh và phương cách phòng, chống dịch.
Đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học đã vào cuộc từ rất sớm, bằng tâm huyết và trí tuệ; đóng góp thầm lặng nhưng rất thiết thực, hết sức hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch COVID-19. Rất nhiều vấn đề có tính chiến lược, cùng các giải pháp cụ thể đúng đắn, phù hợp với xu hướng thế giới và điều kiện của Việt Nam đã và hiện vẫn đang được thực hiện xuất phát từ kiến nghị của các chuyên gia, các nhà khoa học.
Đặc biệt, đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam đã nhanh chóng phân lập, nuôi cấy thành công SARS-CoV-2, làm cơ sở để nghiên cứu, phát triển, sản xuất các loại sinh phẩm xét nghiệm từ những giai đoạn đầu. Các nhà khoa học, doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19; bào chế, thử nghiệm các loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Nhiều nghiên cứu, giải pháp công nghệ góp phần quan trọng, thiết thực vào kết quả công tác phòng, chống dịch.
Trong những đợt dịch đầu tiên, Tổ thông tin đáp ứng nhanh do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đã góp phần hỗ trợ rất hiệu quả trong truy vết, khoanh vùng ổ dịch, chỉ điểm xét nghiệm dịch tễ… góp phần không thể thiếu trong kiểm soát thành công các đợt lây nhiễm. Nhiều công cụ công nghệ đã được xây dựng và sử dụng hiệu quả, như khai báo y tế điện tử, đánh giá nguy cơ dịch bệnh. Mạng lưới thầy thuốc đồng hành đã huy động hàng nghìn bác sĩ, thực hiện hơn 800.000 cuộc gọi để tư vấn, thăm khám trực tuyến cho hàng trăm nghìn bệnh nhân COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, hỗ trợ xử lý cấp cứu gần 2.000 trường hợp bệnh nhân có triệu chứng, nguy cơ nặng. Hệ thống tổng đài tự động robot trí tuệ nhân tạo (Callbot) gọi điện hỗ trợ khai báo y tế gần 2,5 triệu người dân vùng dịch, vùng có nguy cơ cao.
Các chuyên gia, các nhà khoa học cũng có hàng nghìn nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị nhằm không ngừng hoàn thiện phương hướng, giải pháp phòng, chống dịch thực hiện mục tiêu kép, đồng thời cũng phân tích, chỉ rõ không ít bất cập trong xây dựng chủ trương, chính sách cũng như trong tổ chức thực hiện ở nhiều cấp, nhiều ngành.
Trước tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục có diễn biên phức tạp, trong nước mặc dù dịch bệnh được kiểm soát, nhưng vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có khả năng tiếp tục bùng phát trên diện rộng nếu không có các giải pháp khoa học, phù hợp... thực hiện chủ trương chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện của dịch COVID-19…; đưa ra dự báo xu thế tương lai và khuyến nghị định hướng chiến lược, giải pháp “chung sống an toàn” trong các mặt đời sống kinh tế và xã hội.
Bên cạnh các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ đang triển khai về vaccine, thuốc điều trị, xét nghiệm, thiết bị y tế… Bộ Khoa học và Công nghệ chủ động giao các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đáp ứng kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới, trong đó lưu ý yêu cầu kiểm soát COVID-19 ngay từ mạng lưới y tế cơ sở với sự kết hợp quân, dân y, y tế công lập và tư nhân và chương trình phòng chống bệnh lao; chủ trì phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tập hợp ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, kiến nghị xây dựng, hoàn thiện các chiến lược, chính sách, giải pháp lớn nhằm thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành, sử dụng các loại vaccine, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế… là kết quả của các nghiên cứu khoa học trong nước; khẩn trương xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở để sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm ở cấp độ sự cố y tế công cộng đặc biệt nghiêm trọng.
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng Chính phủ khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân nhà khoa học có đóng góp nổi bật, xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua.