TP HCM thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp
Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là nhiệm vụ lớn thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo Giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu nguời sau mỗi 5 năm ở TP HCM giai đoạn 2021-2025 sáng 17/9, ông Phong cho biết, thống kê dân số gần nhất là 9 triệu người nhưng thực tế có khoảng 13 triệu người đang làm việc và học tập tại đây. Do đó, xây dựng cơ chế phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ cho người thu nhập thấp và người nhập cư là yêu cầu lớn với lãnh đạo thành phố.
Ông dẫn số liệu cho thấy, diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng mạnh trong khoảng một thập kỷ qua. Cụ thể, năm 2010 đạt 14,3 m2 và đến cuối tháng 6/2019 đã xấp xỉ 20 m2.
Tuy nhiên, ông nói, hầu hết người lao động, đặc biệt là người dân nhập cư vẫn sống trong điều kiện chật chội, cũ kĩ và chưa đảm bảo vệ sinh.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho rằng, tại TP HCM, số lượng hộ gia đình chưa sở hữu nhà hoặc sống ở nơi thiếu kiên cố, có diện tích dưới mức tối thiểu còn cao. Bên cạnh đó, nhiều dự án phát triển nhà ở vẫn vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên chậm tiến độ.
Ông Sinh đề nghị TP HCM sớm ra soát, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, huy động nguồn vốn trung và dài hạn, kết hợp nhiều bên... để phát triển phân khúc nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
Dự báo nhu cầu nhà ở của TP HCM trong giai đoạn 2016-2020 là 40 triệu m2 sàn, trong 5 năm tiếp theo là 45 triệu m2. Tính đến hết nửa đầu năm nay, thành phố đã phát triển được hơn 35 triệu m2 và có thể vượt chỉ tiêu khoảng 12% khi kết thúc giai đoạn này.
Trong định hướng chung, thành phố sẽ tăng tỷ lệ chung cư trong các dự án xây dựng nhà ở mới hơn 90%. Đồng thời, tăng tỷ trọng nhà cho thuê và chuyển đổi mô hình nhà ở từ thấp tầng sang cao tầng nhằm tối ưu quỹ đất để phát triển giao thông, công viên, bãi đậu xe.
Mặt bằng bán lẻ mới đổ về vùng ven
Cushman & Wakefield vừa công bố kết quả khảo sát về sự dịch chuyển nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới ra khu vực ngoài trung tâm tại TP HCM giai đoạn 2014-2019. Khi quỹ đất trung tâm không còn nhiều, xu hướng phát triển các đại trung tâm mua sắm phức hợp ở ngoại thành đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Sự bùng nổ nguồn cung mặt bằng bán lẻ trong chu kỳ này diễn ra theo xu hướng quy mô của các dự án khu thương mại, mua sắm mới ở vùng ven, nằm bên ngoài CBD (Central Business Distric) lớn hơn 2-3 lần so với khu trung tâm hiện hữu.
Năm 2014, tổng diện tích mặt bằng bán lẻ toàn TP HCM chỉ vào khoảng hơn 800.000 m2 sàn, chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm đô thị. Thế nhưng một năm sau đó, nguồn cung đã nhanh chóng đạt một triệu m2 sàn.
Giai đoạn 2016-2018, toàn thành phố bắt đầu chạm mốc 1-1,2 triệu m2 sàn và năm 2019 vọt lên 1,6 triệu m2 mặt bằng bán lẻ. Trong năm 2020, dự kiến thành phố tiến gần đến ngưỡng 2 triệu m2 sàn bất động sản thương mại này.
Phía Đông Sài Gòn, một khu dân cư mới nổi với cơ sở hạ tầng được cải thiện nhanh chóng và khu vực phía Bắc - khu vực đông dân nhất trong thành phố - đã ghi nhận mức tăng trưởng nguồn cung mặt bằng bán lẻ nhanh nhất trong 5 năm qua.
Mới đây, tại hội thảo "Làn sóng bán lẻ mới" diễn ra ngày 12/9, Vincom Retail công bố đang xây dựng một đại trung tâm thương mại tại khu Đông TP HCM dự kiến đón khách vào năm 2020. Đặc điểm của đại trung tâm thương mại này là nằm ở vị trí trung tâm của khu đô thị mới tại quận 9 có quy mô siêu lớn, được tích hợp công nghệ thông minh, cung cấp trải nghiệm mua sắm hiện đại với không gian mở cho người dùng.
Tuy nhiên, sự bùng nổ nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới ở ngoại ô Sài Gòn được Cushman & Wakefield đánh giá chủ yếu nhắm đến những cộng đồng dân cư và đô thị mới hình thành. Trong khi đó, khu vực CBD của TP HCM vẫn là lựa chọn hàng đầu cho cả người mua hàng và nhà bán lẻ, đặc biệt là các thương hiệu quốc tế và nhóm hàng hóa cao cấp, sang trọng. Hiệu suất của các cửa hàng ở ngoại ô, vùng ven thường không tốt bằng các điểm mua sắm trong khu lõi trung tâm Sài Gòn.
