Bản tin bất động sản hôm nay 28/11: Bộ Xây dựng công bố số liệu, Condotel dấu hiệu thoái trào

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 28/11 có những nội dung nổi bật sau: Quận 2 đề xuất tiếp tục thu hồi đất cho DA Khu đô thị mới Thủ Thiêm; 1.016 căn condotel được chuyển đổi sang chung cư...

Bộ Xây dựng công bố số liệu, Condotel dấu hiệu thoái trào

Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng công bố thông tin định kỳ theo quý về thị trường BĐS theo quý, trong quý III chỉ thẩm định 198 căn Condotel chuẩn bị chào bán và dự báo hầu như không có Condotel, biệt thự biển mới nào trong các quý tiếp theo.

Theo Bộ Xây dựng tổng hợp từ 22 Sở Xây dựng có báo cáo, trong quý III/2019 có 167 dự án phát triển nhà ở với 134.668 căn hộ được cấp phép và đang triển khai xây dựng. Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng, có 10 dự án với gần 3.200 căn hộ du lịch và 720 biệt thự du lịch được cấp phép và đang triển khai xây dựng. Số lượng nhà ở hoàn thành trong quý là hơn 22.000 căn.

Theo Bộ Xây dựng trong quý III/2019 có gần 30.000 căn hộ đủ điều kiện "bán nhà trên giấy".

Cũng theo BXD, trong Quý III/2019 có 68 dự án với gần 30.000 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng phê duyệt. Trong đó, tại Hà Nội có 22 dự án mới đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với 6.569 căn hộ chung cư và 640 căn nhà ở thấp tầng; Tại TP. Hồ Chí Minh có 08 dự án mới đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với 11.797 căn hộ chung cư, 502 căn nhà thấp tầng và 50 căn biệt thự.

Trong Quý III/2019, có 48.260 giao dịch bất động sản thành công (theo tổng hợp từ 15/22 Sở Xây dựng có báo cáo số liệu).

Giá bất động sản tại TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng cho biết, trong Quý III/2019 có biến động, tuy nhiên mức độ biến động không lớn.

Tại TP.Hồ Chí Minh giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,77% so với Quý II/2019 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,5% so với Quý II/2019, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,99% so với Quý II/2019, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,54% so với Quý II/2019). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 2,74% so với Quý II/2019.

Theo BXD, trong quý III, có 19 dự án với 15.090 căn nhà được Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định. Đáng chú ý, cơ quan này chỉ thẩm định 198 căn Condotel và không có căn biệt thự du lịch và officetel nào.

Bộ Xây dựng cho biết, trong quý III chỉ thẩm định 198 căn Condotel chuẩn bị chào bán và dự báo hầu như không có Condotel, biệt thự biển mới nào trong các quý tiếp theo.

Cùng đó, Cục Giám định nhà nước và chất lượng công trình xây dựng đã chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng 37 dự án với tổng số 15.784 căn nhà ở, 1.945 căn hộ du lịch, 107 căn văn phòng kết hợp lưu trú.

BXD dự báo trong các quý tiếp theo sẽ gần như không có căn Condotel hay biệt thự biển mới nào được tung ra thị trường. Những loại hình bất động sản mới như condotel, officetel... từng có thời gian phát bùng nổ giai đoạn 2016-2017.

Bình Dương dẫn đầu thị trường căn hộ vùng ven Sài Gòn

Dù các dự án liên tục được giới thiệu ra thị trường nhưng hiện tại thị trường căn hộ tại Bình Dương vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt... Theo đó, Bình Dương vẫn là địa phương vùng ven TP. HCM có sức phát triển mạnh nhất.

Theo báo cáo của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, đến hiện tại, Bình Dương ghi nhận nguồn cung hơn 24.000 căn hộ và đang trên đà tăng tốc về số lượng cũng như chất lượng nhà.

Số căn hộ tại Bình Dương hiện nay cao hơn gấp 5,3 lần so với nhà liền thổ dù quỹ đất cho nhà ở thấp tầng tại đây rất lớn. Giá căn hộ trên thị trường Bình Dương có nơi chạm mức 45 - 50 triệu/m2 nhưng vẫn hút khách và vẫn có xu hướng tăng. Với nguồn cung hiện có, hiện Bình Dương chỉ xếp sau TP. HCM.

Đáng chú ý, các dự án căn hộ được công bố ra thị trường trong 9 tháng đầu năm 2019 đều thiết lập mức giao dịch ấn tượng, hầu hết các dự án đều tiêu thụ từ 80 -100% lượng căn hộ bán ra thị trường.

