Đó là cách mà Vinamilk khẳng định những giá trị mang tính di sản của thương hiệu như chất lượng – uy tín – phát triển bền vững bằng một ngôn ngữ trẻ trung, mới mẻ hơn. Đây là cách mà ông Nguyễn Quang Trí – Giám đốc điều hành Marketing CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) – miêu tả ngắn gọn về mục tiêu đằng sau chiến dịch thay đổi nhận diện thương hiệu đáng chú ý của doanh nghiệp, trong buổi tiếp xúc với báo chí gần đây.
Chọn làm việc khó
Ngày nay, không hiếm để bắt gặp những sản phẩm “made in Vietnam” trên kệ siêu thị các nước, nhưng hầu như sản phẩm đều mang thương hiệu khác. Điều này được giải thích là do đa phần sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đi theo hướng gia công (OEM). Riêng Vinamilk chọn con đường khó nhưng bền vững hơn: xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình.
“Nếu muốn lấy sản lượng, doanh thu thì xuất khẩu thô hoặc gia công cho các thương hiệu khác là cách làm rất dễ. Doanh nghiệp chỉ cần sản xuất sản phẩm theo đúng thông số, quy chuẩn của khách hàng là xong. Đối tác sẽ tự lo xây dựng thương hiệu của họ trên thị trường quốc tế. Nhưng Vinamilk chọn lối đi riêng, xuất khẩu bằng thương hiệu của mình”, trích lời ông Trí.
Cũng theo ông Trí, việc xây dựng thương hiệu ở nước ngoài chắc chắn sẽ gian nan, vất vả hơn trong nước rất nhiều, bởi sự khác biệt về tiêu chuẩn, ngôn ngữ, thị trường. Nhưng khi thành công, những giá trị mang lại cho thương hiệu sẽ lớn hơn nhiều.
“Vinamilk tâm niệm phải làm cho sản phẩm, thương hiệu phát triển mạnh mẽ ở nội địa rồi mới xuất khẩu, vì khi ấy sản phẩm mới đủ sức thuyết phục người tiêu dùng các nước thử và chọn. Ngược lại, người tiêu dùng thấy Vinamilk có sản phẩm xuất hiện tại thị trường Nhật, Hàn Quốc, rồi Mỹ,… thì niềm tin ở nội địa cũng sẽ tăng lên.
Chẳng hạn sản phẩm sữa đặc Ông Thọ - một thương hiệu lâu đời của Vinamilk, những ngày đầu xuất khẩu, chúng tôi tập trung vào mục tiêu phục vụ kiều bào nhưng nay đã rất nổi tiếng, lan tỏa thói quen tiêu dùng sữa đặc đến cộng đồng bản địa tại các nước”, ông Trí chia sẻ.
Một vấn đề khác ở thị trường nước ngoài là sự cạnh tranh, khi sản phẩm Việt Nam được đặt cạnh các thương hiệu thế giới vốn có nhiều kinh nghiệm hơn trong khâu phát triển sản phẩm cũng như thiết kế. Tuy nhiên, ông Trí tự tin Vinamilk đủ sức cạnh tranh sòng phẳng trên sân chơi quốc tế.
Minh chứng cho đẳng cấp quốc tế của sản phẩm Vinamilk, ông cho biết, năm 2023, doanh nghiệp đã liên tục ghi tên mình trong các danh sách giải thưởng danh giá hàng đầu thế giới như Purity Award, Clean Label Project, Superior Taste Award, Monde Selection, The World Dairy Innovation Awards 2023… Đây đều là những giải thưởng/chứng nhận quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm – đồ uống, với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và cạnh tranh gay gắt từ hàng nghìn ứng cử viên khắp thế giới.
“Các giải thưởng đạt được trong năm 2023 là sự công nhận cho chất lượng vượt trội của sản phẩm Vinamilk. Nó cũng là một sự bảo chứng cho chất lượng, đẳng cấp quốc tế của Vinamilk với người tiêu dùng, Giám đốc điều hành Marketing Vinamilk nhấn mạnh.
Giữ vững vị thế dẫn đầu bằng chất lượng
Năm 2023, Vinamilk gây chú ý với chiến dịch tái định vị thương hiệu có mức độ lan tỏa rất tốt trên truyền thông cũng như các nền tảng xã hội. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Trí cho biết, việc thay đổi logo hay bao bì sản phẩm chỉ là hình thức bên ngoài. Đằng sau đó, Vinamilk mong muốn kế thừa di sản văn hóa của một thương hiệu 47 năm tuổi và thổi vào đó nguồn năng lượng tươi mới, trẻ trung hơn.
Cũng theo đại diện Vinamilk, chiến dịch thay đổi nhận diện thương hiệu này là lời giải của “ông lớn” ngành sữa cho bài toán duy trì vị thế đứng đầu thị phần trong nước ở bối cảnh thị trường đan xen giữa cơ hội và thách thức.
“Có những thách thức lớn hơn khi ‘thay áo’. Vinamilk đang dẫn đầu thị trường với thị phần gấp 4 lần so với đối thủ thứ hai. Khoảng cách này với nhiều người là an toàn, nhưng Vinamilk không nghĩ thế. Nếu dừng lại, một ngày không xa đối thủ sẽ vượt qua”, ông Trí đánh giá.
Trong đó, thách thức chung của thị trường hiện nay là nhu cầu người tiêu dùng ngày càng phân mảnh, không thống nhất. Chẳng hạn, có người thích ngọt nhưng có nhóm lại kiêng đường; người thích sữa tươi, nhóm khác lại chuộng dinh dưỡng từ thực vật… Điều này đòi hỏi, doanh nghiệp phải có cách tiếp cận khác biệt với từng nhóm theo xu hướng ngày càng cá nhân hóa, khác biệt hóa.
Một thách thức khác trong ngắn hạn là kinh tế toàn cầu vẫn chịu sức ép suy giảm chung, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Với nền tảng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế và lợi thế đến từ hệ thống phân phối hơn 230.000 điểm lẻ, chuỗi cửa hàng Vinamilk (Giấc mơ sữa Việt) cùng chuỗi cung ứng gồm 14 nhà máy, 14 trang trại trải dài đất nước, Vinamilk vẫn duy trì kết quả kinh doanh tích cực. Nhưng không phải là không có ảnh hưởng.
Tuy vậy, ông Trí cho rằng Vinamilk vẫn thấy cơ hội khai thác mở rộng thị trường khi nhìn xa hơn về sự phát triển của ngành sữa, đặc biệt là mức tiêu thụ sữa bình quân trên đầu người tại Việt Nam còn thấp so với khu vực và thế giới. Cụ thể, theo Research and Markets, hiện mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ 27 lít/người/năm còn Thái Lan là 35 lít/người/năm, Singapore đạt 45 lít/người/năm. Dự báo, mức tiêu thụ bình quân sữa đầu người tại Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng vào 2030, tạo dư địa tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong ngành.
Ngoài ra, khoảng cách tiêu thụ sữa giữa nông thôn và thành thị còn lớn; mỗi năm Việt Nam vẫn có khoảng 1,5 triệu trẻ em chào đời; và xu hướng người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe… cũng là những động lực quan trọng của ngành sữa trong những năm tới.
“Tuy dịch bệnh khiến cho thị trường suy giảm nhưng bù lại, sau Covid-19, mọi người có xu hướng ngày càng quan tâm và sử dụng những sản phẩm dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Thị trường có thêm nhóm người lớn có sức mua cao hơn, thu nhập ổn định hơn, quan tâm sức khỏe nhiều hơn.
Còn có cả nhóm người tiêu dùng GenZ - các bạn trẻ hiện quan tâm đến lối sống sạch, sống xanh, phát triển bền vững. Vinamilk sẽ tiên phong khai phá các phân khúc này. Đó là những cơ hội. Khi đã nhìn thấy cơ hội thì sẽ biết cách để tận dụng, khai thác và tăng trưởng”, ông Trí nhấn mạnh.