Bài 2: Cần có giải pháp giảm áp lực cho địa phương

(VOH) - Hầu như các địa phương đều quá tải vì hàng chục đầu việc phải giải quyết trong một ngày.

Theo ghi nhận của phóng viên VOH thì hầu như các địa phương đều quá tải vì hàng chục đầu việc phải giải quyết trong một ngày cho người dân: vừa chăm sóc y tế cho người bệnh, quản lý các ca F0, chăm lo an sinh hàng ngày, giải quyết thủ tục thủ tục giấy tờ, phát tiền hỗ trợ… trong khi lực lượng địa phương thì khá mỏng so với áp lực công việc hiện nay.

Khi các gói an sinh, hỗ trợ lao động khó khăn, mất việc do Covid-19 được triển khai về địa phương thì hàng loạt vấn đề nảy sinh. Mấu chốt là người lao động chưa hiểu đúng về mình thuộc dạng đối tượng nào, để nhận gói hỗ trợ nào.

Từ thời điểm dịch bùng phát tháng 4/2021 đến nay, ở một số địa phương vẫn có người chưa tiếp cận được gói hỗ trợ, có người nhận rồi muốn nhận nữa, có người thì khai địa chỉ cư trú không đúng, có người khai ngành nghề không phù hợp và yêu cầu được khai lại…. chính vì vậy mỗi ngày địa phương phải tiếp nhận, giải thích hàng chục trường hợp… rất mất thời gian

Những câu hỏi từ người dân thường là “vì sao nhà người kia hai ba người lãnh, còn tôi nhà năm người mà sao chỉ có một phần”, hay “tôi nộp danh sách lâu mà sao chưa thấy tiền”….tạo áp lực nhất với cán bộ ở cơ sở vì hàng ngày phải tiếp và trả lời hàng trăm trường hợp như thế.

Bài 2: Cần giảm áp lực cho địa phương 1
Phát tiền hỗ trợ người dân tại khu phố 

Theo phó chủ tịch UBND phường 8, quận 4 Nguyễn Lê Kim Phượng cho biết: “Chỉ riêng công tác an sinh và phát tiền hỗ trợ cho dân đã chiếm hơn phân nửa thời gian công việc ở phường. Khó nhất là làm sao phát cho đúng đối tượng và tất cả đối tượng đều được chăm lo chu đáo, hưởng đúng chính sách hỗ trợ mà nhà nước ban hành”.

Hiện địa bàn phường 8 có khoảng 17.000 dân phần lớn là dân lao động nhập cư, tạm cư trên địa bàn. Số cán bộ công chức, viên chức, người lao động của phường chỉ có 38 người trong đó có 4 viên chức đang bị cách ly. Chỉ riêng câu chuyện phát tiền hỗ trợ cho lao động mất việc, hộ nghèo, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng cũng là một áp lực lớn.

Về gói hỗ trợ cho người dân đợt 1 theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM thì quy định nhóm ngành nghề và đối tượng khá rõ ràng, tuy nhiên gói hỗ trợ đợt 2 theo Nghị quyết 68 thì đối tượng được hưởng mở rộng… tuy nhiên thời gian để tổ dân phố, khu khố và UBND phường thực hiện các khâu bị rút ngắn dẫn đến quá tải.

Thực tế, các văn bản này khi triển khai đến các địa phương thì cần phải có thời gian để rà soát cho đúng đối tượng và có thể bỏ sót đối tượng, vì đang đi điều trị F0 nên không có mặt tại địa phương. Tuy nhiên hết thời gian này, người dân trở về địa phương đòi quyền lợi và tạo “hiệu ứng khiếu kiện” gây áp lực cho địa phương.

Chia sẻ vấn đề  khó khăn của địa phương hiện nay, bà Nguyễn Lê Kim Phượng, phó chủ tịch phường 8, quận 4 cho biết: “Cán bộ và nhân viên phường 8 làm ngày kể cả làm đêm nhưng thời gian để tái tạo sức lao động lại không đủ cho anh em.

Cái khó nữa là việc nhập liệu hiện nay chỉ có 1 người chuyên trách. Vì công tác nhập liệu đòi hỏi phải người có chuyên môn sâu mới phân biệt được đối tượng nhận theo quy định nào, nhờ cán bộ không chuyên trách thì hiện nay đang tinh giản theo quy định vì vậy gây áp lực cho cán bộ công chức phường rất nhiều”.

Bài 2: Cần giảm áp lực cho địa phương 2
Phát quà cho dân trong khu vực vùng đỏ 

Theo nhiều lãnh đạo cơ sở, hầu hết cán bộ phục vụ công tác dân sinh và phòng chống Covid-19 ở tuyến đầu nhiều tháng nay ăn ngủ tại cơ sở để thực hiện nhiệm vụ. Có nhiều cán bộ, viên chức phải nhập viện, cách ly vì tiếp cận nhiều với F0.

Nhiều cán bộ kiệt sức vì quá tải công việc trong nhiều tháng chỉ để giải quyết công tác an sinh cho địa phương.

Chủ tịch UBND phường 14, quận 10 Hà Tuấn Phương nói: “Công việc của anh em kéo dài nhiều tháng qua nên thật sự quá tải và không chỉ riêng điạ phương mà tôi nghĩ cấp trên cũng quá tải.

Tinh thần anh em cũng khá mệt mỏi. Dịch bệnh thì nguy hiểm nên nhiều cán bộ phường phải ở trong cơ quan ròng rã nhiều tháng để tự bảo vệ sức khoẻ cho gia đình mình”.

Bài 2: Cần giảm áp lực cho địa phương 3
Thiếu nhân lực nên chủ tịch UBND phường 8, quận 4 Nguyễn Chí Hải tranh thủ giờ nghỉ trưa hỗ trợ đong gạo phát cho dân  

Hiện nay một số địa phương cũng đang đề xuất một số giải pháp để thành phố hỗ trợ, đó là nguồn lực để duy trì công tác an sinh và phòng chống dịch vì thành phố xác định đây là công tác lâu dài.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng đã xác định trong cuộc họp báo chiều ngày 13/9 : “Mở giãn cách là dựa trên nguyên tắc an toàn, an toàn đến đâu thì mở đến đó cho nên trong thời gian tới, chúng ta phải sống trong điều kiện có dịch bệnh và tuỳ theo tình hình dịch bệnh này thì sẽ nới lỏng hoặc thắt chặt các biện pháp giãn cách.

Chúng ta phải có sự chuẩn bị. Sự chuẩn bị càng kĩ thì mở từng bước mới an toàn, mục tiêu là đảm bảo sức khoẻ cho người dân và chúng ta cũng có thể phát triển được các hoạt động kinh tế xã hội phù hợp”.