Dù các dự án liên tục được giới thiệu ra thị trường nhưng hiện tại thị trường căn hộ tại Bình Dương vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Dự báo những tháng còn lại của năm 2019, Bình Dương cũng sẽ đón nhận thêm nguồn cung gần 5.000 căn hộ tại Bến Cát đến từ 6 dự án của các chủ đầu tư lớn từ TP. HCM và Bình Dương: Thịnh Gia Tower (gần 1.000 căn hộ), Unico Thăng Long (gần 700 căn hộ), TTG Royal Residence (784 căn hộ), Phú Gia Luxury Residence (hơn 900 căn hộ); Golden Silk Complex (1.300 căn hộ).

Theo lý giải của JLL, nguyên nhân Bình Dương hiện đang dẫn đầu về thị trường căn hộ là do thủ tục pháp lý tại Bình Dương nhanh chóng hơn TP. HCM khi các dự án mới tại TP. HCM bị đình trệ do bị rà soát pháp lý kéo dài.

1.016 căn condotel của Cocobay Đà Nẵng được chuyển đổi sang chung cư

Có 1.016 căn hộ condotel của Cocobay Đà Nẵng đã được chuyển đổi sang căn hộ chung cư theo quyết định đã ký của lãnh đạo TP. Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết TL 1/500 từ ngày 1/1/2019.

Quyết định cho phép chuyển đổi 50% công trình căn hộ khách sạn đang xây dựng tại cụm HH2, HH3, HH5 thành căn hộ chung cư. Theo đó, tòa HH2 với quy mô 30 tầng, 536 căn hộ khách sạn được chuyển đổi 287 căn thành chung cư. Tòa HH3 với quy mô 31 tầng, 686 căn hộ khách sạn được chuyển đổi 378 căn thành chung cư. Tòa HH5 với quy mô 31 tầng với 637 căn hộ khách sạn được chuyển đổi 351 căn thành chung cư.

Như vậy, tính cả 3 tòa, có 1.016 căn hộ condotel của Cocobay Đà Nẵng đã được chuyển đổi sang căn hộ chung cư. 843 căn ở các cụm này vẫn là condotel.

Ngoài ra, quyết định cũng điều chỉnh các khu đất khác là HH1, HH4, HH6 và HH7 từ nhà cao tầng thành nhà thấp tầng.

TP. HCM ra “tối hậu thư” cho chủ đầu tư cụm 8 chung cư Cư xá Thanh Đa

Chủ đầu tư cụm 8 chung cư lô số ở Cư xá Thanh Đa được TP. HCM chấp thuận tiếp tục thực hiện đầu tư dự án, hoàn tất thủ tục lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 và thủ tục chấp thuận đầu tư dự án trước ngày 31/12/2020.

Sau thời hạn này, nếu CTCP Phát triển nhà Thanh Đa không hoàn tất thủ tục chấp thuận đầu tư dự án thì UBND TP. HCM sẽ thu hồi chủ trương đầu tư.

Hà Nội có thể tăng 30% giá đất từ năm 2020: Đất Gia Lâm “nóng” lên từng ngày

Nếu Dự thảo nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội được thông qua, giá đất ở Thủ đô sẽ tăng bình quân 30% kể từng ngày 01/01/2020. Nhưng từ trước đó khá lâu, thị trường bất động sản phía Đông Hà Nội đã liên tục “dậy sóng”.

Mới đây, khi xin ý kiến đóng góp vào Dự thảo nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội về giá các loại đất trên địa bàn, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024, UBND thành phố đã đề xuất tăng bình quân 30% giá các loại đất.

Theo khảo sát của một sàn bất động sản, trong 3 năm trở lại đây, giá đất tại huyện Gia Lâm liên tục tăng, mỗi năm tăng từ 10 - 30% tùy từng xã, thị trấn. Trong đó, giá đất khu đô thị 31 ha Trâu Quỳ tăng từ 17 - 35 triệu/m2 (tăng hơn 100%), đất Đa Tốn tăng từ 9 - 17 triệu/m2 (gần 100%), đất Cổ Bi tăng từ 12 - 20 triệu (70%). Bên cạnh thông tin Gia Lâm sắp lên quận, việc nơi đây có siêu dự án Vinhomes Ocean Park đang triển khai chính là nguyên nhân tạo nên nhiều đợt “sóng lớn” cho thị trường bất động sản.

Ngân hàng "méo mặt" dù nhận sổ đỏ làm tài sản thế chấp

Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được phản ánh của một số tổ chức tín dụng về các cơ quan có thẩm quyền thông báo hủy/thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho cá nhân, hộ gia đình.

