TPHCM lại gấp rút ứng phó bão
UBND TPHCM vừa có công điện khẩn số 5247 về việc khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng, tránh, ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông.
Theo đó, TP yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các Quận-huyện, phường-xã-thị trấn tập trung triển khai ngay phương án phòng, chống tại mỗi đơn vị nhằm chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới.
Đồng thời, khẩn trương thực hiện các biện pháp theo Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh – rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào thành phố đã được ban hành tại Quyết định số 3355/QĐ-UBND ngày 13/8/2018 của UBND TP.
Các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển, trong vùng nước cảnh biển và công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ theo Quyết định trên.
Chủ các tàu thuyền cũng cần theo dõi sát diễn biến của bão để có kế hoạch neo đậu phù hợp (Ảnh: Youtube)
Các đơn vị cũng cần theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bằng mọi biện pháp sử dụng tất cả các phương tiện thông tin và truyền thông để thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, tốc độ, hướng di chuyển, diễn biến của áp thấp nhiệt đới và kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Xem toàn văn công điện khẩn tại đây.
Cường độ, đường đi của áp thấp phức tạp ra sao?
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, khoảng đêm nay 21/11, áp thấp nhiệt đới có thể vượt qua khu vực đảo Palawan của Philippines và đi vào Biển Đông, có khả năng mạnh thêm thành cơn bão số 9.
Sự tương tác giữa khối không khí lạnh đang tràn xuống khiến cho diễn biến đường đi và cường độ của bão số 9 sẽ rất phức tạp, không khí lạnh có thể khiến bão sẽ suy yếu và gây mưa ít nhưng cũng có thể làm cho cường độ bão mạnh lên, làm thay đổi hướng di chuyển của bão lệch về phía Nam. Do đó, việc dự báo khu vực đổ bộ của bão số 9 là rất khó. Khi đi qua khu vực quần đảo Trường Sa, bão có khả năng sẽ mạnh lên tới cấp 9 -11.
Nhiều khả năng các tỉnh Nam Trung Bộ và khu vực Nam Bộ sẽ chịu ảnh hưởng của cơn bão này. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bà Rịa -Vũng Tàu từ ngày 23/11 sẽ có gió mạnh cấp 6-7, vùng ven biển các tỉnh nơi tâm bão đi vào sẽ có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12.
Bão số 9 và không khí lạnh sẽ tương tác với nhau gây mưa to đến rất to cho suốt dọc các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Bình Thuận, khu vực các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, phần phía Bắc của các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Đợt mưa lớn này sẽ kéo dài bắt đầu từ ngày 22/11 khi không khí lạnh ảnh hưởng đến Trung Bộ. Sau đó tương tác của không khí lạnh và bão sẽ bắt đầu gây mưa to đến rất to ở miền Trung từ ngày 23/11.
Bão có thể gây mưa to đến rất to (Ảnh: Zing)
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lượng mưa nhiều khả năng sẽ kéo dài liên tục từ ngày 23-28/11, trọng tâm mưa lớn sẽ là các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Bình Thuận với tổng lượng mưa có thể lên tới 300-500mm. Ở khu vực Khánh Hòa cũng là vùng trọng tâm mưa, trong đó mưa sẽ xảy ra dồn dập trong hai ngày 23-24/11, với tổng lượng mưa mỗi ngày có thể lên tới 200-300mm.
Tập trung khắc phục sạt lở bờ biển - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục các khu vực sạt lở bờ biển và ứng phó với hiện tượng ElNino.
Dự báo thời tiết ngày mai 22/11: Các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ mưa, có thể có mưa đá, trời rét - Dự báo từ gần sáng và ngày mai (22/11), các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.