Ấm lòng những suất cơm từ thiện trong mùa dịch

(VOH) - Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã và đang gây nhiều tác động tới đời sống, sinh hoạt của đại bộ phân người dân, đặc biệt là người nghèo, công nhân, người lao động nhập cư ở đô thị…

Thế nhưng, điều đáng mừng là trong đại dịch Covid-19, tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của người Việt lại được nhân lên. Đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị với những tấm lòng hảo tâm, thơm thảo giúp nhau cùng vượt qua khó khăn vì dịch bệnh hành hoành.

Một trong những hoạt động có ý nghĩa và thiết thực và dễ bắt gặp nhất ở TPHCM trong những ngày này là việc phát cơm, phát quà cho những người nghèo, người gặp khó khăn tại các khu vực phong tỏa, các khu dân cư cách ly y tế hoặc điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Một trong những đơn vị mà chúng tôi muốn đề cập đầu tiên trong bài viết này đó là Ban Từ thiện Chùa Tường Nguyên, ở Quận 4.

Đại đức Thích Minh Phú, Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Từ thiện Xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM cho biết: Từ đợt dịch đầu tiên bùng phát hồi năm ngoái, thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn, từ nguồn quỹ thiện nguyện của chùa do các tăng ni, phật tử, các mạnh thường quân đóng góp, chùa đã tổ chức nấu hơn 500 phần cơm chay miễn phí để phát cho người dân gặp hòan cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 liên tục trở lại nên các trường hợp khó khăn ở Thành phố cứ nhiều lên, các suất cơm từ thiện mà chùa chuẩn bị cũng tăng lên từ 500, 1.000, 2.000, 3.000… và đến nay là 6.000 suất/ngày. Tất cả đều được mang đến trao tận tay cho những người vô gia cư, người nghèo neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sinh sống tại các quận nội thành của TPHCM.

Đặc biệt, trong số đó, gần 600 suất được cung cấp cho các y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu phòng chống dịch như Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Phục hồi chức năng ở Quận 8.

phát cơm từ thiện, covid-19
Tình nguyện viên của chùa Tường Nguyên phát cơm cho người dân trong 1 khu phong toả ở Phường Cô Giang, Quận 1 

Đại đức Thích Minh Phú nói thêm, từ khi dịch bùng phát lần thứ 4, tổng kinh phí nấu và phát cơm miễn phí khoảng 3 tỷ đồng.

“Các phần ăn này phải đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp các bác sĩ có sức khỏe để điều trị và phục vụ giúp cho các bệnh nhân Covid-19 phục hồi tốt hơn. Trong đại dịch của đất nước, với tinh thần Phật giáo, chúng tôi cũng thấy rằng mình cũng phải có trách nhiệm chung tay với Nhà nước và Chính phủ, đẩy lùi nạn dịch này” - Đại đức Thích Minh Phú chia sẻ.

phát cơm từ thiện, covid-19
Những bữa cơm được các phật tử chùa Tường Nguyên chuẩn bị không chỉ đẹp, ngon mà còn đảm bảo dinh dưỡng.

Có dịp chứng kiến mới thấy, những bữa ăn mà Ban Từ thiện chùa Tường Nguyên chuẩn bị hết sức chu đáo. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến sơ chế, nấu nướng đều được tổ chức chặt chẽ.

Hàng tấn thực phẩm đầu vào được chế biến mỗi ngày đều là những loại rau củ quả tươi có nguồn gốc rõ ràng, do chính bà con nông dân trong nước sản xuất. Điều này vừa góp phần giúp tiêu thụ nông sản cho nhà nông trong mùa dịch, đồng thời cũng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khoẻ của bà con nghèo khi sử dụng.

Thêm vào đó, các bữa ăn cũng được nấu nướng trình bày đẹp mắt bởi chính các đầu bếp có nghề, cũng là phật tử của chùa.

Chị Nguyễn Thị Thu Tâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn cho hay, khi thấy chùa kêu gọi tìm người hỗ trợ nấu bếp, chị liền đăng ký với mong ước góp chút sức mình cùng tập thể từ việc lên thực đơn, nấu nướng, trình bày cho đẹp mắt để cho người nhận có những bữa ăn ngon miệng.

Chị Thu Tâm tâm sự: “Bản thân tôi cũng có kinh doanh nhà hàng nhưng hiện tại do dịch Covid-19 nên cũng đóng cửa cả tháng nay. Vì thế, thời gian này tôi cũng rảnh và mong muốn chung tay giúp sức với thầy nấu ăn cho người nghèo. Tôi biết, nhiều bệnh nhân, các y bác sĩ ở các Bệnh viện cách ly tập trung đều không được ra ngoài nên thức ăn mình cấp phát phải đảm bảo ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng. Chúng tôi quan niệm “không phải cơm từ thiện là làm sao cũng được mà nó phải sạch, có đầy đủ 6 loại chất dinh dưỡng”. Mỗi ngày tôi đều lên thực đơn khác nhau để người ăn sẽ không cảm thấy ngán”.

Một địa chỉ khác là quán cơm chay tùy tâm Mãn Tự nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, Quận 5 cũng là một địa điểm mà nhiều cô chú, anh chị, người lao động nghèo, vẫn tìm đến vào mỗi buổi trưa, từ mùa dịch đầu tiên cho tới nay.

Người đến đây nhận cơm sẽ phát tâm tùy theo điều kiện của mình, người có nhiều thì vài triệu, vài trăm hoặc vài chục ngàn đồng, người có ít thì mấy ngàn cũng được. Số tiền tùy tâm này chính là để giúp đỡ cho những người nghèo, người khó khăn, tàn tật đến lấy cơm miễn phí trong lúc dịch bệnh.

Chị Lê Diệu Hương, một người bán vé số thường xuyên nhận cơm tại quán chia sẻ: “Quán này để cho người nghèo, người bán vé số người ta thiếu ăn, không đủ tiền để mua cơm ăn hàng bữa. Ai đến đây lấy cơm cũng được còn đóng góp là tùy tâm, có bao nhiêu bỏ bấy nhiêu, người giàu có bỏ năm chục, một trăm ngàn đồng. Có người bỏ năm ngàn, mười ngàn, hai ngàn cũng không sao, mình san sẻ qua cho người không có, người bán vé số vậy thôi”.

phát cơm từ thiện, covid-19
Điểm phát cơm chay Mãn Tự ở quận 5

Rõ ràng, trong lúc dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, làm bức tranh sinh hoạt của nhiều gia đình ở TPHCM gặp rất nhiều khó khăn, thế nhưng, đâu đó trong cuộc sống vẫn có rất nhiều điểm sáng làm ấm lòng người - đó chính là những tấm lòng thiện nguyện, sẻ chia. Với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hy vọng, những nghĩa cử đẹp sẽ tiếp tục được nhân rộng trong xã hội, góp phần chia sẻ khó khăn với người dân trong mùa dịch.

Bình luận