TPHCM: Nửa triệu hộ không có nhà, đề xuất doanh nghiệp xây phòng cho thuê
Tham luận tại Hội thảo quốc tế về nhà ở tại Tp.HCM mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho biết, hiện, Tp.HCM có 8,9 triệu người, so với năm 2009 dân số đã tăng 1,8 triệu người. Theo số liệu của ngành Công an, dân số thành phố có khoảng 13 triệu người, bao gồm cả người cư trú ngắn hạn.
Bên cạnh đó, thành phố còn có khoảng 100.000 người nước ngoài làm việc và thường trú, đông nhất là người Hàn Quốc với khoảng 90.000 người.
Dân số tăng nhanh gây áp lực lên nhu cầu nhà ở tại Tp.HCM.
Để giải quyết nhu cầu nhà ở cấp bách, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM kiến nghị, đối với các quận nội thành, không nên tiếp tục cho phép "khoét lõm" xây dựng chung cư mini. Xây dựng lại chung cư cũ và chỉnh trang, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch cần kết hợp với chỉnh trang khu vực lân cận. Chỉnh trang, tái phát triển các khu vực đô thị cũ cần phát triển dự án theo khu phố, khối phố, ô phố. Thực hiện phương thức tái định cư tại chỗ là ưu tiên số 1, hoặc tái định cư trong địa bàn của quận, tránh việc tái định cư người dân ra khỏi địa bàn sinh sống, làm ăn quen thuộc.
Đối với các quận ven và huyện thành, nên hạn chế việc phát triển các dự án nhỏ, trừ một số khu vực đặc thù. Quản lý chặt chẽ hoạt động tách thửa và xử lý nghiêm hoạt động phân lô bán nền trái phép dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch đô thị, đầu cơ tạo các cơn sốt ảo giá đất, khó thu hút các nhà đầu tư lớn.
Đồng thời đề nghị cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.
Bất ngờ với bước chuyển mình của nhà, đất Củ Chi
Từ đầu năm đến nay, giao dịch bất động sản (BĐS) tại TP.HCM có dấu hiệu chững lại . Tuy nhiên, giá đất tại huyện Củ Chi lại có dấu hiệu tăng nhẹ trong vài tháng trở lại đây. Theo các nhà đầu tư, giá đất tại thị trấn Củ Chi còn thấp so với mặt bằng giá chung của các quận, huyện khác. Đây được xem là vùng trũng giá đất trong cả thành phố nên triển vọng biên độ tăng giá sẽ rất tốt trong tương lai.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng giám đốc L&L Group, cho biết các dự án mà đơn vị này phân phối tại Củ Chi so với đầu năm đều tăng giá 1-2 triệu đồng/m2. Hiện giá đất nền tại huyện Củ Chi ở vào khoảng 18-25 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Đặc biệt, các dự án đất nền có pháp lý rõ ràng, biên độ tăng giá còn cao hơn.
Theo ông Minh, các dự án hạ tầng giao thông đã và sẽ được đầu tư xây dựng kết nối trung tâm với khu vực Củ Chi, Hóc Môn. Sự xuất hiện của các dự án có quy mô lớn cộng với quỹ đất dồi dào, cao ráo… đã giúp cho khu vực này có cơ hội phát triển.
Theo quy hoạch của TP.HCM thì huyện Củ Chi là đô thị vệ tinh trọng điểm của vùng đô thị TP với tứ giác gồm Long An, Tây Ninh, Bình Dương. Đây là những khu vực có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi, tập trung đông dân cư và các dịch vụ tiện ích đã tương đối đầy đủ.
Trong đó, Củ Chi được nhận định sẽ là khu vực tiềm năng bậc nhất để phát triển BĐS bởi nằm giữa TP.HCM, Long An, Tây Ninh và Bình Dương. Đồng thời đây là nơi sẽ xây dựng khu đô thị Tây Bắc nhằm mục đích giãn dân, phát triển kinh tế kết nối với khu vực Tây Nam bộ.
Doanh nghiệp 4 tháng tuổi chi 4.833 tỷ đồng “thâu tóm” 37.525 m2 đất Gia Lâm
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4342/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty TNHH đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Gia Lâm, huyện Gia Lâm cho Công ty TNHH Bất động sản Minh Tân Hà Nội.
Theo đó, quy mô của phần dự án chuyển nhượng, gồm: Lô đất B3-CT03 diện tích đất 18.826 m2 và lô đất B3-CT06 diện tích đất 18.699 m2, quy mô xây dựng các khối nhà cao tầng thuộc dự án Khu đô thị Gia Lâm.
Cụ thể: Lô đất B3-CT03: có diện tích đất 18.826 m2, xây dựng 3 khối nhà L26, L26M và T30M có quy mô cao 26 và 30 tầng (không kể tum thang), bên dưới là 1 tầng hầm chung mở rộng hết lô đất.
Lô đất B3-CT06: có diện tích đất 18.699 m2, xây dựng 3 khối nhà L27, L27M và U38 có quy mô cao 27 và 38 tầng (không kể tum thang), bên dưới là 1 tầng hầm chung mở rộng hết lô đất.
