Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cách học tiếng Anh hiệu quả ở bậc đại học

(VOH) - Học tiếng Anh ở trường đại học khác hẳn với cách học ở trường phổ thông. Do đó, nếu không thay đổi phương pháp, việc học tiếng Anh sẽ không có hiệu quả.

Khi còn học phổ thông, các bạn học sinh thường bị ép học ngoại ngữ, mà chủ yếu là tiếng Anh. Việc học thường chỉ tập trung những kĩ năng viết, cụ thể là ngữ pháp để đạt kết quả cao trong các kỳ thi. Trong khi đó, giỏi ngoại ngữ phải đồng nghĩa với nghe – đọc – hiểu – trao đổi theo phản xạ nhanh và chuẩn xác để phục vụ cuộc sống, công việc và việc nghiên cứu của mình.

Nhiều tân sinh viên từ phổ thông lên đại học, mang theo tâm lý trọng ngữ pháp nên việc học ngoại ngữ không tốt. Vì vậy, dù trải qua thêm 4 năm học ngoại ngữ song tới lúc ra trường vẫn không tự tin nói chuyện với người nước ngoài, không dám lựa chọn các công ty đa quốc gia để làm việc dù năng lực chuyên môn giỏi. Ngoại ngữ lúc này trở thành rào cản cho tương lai.

ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Tỏa sáng ở trường đại học
ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Chủ biên cuốn sách Tỏa sáng ở trường đại học

Theo ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Chủ biên cuốn sách Tỏa sáng ở trường đại học thì việc học ngoại ngữ ở bậc đại học cần sự chủ động, sự tập trung và tính kỉ luật cao. Vì ngoại ngữ lúc này là điều kiện cần quan trọng để sinh viên có thể “sinh tồn” khi tốt nghiệp và học lên cao, du học hoặc xin việc chứ không còn là những điểm 9 hay 10 của bài thi nữa.

ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ thêm một số phương pháp để học tốt tiếng Anh ở trường Đại học như sau:

Có mục tiêu rõ ràng

Sinh viên nên đặt cho mình mục tiêu cụ thể phù hợp với hoàn cảnh, năng lực của mình. Mục tiêu quá cao hoặc quá thấp đều sẽ khiến chúng ta chán nản hoặc hối tiếc. Ví dụ, các bạn có thể cân nhắc sức mình đạt mức khá hay tốt, sau đó quyết tâm chọn khoảng thời gian là 4 tháng hay 6 tháng hoặc 1 năm để đạt được mức độ nào đó phù hợp với mình.

Hiểu cấu trúc và cách thức thi

Bạn có thể lên mạng internet để tìm hiểu về cấu trúc bài thi để làm quen và hiểu được chúng. Khi làm bất cứ điều gì, nếu như bạn hiểu rõ vấn đề thì bạn sẽ có cách giải quyết nó, như ông bà ta có câu “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.

Lập kế hoạch học tập

Có thể bạn đang rất bận rộn với những môn học khác nhau, với rất nhiều việc khác nhau và bạn cứ hẹn sau khi giải quyết xong chuyện này thì bạn sẽ bắt đầu học hoặc sau khi có thời gian bạn sẽ học… Nếu bạn đang trong trạng thái lần lữa như vậy thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ bạn có thời gian để học. Thay vì hứa hẹn, bạn hãy lập kế hoạch làm việc, học tập của mình mỗi ngày theo khung thời gian chặt chẽ và tuân thủ chính xác.

Sắp xếp thời gian học hợp lý

Không chỉ dành thời gian học từ mới, hay học cách phát âm, học ngữ pháp mà còn phải học kỹ năng nghe, nói, vì trong bài thi đòi hỏi nhiều kỹ năng chứ không chỉ có một. Bạn có thể dành mỗi ngày 30 phút cho mỗi kỹ năng và lần lượt luyện tập tất cả kỹ năng, nếu bạn yếu kỹ năng nào hơn thì có thể dành thời gian cho kỹ năng đó nhiều hơn một chút.

Chìa khóa nằm ở vốn từ vựng

Nếu bạn có vốn từ vựng phong phú, dồi dào thì việc học ngoại ngữ sẽ đỡ khó khăn hơn. Hãy dành thời gian mỗi ngày để nạp thêm những từ mới trong các bảng quảng cáo, các tin tức thời sự, tin thời tiết, thư từ, email, fax… Hoặc tốt hơn nữa là học từ theo chủ đề cụ thể, mỗi ngày học một ít và nên học có kế hoạch. Ví dụ, mỗi ngày bạn hãy cố gắng học và nhớ 10 từ mới theo chủ để đã chọn, có thể là chủ đề học đường hoặc y tế, âm nhạc, thời trang… Hãy viết những từ mới đó ra những mẫu giấy và dán nó ở nơi bạn thường xuyên nhìn thấy. Học ít nhưng chất lượng là cách tốt nhất để tăng cường vốn từ vựng.

