Thị trường ảm đạm, nhiều doanh nghiệp địa ốc cho nhân viên nghỉ Tết sớm
Năm 2019 được xem là năm rất khó khăn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản khi thị trường xảy ra nhiều biến động. Trong đó có những vướng mắc đến từ việc tắc nghẽn pháp lý, nhiều loại hình khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, các dự án vướng đất công, vi phạm trật tự xây dựng rồi “đứng hình” khiến thị trường toàn TP. HCM rơi vào tình trạng ảm đạm chưa từng có trong vòng 5 năm trở lại đây.
Theo ghi nhận, ngoài một số doanh nghiệp bất động sản lớn vẫn có lượng giao dịch tương đối thì các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập hoặc các sàn giao dịch đều rơi vào thế khó khăn khi lượng giao dịch bị giảm xuống hơn 60% so với các năm trước.
So với cùng kì năm 2017, 2018, giai đoạn cận Tết là thời gian nhà đầu tư đổ xô đi mua đất nền, căn hộ để dành chờ sang năm bán kiếm lời thì năm nay toàn thị trường đều khan hiếm nguồn hàng. Bên cạnh đó sau vụ việc nhiều lãnh đạo công ty địa ốc bị công an bắt giữ như Alibaba, Angel Lina, Hoàng Kim Land hay như mới đây là Công ty Hưng Thịnh Phát với hàng loạt dự án “ma” ở Bình Thuận đã khiến các nhà đầu tư e ngại khi xuống tiền tại các dự án.
Với một năm kinh doanh thất thu khi thị trường bất động sản bị “đứng hình”, sụt giảm nguồn cung lẫn lượng giao dịch, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã cho nhân viên nghỉ Tết sớm, thậm chí nhiều công ty đã huỷ bỏ luôn kế hoạch thưởng Tết.
Bộ Xây dựng gửi ‘cẩm nang’ xử lý bong bóng, sốt đất tới các địa phương
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết đã gửi tới các địa phương hướng dẫn, khung giải pháp để xử lý một số vấn đề của thị trường bất động sản như bong bóng, sốt đất cục bộ…
Tại hội nghị Chính phủ với địa phương năm 2019, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đã phát biểu ngắn tập trung vào việc quản lý trật tự xây dựng, hoàn thiện quy hoạch, xử lý các vấn đề của thị trường bất động sản…
Vấn đề thứ nhất, Bộ trưởng Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát, phân loại đánh giá các quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh sai quy định. Đồng thời phải báo cáo hướng khắc phục để gửi Thủ tướng ngay trong quý I/2020.
Vấn đề thứ hai, ông Hà lưu ý năm 2021 là hạn cuối để các địa phương hoàn thện đồng bộ và phủ kín 100% các quy hoạch chung, phân khu, chi tiết 1/500. Ông đánh giá đây là nhiệm vụ rất lớn, rất phức tạp, mang tính chất liên ngành.
“Nếu không làm được sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng phát triển, nhất là ở các đô thị. Hậu quả lớn là ách tắc toàn bộ các dự án đầu tư xây dựng. Nếu chưa có quy hoạch chi tiết thì không có cơ sở lập và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng”, ông Hà nói.
Vấn đề thứ ba, người đứng đầu ngành xây dựng lưu ý đến các vấn đề của thị trường bất động sản. Ông cho biết về cơ bản, thị trường năm qua duy trì sự ổn định, dù hiện tượng sốt giá cục bộ xảy ra ở mọt số địa phương.
Ông dự báo năm 2020, thị trường chưa có dấu hiệu trạng thái cực đoan lớn, nhưng tiềm ẩn nhiều phức tạp. Bộ trưởng Hà mong các địa phương theo dõi và chủ động ứng phó tình hình trầm lắng, bong bóng, sốt đất cục bộ.
Ông cho biết Bộ Xây dựng đã gửi đến các địa phương đề án cụ thể, trong đó có giải pháp khung để ứng phó, xử lý các tình huống này.