Tổng mức đầu tư của phần dự án chuyển nhượng khoảng 4.833 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án: Quý IV/2024 hoàn thành.
Bất động sản Cửa Lò dậy sóng nhờ siêu dự án
Từ đầu tháng 9, giá đất Cửa Lò (Nghệ An) đã tăng nhanh chóng sau tin sắp có nhiều siêu dự án tỷ đô sẽ được triển khai. Nhiều tuyến đường huyết mạch qua Cửa Lò thậm chí ghi nhận mức đỉnh mới...
Ghi nhận tại đường Bình Minh - tuyến đường huyết mạch rộng 72 m, nối TP. Vinh và thị xã Cửa Lò là một khung cảnh nhộn nhịp khác thường khi giới đầu tư nhà đất Vinh, Hà Nội, Thanh Hóa, thậm chí cả TP. HCM liên tục đổ về đây.
Được biết, hồi đầu tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ký biên bản chấp thuận đầu tư cho 11 siêu dự án, có tổng quy mô hơn 10.000 ha và tổng mức đầu tư 4 tỷ USD trên cung đường này. Đây đều là các dự án trọng điểm của các tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam như Vingroup, FLC, Ecopark, Bảo Khánh Hamico, Lotte Group…
Theo đó, lượng nhà đầu tư đổ về Cửa Lò đã đẩy giá đất tại đây tăng đột biến từng ngày. Nếu như ở thời điểm sau Tết, nhà đất đường Nguyễn Sinh Cung có giá 8 - 10 triệu/m2, nay đã tăng lên 14 - 16 triệu/m2, đất mặt tiền đường Nguyễn Huệ có giá 6 - 9 triệu/m2 nay đã tăng lên 13 - 17 triệu m2; mặt tiền đường Bình Minh, trước Tết có giá 30 - 40 triệu/m2, đến nay cũng tăng đột biến lên 50 - 70 triệu/m2.
Hà Nội: Duyệt Quy hoạch chi tiết Khu nhà ở tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4983/QĐ-UBND về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết Khu nhà ở tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, tỷ lệ 1/500 tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 99.135 m2, với quy mô dân số dự kiến khoảng 866 người...
Được biết, dự án nằm ở phía Đông đường Quốc lộ 3 hướng đi tỉnh Thái Nguyên, thuộc địa giới hành chính xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn có phía Bắc giáp với chỉ giới tuyến đường quy hoạch (mặt cắt ngang 13 m); phía Nam trùng với chỉ giới tuyến đường quy hoạch (mặt cắt ngang 13 m), giáp khu dân cư hiện có và chợ Nỉ; phía Đông trùng với chỉ giới tuyến đường quy hoạch (mặt cắt ngang 24 m) và giáp ga Trung Giã; phía Tây giáp với quốc lộ 3 (phố Nỉ).
Đơn vị được giao tổ chức lập quy hoạch là Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng.
Khu đô thị ven biển Nha Trang chỉ được xây tối đa 40 tầng?
UBND TP. Nha Trang (Khánh Hòa) vừa tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về Qui chế quản lí qui hoạch kiến trúc Khu đô thị ven biển TP. Nha Trang do Sở Xây dựng Khánh Hòa lập.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu là các ô phố với tổng diện tích 2.781ha, gồm các khu vực thuộc khu đô thị ven biển được giới hạn như sau: Phía bắc giáp núi Cô Tiên (phường Vĩnh Hòa); phía nam giáp sông Tắc và vịnh Nha Trang; phía tây giáp các xã: Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái và sông Quán Trường; phía đông giáp vịnh Nha Trang.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Khánh Hoà, điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 đã xác định khu đô thị ven biển có quy mô khoảng 2.740 ha, chiều cao xây dựng tối đa 40 tầng, mật độ xây dựng khoảng 40%, ưu tiên cho các hoạt động dịch vụ - du lịch.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Bình Thuận năm 2019: Những tiêu chí chọn nhà đầu tư
Ngày 22/9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019 tại TP. Phan Thiết trong đó tập trung gọi vốn đầu tư vào ba lĩnh vực chính là du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp công nghệ cao...
Ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, Hội nghị sẽ mời gọi trực tiếp các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao đầu tư vào các dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị trong tỉnh. Đồng thời, hội nghị cũng tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, đáp ứng các tiêu chí hình thành khu du lịch quốc gia.
Trong đó, tận dụng nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực bất động sản du lịch đang có xu hướng chuyển dịch từ đô thị lớn sang các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, quỹ đất hạn chế và chi phí đầu tư gia tăng tại các khu công nghiệp của TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai cũng là một động lực đẩy dòng vốn đến các địa phương còn nhiều tiềm năng.
Theo ông Tân, có 3 lĩnh vực chính mà tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư bao gồm du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư. Kế đến là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo. Cuối cùng là ngành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế.
Phê duyệt quy hoạch chi tiết sân bay Côn Đảo
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Côn Đảo ...
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Côn Đảo và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030.
Các khu chức năng trên 500 ha phải lập quy hoạch chung xây dựng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng.
Theo đó, thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và đô thị mới phải được lập quy hoạch chung, đảm bảo phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.