Biết mình yếu ở đâu

Không phải ai cũng biết mình yếu như thế nào và dám can đảm nhận mình yếu. Hãy tự nhận ra điểm yếu của mình, sau đó hãy dành thời gian, công sức để bồi dưỡng nhiều hơn. Nếu như bạn yếu phần nghe thì hãy dành gấp đôi thời gian cho việc luyện nghe, nếu như bạn yếu phần đọc thì hãy dành thời gian nhiều hơn nữa cho việc học từ vựng và làm bài tập đọc hiểu.

Luyện phát âm

Phát âm chuẩn sẽ giúp bạn nghe đúng. Chính vì thế hãy thường xuyên luyện tập kỹ năng này. Đừng ngại ngùng đọc to một từ, một câu, một đoạn văn hay một bài văn. Trang bị một quyển từ điển chuẩn xác, và bạn cũng nên cài phần mềm của những quyển từ điển này vào máy tính, khi học từ hãy nhờ máy phát âm trước, sau đó bạn đọc theo đến khi nào âm tiết của từ mới khắc ghi vào não bạn. Bạn cũng có thể ghi âm lại phần đọc của mình, nghe lại, rồi chỉnh sửa cho đến khi nào chuẩn xác. 

Đừng bỏ qua các website, ứng dụng học tiếng Anh miễn phí

Đó là cách học nhẹ nhàng và dễ chịu nhất, mà cũng tiết kiệm nhất. Một số website học tiếng Anh miễn phí như Ello, American English Pronunciation Practice, VocabSushi, BBC Learning English…

Các ứng dụng học tiếng Anh miễn phí hiện cũng khá nhiều. Chỉ cần gõ lên trang tìm kiếm là có cả một thư viện ứng dụng học tiếng Anh dành cho sinh viên như Memrise, Phrasal Verbs Cards, Fun Easy English…

Trao đổi

Bạn nên kết bạn với người nước ngoài và thường xuyên nói chuyện, trao đổi với họ. Bạn có thể dạy tiếng Việt cho họ và ngược lại. Đừng sợ sai hay mắc cỡ vì chắc chắn người nước ngoài khi học tiếng Việt cũng như bạn học ngoại ngữ vậy thôi. Chẳng những thế, việc thường xuyên giao tiếp với người nước ngoài sẽ khiến khả năng nghe, nói của bạn trôi chảy và là bước chuẩn bị tốt để bạn học tập, nghiên cứu, làm việc trong môi trường quốc tế.

Luôn có một quyển từ điển bên mình

Thật bất tiện khi vác một quyển từ điển to đùng, vậy thì bạn hãy mua quyển từ điển nhỏ, gọn dễ mang theo. Bạn sẽ không thấy thừa. Quyển từ điển sẽ giúp bạn đỡ nhàm chán trong những khoảng thời gian trống giữa các tiết học, khi đợi xe bus, đợi bạn bè…Bạn cũng có thể thay thế bằng các ứng dụng từ điển trên điện thoại.  

tiếng anh
Trang bị vốn tiếng Anh vững chắc trong giai đoạn học đại học giúp sinh viên có nhiều cơ hội phát triển bản thân sau khi ra trường (Ảnh: HL)

Không quên mang theo quyển sổ học ngoại ngữ

Ngoài quyển từ điển bỏ túi thì với một người đang theo học ngoại ngữ đừng quên mang theo quyển sổ để có thể ghi lại những từ mới, những đoạn văn, câu văn hay… Điều này rất có ích cho kỹ năng viết của bạn.

Kiểm soát bản thân

Hãy xem việc học ngoại ngữ là việc hết sức nhẹ nhàng và là niềm vui như thế bạn sẽ tránh được tình trạng căng thẳng khi cứ cắm đầu “nạp” một ngôn ngữ mới, khi vào phòng thi cũng giữ cho mình được tâm trạng thoải mái nhất. Nếu bạn bị căng thẳng thì chắc chắn bài thi của bạn cũng không thể đạt được kết quả tốt nhất.

Học để hiểu

Hãy bỏ thói quen học gạo, học vẹt với hy vọng trong một tuần, mười ngày bạn sẽ giỏi ngoại ngữ. Nếu không có căn bản, nền tảng tốt thì chỉ với thời gian ngắn ngủi đó bạn không thể nào đạt kết quả tốt.

Đừng quên những thành ngữ

Khi học từ vựng, nhiều bạn tập trung vào phần học giới từ mà quên hẳn việc học thành ngữ. Có những cụm, những câu đã thuộc dạng mặc định và vì thế không có cách nào khác là thuộc lòng.

Dành thời gian cho việc nghe nhạc, xem phim bằng bản ngữ

Việc nghe nhạc, xem phim bằng chính ngôn ngữ đang theo học sẽ giúp bạn thoải mái hơn với việc học.

Bình luận