Trong đó, bao gồm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tài sản bảo đảm đã được thế chấp cho khoản vay vì có vi phạm quy định tại Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, do cơ quan có thẩm quyền cấp không đúng quy định và một số lý do khác.

Việc hủy/thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang được sử dụng trong quan hệ thế chấp tại các tổ chức tín dụng đã ảnh hưởng đến quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn.

Đất nền Đà Nẵng: Giảm 700 triệu/lô vẫn ế khách

Sau cơn sốt ở phân khúc đất nền Quảng Nam - Đà Nẵng, bước sang năm 2019, thị trường Đà Nẵng bắt đầu thoái trào khi giá đất giảm sút giao dịch èo uột, nhà đầu tư người "tháo chạy", người vỡ nợ vì đầu cơ...

Năm 2018, Đà Nẵng và một số huyện giáp ranh thuộc tỉnh Quảng Nam, bước vào “cơn sốt” đất chưa từng có, nhất là phân khúc đất nền. Thời điểm cuối năm 2018 đầu 2019, giá đất nền, đất thổ cư tại khu vực này tăng chóng mặt, có nơi tăng gấp 3 - 4 lần so với trước. Nhiều nhà đầu tư cá nhân đổ về đây, ào ào chi hàng chục tỷ đồng tìm mua những mảnh đất được cho là gần những dự án lớn sắp khởi công, sau đó kết hợp với đội ngũ “cò mồi” địa phương, họ săn các mảnh đất giá hời rồi làm mọi cách đẩy giá lên, sang tay nhanh kiếm lời.

Sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi là thời điểm phong trào “lướt sóng” tăng mạnh với nhiều nhà đầu tư nhỏ đổ về, mua lại của những nhà đầu tư trước với niềm tin giá đất tiếp tục tăng, cơ hội vẫn còn.

Tuy nhiên, những người đầu tư ban đầu, sau khi bán hết số đất đã gom với khoản chênh lệch lớn, đã nhanh chóng rút quân, để lại hậu quả cho những người đến sau. Cùng với sự quyết liệt của chính quyền TP. Đà Nẵng, Quảng Nam nhằm chấn chỉnh thị trường bất động sản, cơn sốt đất nhanh chóng hạ nhiệt.

Không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ, mua vào không kịp xả hàng, giờ đối mặt với thua lỗ, mất vốn, nợ nần.

Hiện đất nền tại những khu vực phía Nam TP. Đà Nẵng tiếp giáp với Quảng Nam đã giảm giá từ 300 - 700 triệu đồng/lô, tùy vị trí nhưng không ai mua.

Ngay cả đất nền thuộc các khu đô thị của Đà Nẵng như khu đô thị Phước Lý (quận Cẩm Lệ) cũng giảm từ 200 - 300 triệu đồng/lô, giá đất dao động từ 21 - 35 triệu đồng/m2. Hay đất dự án Golden Hills (quận Liên Chiểu) cũng đồng loạt giảm giá sâu. Có lô đất diện tích 120 m2 đã có sổ đỏ, giá rao bán chỉ còn 2,2 tỷ đồng, giảm gần 1 tỷ đồng so với thời điểm sau Tết Nguyên đán 2019.

Không những thế, thông tin thị trường bất động sản bị siết tín dụng từ 2020 càng khiến nhiều người lo lắng. Bởi, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quy định tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn. Mức giảm sẽ còn 40%-37%-34%-30% theo lộ trình từ 1/1/2020 đến 1/10/2022.

Một nhà đầu tư tại khu vực nhận định, từ nay đến cuối năm 2019, thị trường đất nền Đà Nẵng sẽ không có biến động vì chưa có một cú hích nào cho thị trường cũng như động thái nào có yếu tố khách quan để tác động đến thị trường.

TP.HCM kiểm điểm 8 đơn vị liên quan dự án Sài Gòn Safari

Chiều 28-11, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu và Võ Văn Hoan chủ trì buổi tiếp công dân khiếu nại tại dự án Safari (Củ Chi). Dự buổi tiếp công dân có đại diện Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp công dân trung ương, các sở ngành và hàng trăm hộ dân thuộc dự án.

Thực hiện kết luận thanh tra và chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, UBND TP.HCM đã thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra, rà soát và đề xuất cụ thể các nội dung liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế địa phương và công bằng cho các hộ dân có đất bị thu hồi.

Đồng thời kiểm tra, giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn lại nằm trong quy hoạch của dự án theo đúng quy định.

Đại diện Thanh tra TP thông báo kết quả tổ công tác thực hiện 5 nội dung theo yêu cầu của kết luận Thanh tra Chính phủ.

