Bản tin bất động sản hôm nay 30/12: Lượng giải thể, ngừng hoạt động tăng mạnh năm 2019

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 30/12 có những nội dung: Nhà giàu Hà Nội “đua” nhau bán nhà nội đô, ra ngoại thành làm “biệt thự vườn”; Giá đất Đồng Nai tăng trung bình 35% 5 năm tới...

Một năm 'buồn' của doanh nghiệp địa ốc: Lượng giải thể, ngừng hoạt động tăng mạnh

Kết thúc năm 2019, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao nhất so với các năm trước với hơn 138.000 doanh nghiệp, tăng 5,2%. Khu vực ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu tập trung ở các ngành như bán buôn bán lẻ, sửa chữa ôtô xe máy, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng… Tuyệt nhiên, không có sự xuất hiện của nhóm bất động sản.

Trong khi đó, bất động sản dẫn đầu trong top những ngành kinh doanh chính có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.

Báo cáo của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm qua, ngành kinh doanh bất động sản ghi nhận số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động tăng đến 36,8% với 598 doanh nghiệp. Đứng ngay sau đó là lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Tương tự, bất động sản tiếp tục dẫn đầu nhóm ngành có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất với 686 doanh nghiệp, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Giới chuyên gia bất động sản cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt động và giải thể gia tăng đã được dự đoán từ trước bởi khó khăn từ thị trường, nguồn vốn mà khu vực này đang vấp phải. Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã mạnh tay, tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung và dài hạn xuống 40%, thời gian tới sẽ xuống còn 37%, 34% và 30% với từng mốc thời gian cụ thể.

Động thái này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế một phần nguồn vốn tín dụng.

Trong khi đó, vốn dĩ doanh nghiệp bất động sản đã chịu rủi ro rất lớn gồm rủi ro về thị trường và tài chính, hệ số vay nợ rất lớn so với vốn chủ sở hữu nên khi gặp thị trường biến động không theo kế hoạch thì khả năng sẽ dẫn đến mất cân đối tài chính và phá sản...

Nhà giàu Hà Nội “đua” nhau bán nhà nội đô, ra ngoại thành làm “biệt thự vườn”

Theo các chuyên gia bất động sản, khu vực trung tâm Hà Nội đang phát triển đến điểm ngưỡng, ở trong trạng thái quá tải hạ tầng, gây ra sự ùn tắc, ngột ngạt.

Giá đất nội đô cũng tăng cao, ngoài tầm với của một phần lớn cư dân đô thị. Do đó, việc dịch chuyển ra các khu vực ngoại thành là xu hướng tất yếu. Thực tế, ở nước ngoài, việc làm nhà vườn ở ngoại ô đã quen thuộc, nhưng ở Việt Nam xu hướng này mới chỉ “nở rộ” và phát triển trong khoảng 5 - 7 năm trở lại đây.

Thậm chí nếu không cần vị trí quá đắc địa, ngay gần mặt đường lớn thì số tiền này vừa có thể đủ tiền mua đất, vừa có thể làm nhà, thiết kế vườn tược khang trang, trong khi nếu ở trong Thủ đô chỉ có thể lựa chọn các căn nhà với diện tích hạn chế, trong những con ngõ nhỏ chật chội”, anh Bình – chủ một mô giới nhà đất khu vực Quốc Oai (Hà Nội) nói.

Giá nhà đất TPHCM có thể giảm cục bộ

Tại buổi họp mặt tổng kết thị trường địa ốc năm 2019 và dự báo năm 2020 do Hội cà phê bất động sản (SREC) tổ chức, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, Trần Khánh Quang dự báo 6-12 tháng tới là giai đoạn rất khó khăn. Các nhà đầu tư đang nắm trong tay nhiều danh mục bất động sản nhưng lỡ dùng đòn bẩy tài chính quá đà (vay vốn ngân hàng) có thể đứng trước quyết định bán rẻ hơn giá thị trường khoảng 5-10%.

Hành vi bán rẻ sẽ diễn ra cục bộ chứ không ồ ạt nhằm giải tỏa bớt áp lực chôn vốn và trả nợ vay. Ông Quang giải thích, đối với giới đầu tư bất động sản, việc thu gom hàng để săn tìm cơ hội khá phổ biến. Càng có nhiều danh mục tài sản, nhà đầu tư càng phải tiếp cận vốn vay để phục vụ cho việc mua để dành, chờ tăng giá mới bán. Do đó, việc thanh khoản chậm lại, xả hàng khó khăn hơn sẽ khiến các khoản vay chịu áp lực trả lãi và nợ gốc lớn dần, buộc phải bán bớt để cân đối dòng vốn.