Về vấn đề quản lý xây dựng condotel, officetel, Bộ trưởng Hà khẳng định hiện đã đầy đủ quy định pháp luật để quản lý vận hành xây dựng condotel. Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn như dân số, quy hoạch, bố trí mặt bằng, tính toán căn hộ… Bộ cũng ban hành thông tin quản lý vận hành chung cư, trong đó có quản lý condotel, officetel.
Tuy nhiên, ông Hà thừa nhận một số chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc hợp đồng với người mua, đã gây khó khăn trong quản lý, lo ngại trong dư luận xã hội. Ông đề nghị các địa phương quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng các dự án condotel, officetel, sao cho phù hợp quy hoạch, cung - cầu trên thị trường, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, nhất là vấn đề liên quan đến hợp đồng mua bán.
Bất động sản cận Tết đang chứng kiến một mùa giao dịch khác thường!
Thị trường bất động sản 2019 đã trải qua một năm nhiều biến cố. Cú ngã ngựa của địa ốc Alibaba cùng với vụ vỡ trận cam kết Condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý khách hàng, phân khúc đất nền và căn hộ khách sạn theo đó cũng “khựng lại”. Tuy một năm có nhiều sóng gió nhưng lại mở ra những hướng đi mới cho nhà đầu tư khiến thị trường đi vào ổn định.
"Với thực trạng thị trường hiện nay, các nhà đầu tư lướt sóng phân hóa thành nhiều trường phái. Nhóm vốn ít vay nhiều đã mắc cạn giữa dòng đang phải loay hoay tháo gỡ khó khăn. Nhóm vốn ít nhát tay gần như không mua bán gì trong năm 2019. Những nhà đầu tư lướt sóng có tài chính mạnh (vốn tự có) bắt đầu đổi chiến thuật sang đầu tư dài hạn và chấp nhận lợi nhuận thấp hơn nhưng độ an toàn được ưu tiên hàng đầu. Đã đến lúc nhà đầu tư lướt sóng bắt đầu chuyển hướng sang đầu tư bất động sản bài bản chuyên nghiệp và bền vững hơn", lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho biết.
Quan sát thực tế trên thị trường có thể thấy, tuy không nhộn nhịp như vài năm trước nhưng thị trường bất động sản cuối năm vẫn sôi động với nhiều dự án ra mắt, mở bán mới. Thậm chí, tại nhiều dự án còn ghi nhận mức thanh khoản cao trong bối cảnh thị trường "đói" nguồn cung mới.
Ở phân khúc nghỉ dưỡng, thay vì đổ xô vào căn hộ khách sạn như cách đây vài năm thì hiện nay các dự án bất động sản ven biển đang hướng đến các sản phẩm secondhome, nhà ở thương mại ven biển. Các sản phẩm này đang được phát triển mạnh mẽ tại Bà Rịa - Vũng Tàu (dự án second homes Aria Vũng Tàu), Bình Thuận (Dự án bất động sản nghỉ dưỡng thương mại Thanh Long Bay), Quảng Ninh (Khu đô thị ven biển Phương Đông), thậm chí cả Đà Nẵng với hàng loạt dự án thay vì phát triển theo hướng nghỉ dưỡng như ban đầu thì nay đang chuyển đổi mục đích sang bất động sản nhà ở.
Ở phân khúc đất nền, sau thời gian sốt cục bộ, hiện thị trường đã bình ổn hơn. Hầu hết các dự án đang mở bán sôi nổi thời gian qua nằm tại những khu vực thực sự có tiềm năng phát triển mạnh về bất động sản công nghiệp như Quảng Ninh (KĐT Him Lam Green Park), Bình Dương với hàng loạt dự án khu đô thị lớn nhỏ tại nhiều điểm nóng như Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Bến Cát.
Ở phân khúc căn hộ chung cư, sôi động nhất phải kể đến thị trường căn hộ TPHCM. Do sự khan hiếm lâu ngày về nguồn cung đã khiến nhiều dự án mở bán mới tại đây ghi nhận mức thanh khoản cao. Có thể kể đến như lễ mở bán căn hộ Sunshine City (quận 7) ngày 30/12 vừa qua, gần như 100% giỏ hàng đưa ra trong lễ mở bán được đặt mua. Được biết, các căn hộ Sunshine City là sản phẩm đặc biệt trên thị trường khi 100% các căn hộ tại đây đều được thiết kế kính tràn phủ toàn bộ mặt tiền như những căn phòng của các khách sạn 5 sao, sở hữu “view sông” và “Phú Mỹ Hưng”.
Đánh giá về diễn biến thị trường bất động sản thời điểm sát Tết âm lịch, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng hiện nay thị trường đã tương đối ổn định. Các sản phẩm bất động sản trên thị trường chủ yếu hướng đến người mua để ở thực hoặc đầu tư dài hạn, thi trường không còn nhiều cơ hội cho giới đầu cơ thổi sóng, lướt giá.
Giá đất trung tâm Quận 1 (TPHCM) lên tới cả tỷ đồng mỗi m2 mà chủ đất vẫn không muốn bán ra
Thị trường khan hiếm nguồn cung, giá cả leo thang, nhiều khu vực ở trung tâm Tp.HCM (Quận 1) có nơi giá đất chạm ngưỡng hơn 1 tỉ đồng/m2.
Năm 2019 là năm có tổng nguồn cung BĐS mới khan hiếm nhất trong vòng 5 năm trở lại đây ở thị trường Tp.HCM. Những khó khăn về pháp lý khiến không khí ảm đạm bao trùm toàn thị trường. Đây được xem là một trong những nguyên do chính khiến giá nhà đất ở Tp.HCM leo thang nhanh chóng.
Tại Hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn Tp.HCM” diễn ra cách đây không lâu, một số chuyên gia cho biết giá đất ở Tp.HCM hiện đang dao động từ vài triệu tới 1 tỉ đồng/m2.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng cho biết hiện nay ở trung tâm Tp.HCM nhiều nơi đang giao dịch với mức giá trên 1 tỉ đồng/m2, chẳng hạn những khu vực có giá đất khủng như trên là các tuyến đường huyết mạch Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Lê Lợi thuộc quận 1.
Tuy nhiên, theo ông Châu đây chỉ là mức giá ước tính trung bình. Nhiều nơi hiện có mức giá giao dịch cao hơn nhiều chứ không chỉ nằm ở 1 tỉ đồng/m2.
Thu hồi gần 1.800 ha đất của Cao su Đồng Nai để tái định cư cho sân bay Long Thành
Việc thu hồi 1.800 ha đất nằm trong kế hoạch xây dựng khu tái định cư sân bay Long Thành. Giá bồi thường khoảng 475 triệu đồng/ha, tức Cao su Đồng Nai có thể thu về 855 tỷ đồng.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định thu hồi gần 1.800 ha đất của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (DNRC) tại huyện Long Thành để làm dự án tái định cư sân bay Long Thành. Phần này chiếm 36% tổng diện tích đất dự kiến thu hồi (5.000 ha).
Theo báo Đồng Nai, giá bồi thường đã được Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng ký quyết định, ở mức 475 triệu đồng/ha. Như vậy, ước tính số tiền bồi thường với Cao su Đồng Nai khoảng 855 tỷ đồng. Việc chi trả này sẽ được tỉnh thực hiện trong năm 2019.
Cao su Đồng Nai có diện tích đất đất bị thu hồi lớn nhất để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành trong danh sách 17 doanh nghiệp, tổ chức. Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) sở hữu 100% vốn DNRC, dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 5.131 tỷ đồng năm nay.
Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, đầu năm 2021, sân bay Long Thành phải được khởi công xây dựng. Dự án có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng, chậm nhất 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1.
Dự kiến sau khi áp giá bồi thường, cuối năm 2020, tỉnh Đồng Nai sẽ bàn giao đất cho chủ đầu tư xây dựng khu tái định cư. Tỉnh cũng đã triển khai xây dựng các tuyến đường kết nối giao thông vào khu vực dự án.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đấu giá 9 khu đất vàng trong năm 2020
Đầu năm 2019, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có kế hoạch bán đấu giá 29 khu đất công, tổng diện tích 213ha. Nhưng sau đó có điều chỉnh, dự kiến đấu giá 23 khu đất để lập phương án, kế hoạch đấu giá trong năm 2019 và năm 2020.
Tính đến ngày 30/12, tỉnh đã đấu giá thành công 7 khu đất, tổng giá trị gần 1.250 tỷ đồng. Còn 16 lô đất sẽ bán đấu giá trong năm 2020, trong đó có 9 lô đã có giá khởi điểm và tiến hành bán đấu giá ngay từ đầu tháng 1/2020.
Cụ thể, khu đất có diện tích 221.841,1m2 tại xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) được bán đấu giá với số tiền là 87,8 tỷ đồng; khu đất có diện tích 18.165,8m2 thuộc đất Ngân hàng Công thương (phường 10, TP. Vũng Tàu) với số tiền trúng đấu giá là hơn 394 tỷ đồng; khu đất đô thị Nam QL 51 và Khu đô thị Nam QL 51 mở rộng (phường Long Hương, TP. Bà Rịa) có diện tích 11.460,4m2 có giá trúng là 34,8 tỷ đồng; khu đất có diện tích 73.842m2 tại thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) có giá trúng là 115 tỷ đồng; khu đất thu hồi của Công ty TNHH Caltates (huyện Côn Đảo) có giá trúng là 80,1 tỷ đồng và khu đất An Hải - An Hội (huyện Côn Đảo) giá 537,330 tỷ đồng.
Mới đây nhất, ngày 25/12, Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát (TPHCM) đã trúng đấu giá lô đất vàng An Hải - An Hội (huyện Côn Đảo) với giá cuối cùng là 537,330 tỷ đồng. Khu đất An Hải - An Hội có diện tích 79.400m2 được bán công khai với giá khởi điểm là 537,1 tỷ đồng. Đây là lô đất cuối cùng trong năm 2019 được bán đấu giá thành công.
Bên cạnh đó, hiện UBND tỉnh đã phê duyệt và đang thông báo bán đấu giá 9 khu đất tiếp theo trong tháng 1/2020. Các khu đất này chủ yếu ở TP. Vũng Tàu và huyện Côn Đảo với tổng diện tích 18,5ha, số tiền thu về dự kiến gần 3.400 tỷ đồng.
Trong đó, huyện Côn Đảo sẽ tiếp tục có 5 khu đất được bán đấu giá (dự kiến từ ngày 3 đến 5/1/2020) gồm: Khu KS 2.6 (diện tích hơn 9.000m2, giá khởi điểm 196,1 tỷ đồng); khu KS 2.1 (diện tích hơn 7.700m2, giá khởi điểm 153,8 tỷ đồng); khu KS 2.7 Côn Sơn (diện tích hơn 6.300m2, giá khởi điểm 135,6 tỷ đồng); khu đất khách sạn trung tâm Côn Sơn HH2.3 (diện tích hơn 13.500m2, giá khởi điểm 271,3 tỷ đồng); khu HH2.2 (diện tích hơn 12.100m2, giá khởi điểm 240,4 tỷ đồng).
Đáng chú ý là trong 9 khu đất đang thông báo bán đấu giá từ nay đến tháng 1/2020 là khu “đất vàng” Bãi Trước sẽ được mở bán đấu giá vào ngày 10/1/2020. Đây là khu đất có vị trí đắc địa ngay trung tâm TP. Vũng Tàu với 4 mặt tiền gồm Quang Trung - Thống Nhất - Trần Hưng Đạo và Nguyễn Du. Trước đây, khu đất này là trụ sở của Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh, Công an TP. Vũng Tàu và Công ty TNHH du lịch - sản xuất- thương mại Hương Phong.