Theo đó, đã tổ chức kiểm điểm nghiêm túc 8/8 đơn vị gồm các sở Tài chính, Kế hoạch - đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng, UBND huyện Củ Chi và Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư TP và Sở Tài nguyên - môi trường.

Hiện Sở Nội vụ đã tổng hợp và dự thảo báo cáo kết quả kiểm điểm của 8 đơn vị trên. Sở Quy hoạch kiến trúc đang tổng hợp góp ý của các sở ngành liên quan về quy hoạch 1/2000 của dự án để trình TP. Sở Kế hoạch - đầu tư đang tham mưu đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư cho dự án.

UBND huyện Củ Chi thi công hạng mục hạ tầng của 5 khu đất thuộc dự án khu tái định cư với tổng diện tích 9,5ha, gồm 161 nền. Dự kiến tháng 12-2019, huyện tổ chức cho các hộ dân bốc thăm nhận 161 nền đất tái định cư.

Tổ công tác liên ngành cũng đã có tờ trình cho thường trực UBND TP sử dụng nguồn ngân sách TP cho trả tiền tạm cư cho 220 hộ dân với số tiền hơn 75 tỉ đồng.

Hiện nay, diện tích huyện đã cắm mốc là 405ha giao cho chủ đầu tư, còn lại hơn 81ha huyện đang thống kê, xác định vị trí, một phần do người dân chưa giao. Dự kiến tháng 12-2019 hoàn thành việc quản lý diện tích này...

Ba dự án bất động sản “khủng” tại Nha Trang bị yêu cầu dừng giao dịch mua bán

Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Công ty CP Đầu tư xây dựng Đông Dương, Nha Trang, chủ đầu tư Dự án Khu căn hộ và dịch vụ Phước Long (Imperium Tower), tại 16 Phước Long, Nha Trang, yêu cầu chủ đầu tư không mua bán, giao dịch, kinh doanh bất động sản, nhận tiền đặt cọc giữ chỗ hoặc nhận tiền của khách hàng dưới mọi hình thức đối với bất động sản của dự án này.

Dự án Imperium Tower quy mô 41 hopvillas thấp tầng và tòa căn hộ chung cư cao cấp cao 39 tầng với 561 căn hộ (3 tầng hầm, 3 tầng khối đế thương mại, 36 tầng căn hộ), diện tích 43,9 – 138,9m2/căn.

Cùng thời điểm, Sở Xây dựng Khánh Hòa cũng có văn bản với nội dung tương tự, gửi Công ty CP Sông Đà Nha Trang, Công ty CP Sông Đà- Thăng Long, là chủ đầu tư dự án Khu dân cư cồn Tân Lập, phường Xương Huân, Nha Trang.

Trước đó, ngày 4/11, yêu cầu dừng ngay việc mua bán căn hộ tại dự án Chung cư Napoleon Castle 1, 25-26 Nguyễn Đình Chiểu, Vĩnh Phước, Nha Trang cũng đã được Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa gửi chủ đầu tư là Công ty TNHH Cat Tiger Khareal.

Người mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng sẽ bị thu hồi

Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 05/11/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ đối tượng được xét duyệt thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội phải thuộc diện có khó khăn về nhà ở và đáp ứng các điều kiện về cư trú, thu nhập theo quy định của Luật Nhà ở.

Theo quyết định này, việc trả lại, thu hồi nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau: bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện theo quy định.

Nếu hết thời hạn thuê theo hợp đồng mà bên thuê không còn nhu cầu thuê tiếp hoặc khi hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thuê, thuê mua nhà ở; bên thuê, bên thuê mua trả lại nhà ở đang thuê, thuê mua; bên thuê, thuê mua nhà ở không nộp tiền thuê nhà ở từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng.

Trường hợp nhà ở cho thuê, cho thuê mua thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cũng sẽ phải trả lại. Đặc biệt, nếu bên thuê, bên thuê mua sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà ở hoặc tự ý chuyển đổi, bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở hoặc tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê, thuê mua; khi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước bị chiếm dụng trái pháp luật.

Nhiều tập đoàn “khủng” quy tụ tại Novaland Expo tháng 12/2019  - Cũng trong khuôn khổ Novaland Expo tháng 12, nhằm mang đến những thông tin rõ nét hơn về những giải pháp thi công xây dựng tiên tiến hiện nay.
“Bộ sưu tập” Bất động sản tại Novaland Expo 2019 - Cơ hội lớn cho nhà đầu tư - Triển lãm Bất động sản Novaland Expo tháng 12 (từ ngày 4-8/12/2019) không chỉ mang đến bức tranh tổng thể thị trường trong nhiều lĩnh vực mà còn là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
Bình luận