Trên thực tế, việc giảm giá 5 - 10% chỉ là giảm giá kỹ thuật (cấn trừ thuế, phí) chứ chưa đến vùng nguy hiểm thua lỗ nặng nề. "Tuy nhiên, diễn biến hạ giá kỹ thuật cũng tác động không tốt đến diễn biến chung toàn thị trường trong 6-12 tháng tới", ông Quang nhận xét.

Bảng giá đất Đồng Nai tăng trung bình tới 35% trong 5 năm tới

Tại Kỳ họp thứ 14 vừa diễn ra sáng ngày 30/12, HĐND tỉnh Đồng Nai đã xem xét và thông qua Nghị quyết về bảng giá đất tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020 - 2024.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2015 - 2019, tại Đồng Nai, giá đất thị trường biến động rất lớn so với giá đất quy định, tăng từ 3 - 10 lần trong đó, riêng giá đất nông nghiệp đã tăng so với khung giá đất của tỉnh khoảng 10 lần. Do đó, bình quân giá đất trong giai đoạn 2020 - 2024 của tỉnh sẽ tăng từ 30 - 35%. Tuy nhiên, tại một số khu vực giá đất sẽ tăng từ 4 - 6 lần.

Do giá đất trên thị trường ở Đồng Nai đã biến động khá lớn nên bảng giá đất 2015 - 2019 không còn phù hợp nền cần phải điều chỉnh lại.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Tài nguyên - môi trường đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương thực hiện "điều tra, xây dựng bảng giá đất tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020 - 2024" để ban hành, áp dụng từ ngày 1/1/2020. Bảng giá mới bao gồm các quy định về nguyên tắc phân vùng, phân loại, phân vị trí đất và các phụ lục quy định về giá các loại đất phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, bảng giá đất tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020 - 2024 có biến động tăng rất lớn so với bảng giá hiện hành, nhưng vẫn cách xa so với giá đất thị trường. Tuy nhiên, giá đất tại các khu vực, vị trí, đoạn đường, tuyến đường đã được rà soát, đối chiếu trên mặt bằng chung để đảm bảo sự phù hợp trong toàn tỉnh, cũng như phù hợp với khung giá đất do Chính phủ quy định.

Về giá đất nông nghiệp, mức tăng cao nhất là các xã thuộc địa bàn các huyện: Trảng Bom (tăng 2,2 - 3 lần), Thống Nhất (2,5 - 3 lần), Xuân Lộc (3 - 4 lần), Cẩm Mỹ (2,8 - 3,2 lần). Đất nông nghiệp TP.Biên Hòa có nhiều tỷ lệ tăng khác nhau; các phường cũ có tỷ lệ tăng thấp nhất (từ 6 đến 29%), các phường mới thành lập có mức tăng cao nhất là 4,3 lần.

Nhóm đất phi nông nghiệp cũng được điều chỉnh tăng giá ở hầu hết các khu vực, vị trí, tuyến đường trong đó, đất ở tại đô thị được bổ sung thêm 14 tuyến đường mới, đưa tổng số tuyến đường đô thị quy định trong bảng giá đất là 510 tuyến đường và chia thành 715 đoạn.

Ở nội dung này, giá đất tại các tuyến đường đều tăng, mức tăng phổ biến từ 1,5 đến 3 lần so với giá hiện hành. Mức giá cao nhất là 40 triệu đồng/m2 của đường 30-4 (TP.Biên Hòa) và thấp nhất 160 ngàn đồng/m2 thuộc thị trấn Định Quán (huyện Định Quán).

Với đất ở tại khu vực nông thôn, bảng giá mới cũng rà soát và bổ sung 75 tuyến đường mới, tập trung ở các huyện: Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, nâng tổng số tuyến đường tại khu vực nông thôn được quy định trong bảng giá đất là 543 tuyến, chia thành hơn 1.000 đoạn. Giá đất tại các tuyến đường đều tăng, ít nhất là 1,2 lần. Mức tăng cao nhất là tuyến Hương lộ 2 - xã Long Hưng (TP. Biên Hòa), tăng 18 lần so với giá hiện hành.

Đất thương mại, dịch vụ được tính tương ứng với 70% giá đất ở cùng khu vực, vị trí, tuyến đường...

Hòa Bình công bố 3 dự án sử dụng đất hơn 1.000 tỷ

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình vừa công bố danh mục 3 dự án sử dụng đất trên địa bản tỉnh. Theo đó, 3 dự án gồm: Dự án Khu đô thị sinh thái cao cấp Yên Quang tại xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn; Dự án Khu dân cư phường Phương Lâm, TP. Hòa Bình; Dự án Khu dân cư thị trấn Bo tại xã Kim Bình, huyện Kim Bôi.

Tổng chi phí thực hiện chưa bao gồm giải phóng mặt bằng của 3 dự án lần lượt là 397 tỷ đồng, 346 tỷ đồng và 299 tỷ đồng. Diện tích đất sử dụng lần lượt là 89,9 ha, 13,15 ha và 11,82 ha, đều chưa giải phóng mặt bằng. Thời gian thực hiện Dự án Khu đô thị sinh thái cao cấp Yên Quang là từ 2019 - 2025, 2 dự án còn lại từ 2019 - 2023.

Huyện Bình Chánh sắp cưỡng chế dự án Tràm Chim Resort xây sai phép

UBND huyện Bình Chánh có thông báo gửi đến chủ tổ hợp Gia Trang quán - Tràm Chim Resort (xã Tân Quý Tây) về việc thực hiện cưỡng chế, khắc phục hậu quả đối với các công trình xây sai phép.

Đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết trước thời hạn trên, chủ tổ hợp sai phạm trên cần dọn dẹp, di chuyển các tài sản có giá trị ra khỏi nơi cưỡng chế. Nếu bà Trần Thị Minh Trang không thực hiện, đoàn cưỡng chế sẽ di dời tài sản đến khu vực khác và ghi hình, chụp hình giám sát.

Tuy nhiên, chí phí bảo quản tài sản do bà Trang chịu trách nhiệm chi trả, UBND huyện sẽ không chịu trách nhiệm nếu xảy ra mất mát. Ngoài ra, chủ công trình vi phạm sẽ phải chịu mọi chi phí cho công tác cưỡng chế.

Khánh thành cầu nối Hải Phòng và Thái Bình

Ngày 28/12, cầu sông Hóa dài 254 m, rộng 12 m được khánh thành, rút ngắn quãng đường từ Hải Phòng sang Thái Bình khoảng 30 km so với trước đây.

Cầu sông Hóa nằm trên quốc lộ 37, kết nối hai huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng của thành phố Hải Phòng với hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải của tỉnh Thái Bình.

Khởi công từ ngày 13/5, cầu sông Hóa được làm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, tổng mức đầu tư 185 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố Hải Phòng 182 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Thái Bình 3 tỷ đồng.

Việc đưa vào sử dụng cầu sông Hóa sẽ rút ngắn quãng đường từ TP. Hải Phòng đến khu vực ven biển tỉnh Thái Bình trên 30 km, giảm áp lực giao thông qua quốc lộ 10, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện điều kiện sống của nhân dân hai địa phương.

Hơn 2.200 tỷ đầu tư nhà ga hành khách hiện đại tại sân bay Phú Bài

Sáng ngày 29/12, ACV khởi công dự án đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2 - CHK quốc tế Phú Bài. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể dự và phát động khởi công.

Theo đó, ACV sẽ đầu tư 2.250 tỷ đồng xây dựng nhà ga hành khách công suất 5 triệu khách/năm, bảo đảm phục vụ 2.500 hành khách giờ cao điểm. ACV cũng cam kết đầu tư trang thiết bị hiện đại với nhiều tiện ích chất lượng cao phục vụ hành khách. Dự kiến công trình hoàn thành và đưa vào khai thác trong Quý 4/2021.

Novaland cùng Liên đoàn Quần vợt Việt Nam tổ chức các giải quần vợt quốc tế - Novaland ký kết hợp tác chiến lược với VTF nhằm đưa các Giải Quần vợt ATP về tổ chức tại NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận) hàng năm.
Novaland là nhà phát triển bất động sản tốt bậc nhất Đông Nam Á -Tại Lễ trao giải Bất động sản Dot Property Southeast Awards 2019 lần thứ 04, Tập đoàn Novaland đã được xướng tên tại hạng mục Developer of the Year 2019.
Bình luận