Thành phố Thủ Đức sẽ là đòn bẩy để TPHCM phát triển bền vững (Kỳ 2)

(VOH) - Với việc thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM là quyết định rất đúng đắn...

Nghe bài viết:

Với việc thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM là quyết định rất đúng đắn và theo các chuyên gia đô thị chỉ cần có những cơ chế, những cách làm bài bản, khoa học sẽ sớm biến ước mơ thành hiện thực. 

Khi đó Thành phố Thủ Đức sẽ góp phần đáng kể trong quá trình phát triển của TPHCM cũng như cả nước.

Thành phố Thủ Đức

Thành phố Thủ Đức. Ảnh minh họa: TTO

Bộ máy chính quyền Thành phố Thủ Đức đã chính thức vận hành từ ngày 22/1/2021 với đơn vị hành chính mới có tổng diện tích hơn 21.000 hecta, dân số khoảng 1,1 triệu người sinh sống và làm việc trên 34 phường. Với quy mô rất lớn, nhưng theo quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì đây vẫn là đơn vị hành chính cấp huyện. Do đó rất cần có những cơ chế đặc thù để Thành phố Thủ Đức phát triển và đạt được những mục tiêu đề ra ban đầu. Ngay từ khi hình thành đề án TPHCM đã xác định mục tiêu không phải đơn thuần chỉ sáp nhập cơ học 3 quận (Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức) mà sáp nhập lại để hình thành dơn vị hành chính mới mạnh hơn, phát triển hơn, liên kết hơn và đóng góp nhiều hơn cho TPHCM cũng như cả nước. Qua nghiên cứu từ các chuyên gia và thực tế Thành phố Thủ Đức có nhiều tiền đề hội tụ và nếu tiếp tục bổ sung các chính sách phù hợp, cơ chế đặc thù chắc chắn sẽ biến nơi đây trở thành một đô thị năng động, sáng tạo và phát triển bậc nhất vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ngay trong lòng TPHCM. Tại Lễ công bố Nghị quyết 1111 thành lập Thành phố Thủ Đức, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị TPHCM cần khẩn trương xây dựng kế hoạch và đề xuất cơ chế đặc thù cho Thành phố Thủ Đức phát triển: "Tạo cơ hội cho Thủ Đức phát triển hơn, biến nơi đây trở thành cực tăng trưởng mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế TPHCM và cả vùng kinh tế phía Nam”.

Ngay từ đầu lãnh đạo TPHCM cho biết sẽ phân cấp, phân quyền cho Thành phố Thủ Đức rộng hơn, lớn hơn. Từ đó Thành phố Thủ Đức sẽ có điều kiện quyết định những vấn đề quan trọng trong thẩm quyền. Trong nhiều cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết đang khẩn trương nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù cụ thể cho Thành phố Thủ Đức. Qua đó làm cơ sở pháp lý để chính quyền Thành phố Thủ Đức giải quyết nhanh chóng các công việc trong quá trình điều hành phát triển và sớm đạt được mục tiêu trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao. “Với vai trò vị trí của Thành phố trong TPHCM, do đó đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù để phát triển. Sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho Thành phố Thủ Đức một số cơ chế đặc thù để trở thành một đô thị sáng tạo, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo”, ông Phong cho biết thêm.

Về góc độ cơ quan tham mưu cho Bộ Nội vụ về cơ chế, chính sách ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cũng cho rằng rất cần có cơ chế phân cấp ủy quyền, cơ chế đặc thù để Thành phố Thủ Đức có thể quyết ngay mà không cần xin phép hay trình lãnh đạo cấp trên trong một số lĩnh vực cụ thể: “Hiện nay ta cần phải có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Thành phố Thủ Đức và phân cấp ủy quyền để trở thành đô thị thông minh, thành phố đáng sống. Nội dung này không quy định trong Nghị quyết 1111 mà chỉ quy định về chức năng và quyền hạn”.

Theo các chuyên gia nghiên cứu quy hoạch đô thị mô hình Thành phố Thủ Đức trong TPHCM tương tự như thành phố phía Đông Thượng Hải của Trung Quốc hay khu Hauts de Seine phía Tây Paris của Pháp. Tức là mô hình này khác với thành phố trực thuộc tỉnh mà hiện nay nhiều tỉnh đang có. Thành phố Thủ Đức được gửi gắm rất nhiều tham vọng phát triển hạ tầng đô thị và không gian sáng tạo. Trong tương lai nơi đây sẽ có đến 8 trung tâm chức năng cần kêu gọi đầu tư để thay đổi nhanh chóng diện mạo Thành phố Thủ Đức liên quan đến tài chính, sản xuất ứng dụng công nghệ cao và trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất của Việt Nam. Phân tích thêm về sự cần thiết của cơ chế phân cấp, phân quyền cho Thành phố Thủ Đức, PGS, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết: “Việc phân cấp của UBND TPHCM cho Thành phố Thủ Đức phải rộng hơn. Từ đó Thủ Đức có điều kiện quyết định những vấn đề quan trọng theo hướng đô thị thông minh. Để Thành phố Thủ Đức có thể đóng góp ít nhất 30% GRDP cho TPHCM”.

Để trở thành một đô thị sáng tạo, tương tác cao, tạo nên hệ sinh thái cho kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo thì phải có các loại hạ tầng đặc thù và kết nối chặt chