Hiện nay điện thoại là một phần thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta. Nó không chỉ là một thiết bị điện tử đắt tiền mà còn chứa nhiều thông tin, hình ảnh và tài liệu quan trọng không thể để mất. Tuy nhiên dù cẩn thận đến đâu thì chắc hẳn chúng ta đều có một lần đánh rơi điện thoại. Nếu đánh rơi xuống nước thì bạn có thể nhanh chóng làm theo các mẹo dưới đây để tăng khả năng cứu lấy điện thoại của mình.
1. Vì sao làm rơi điện thoại xuống nước lại nguy hiểm như vậy?
Điện thoại là thiết bị điện tử phức tạp có rất nhiều mạch và vi mạch bên trong. Vì vậy việc rơi xuống nước rất dễ làm hư các vi mạch và linh kiện điện tử. Khi bạn làm rơi xuống thì nước sẽ nhanh chóng tràn vào bên trong thông qua nhiều cổng và lỗ trên thiết bị. Mặc dù hiện nay có nhiều flagship cao cấp có khả năng chống nước hoặc kháng nước, nhưng một số điện thoại khác thì không. Nước có thể dễ dàng đi vào bên trong và gây ra hiện tượng đoản mạch và làm hỏng hệ thống trên thiết bị của bạn.
2. Những gì không nên làm khi điện thoại rơi xuống nước
Thời gian là điều quan trọng nhất trong trường hợp làm rơi điện thoại xuống nước. Cho nên, bạn hãy nhanh chóng lấy điện thoại ra khỏi nước càng sớm càng tốt. Bởi vì càng để lâu trong nước, khả năng bị hư hỏng vĩnh viễn càng lớn. Đây là danh sách những điều bạn phải tránh làm với điện thoại vào lúc đó:
- Nếu điện thoại đã tắt, đừng bật lên.
- Không nên cắm sạc.
- Tránh nhấn bất kỳ phím nào.
- Hạn chế lắc, chạm hoặc đập điện thoại.
- Cố gắng thổi khí vào để đẩy thoát nước có thể gây tác dụng ngược. Nó có thể đưa nước vào sâu hơn bên trong và gây ảnh hưởng các phần còn khô.
- Máy sấy cũng có thể đẩy nước đi vào các mạch bên trong và làm hỏng chúng vĩnh viễn.
3. Bạn nên làm gì khi điện thoại rơi xuống nước?
Điều đầu tiên bạn cần làm là lấy điện thoại ra khỏi nước càng sớm càng tốt và cố gắng không lắc hoặc di chuyển quá nhiều. Nếu thiết bị chưa tắt, hãy tắt thiết bị ngay lập tức. Sau đó hãy làm theo các bước dưới đây để tăng khả năng "cứu sống" chiếc điện thoại của bạn.
1. Tháo các thiết bị rời
Hãy đảm bảo rằng điện thoại đã được tắt nguồn trước khi bạn tháo rời các thiết bị. Chúng ta có hai trường hợp thiết bị ở thao tác này bao gồm:
- Đối với các thiết bị điện thoại đời cũ, người dùng sẽ dễ dàng tháo rời nắp máy và pin ra, tiếp đó là SIM cùng thẻ nhớ.
- Các điện thoại mới ra mắt những năm gần đây phần lớn đều theo thiết kế nguyên khối. Thiết kế này không dễ cho người dùng tháo rời nắp và pin nếu không có sự hỗ trợ của những chuyên viên kỹ thuật. Vì vậy ở tình huống này chúng ta chỉ có thể tháo SIM cùng thẻ nhớ.
2. Làm khô điện thoại
Khi thiết bị đã mở, bạn cần làm khô thiết bị bằng khăn giấy hoặc một mảnh vải nhỏ. Trong khi sử dụng khăn giấy, hãy di chuyển chấm nhẹ để thấm các giọt nước có thể nhìn thấy trên thiết bị của bạn. Đừng cố gắng lau hoặc chà xát vì điều đó có thể khiến nước trượt vào một số khe hở và làm hỏng các bộ phận bên trong. Bạn hãy cố gắng dùng khăn giấy thấm càng nhiều càng tốt mọi bề mặt mà không di chuyển thiết bị nhiều.
3. Hút ẩm
Hút ẩm bằng gạo là cách thông dụng và hiệu quả nhất. Bạn chỉ cần cho điện thoại vào thùng gạo và chờ từ hai đến ba ngày. Logic đằng sau việc này là bởi vì gạo có khả năng hấp thụ chất lỏng và độ ẩm khí quyển rất tốt. Ngoài ra, đây cũng là thứ dễ tìm thấy tại nhà. Bạn cũng có thể dùng túi hút ẩm trong bánh kẹo, cho nó vào một hộp kín cùng điện thoại trong vài ngày.
4. Kiểm tra tình trạng hoạt động của điện thoại
Sau một vài ngày hút ẩm, bạn có thể lấy điện thoại ra và kiểm tra thiết bị có lên nguồn không. Nếu điện thoại khởi động và hoạt động bình thường thì xin chúc mừng, những nỗ lực và sự kiên nhẫn của bạn đã được đền đáp. Tuy nhiên, hãy kiểm tra các tính năng bằng cách nghe gọi, sạc và để xác định hệ thống không gặp vấn đề gì. Nếu thiết bị có dấu hiệu trục trặc, bạn hãy nhanh chóng đem đến cửa hàng hoặc trung tâm bảo hành để được hỗ trợ.
Bên trên là các mẹo cấp cứu nhanh khi điện thoại rơi xuống nước hiệu quả nhất. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để "cứu sống" chiếc điện thoại của mình khi chẳng may rơi xuống nước.