95% trường mầm non tại TPHCM đã cho trẻ làm quen tiếng Anh

(VOH) - Tính đến nay, TPHCM có 1.240/1.305 trường mầm non tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh, đạt tỷ lệ 95%. Trong đó, số trường công lập tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh chiếm tỷ lệ khoảng 34%.

Đây là thông tin được được đưa ra tại Hội thảo làm quen tiếng Anh bậc mầm non theo chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ trong khảo sát năng lực ngoại ngữ do Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức.

Hiện có 8 chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Từ năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các công văn hướng dẫn triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo.

làm quen tiếng anh
Tại Hội thảo, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM ký thỏa thuận ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn EMG Education và Pearson nhằm giới thiệu chuẩn năng lực tiếng Anh cho trẻ mầm non trên địa bàn - Ảnh: Tuyết Nhung

Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo, việc cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh thời gian qua đã nhận được sự đồng thuận của nhiều phụ huynh.

“Qua việc làm quen tiếng Anh, trẻ mạnh dạn, tự tin, hứng thú với các hoạt động. Trẻ tiến bộ về kỹ năng nghe nói và làm quen với việc đọc và viết. Thông qua các hoạt động chơi, lồng ghép việc dạy tiếng Anh cho trẻ mang lại nhiều lợi ích, giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ, tư duy" – bà Điệp nhận định.

Đọc thêm: Tăng cường các hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho rằng, dù gặp nhiều khó khăn trong bước đầu đưa tiếng Anh đến với các đối tượng học sinh nhỏ nhưng đến nay TPHCM đã trở thành điểm sáng trong công tác dạy học ngoại ngữ.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý, việc bắt đầu học một ngôn ngữ cần phải chính xác. Đó là nền tảng để trẻ phát triển ngôn ngữ sau này. Vì vậy, việc lựa chọn giáo viên, khảo sát uốn nắn, ứng dụng công nghệ khảo sát năng lực ngoại ngữ trẻ mầm non là cần thiết.

Theo ông Hiếu: "Học sinh được tiếp cận sớm với Tiếng Anh chuẩn quốc tế sẽ đưa thế hệ này trở thành thế hệ công dân sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ 2, tạo nền tảng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố".

Bình luận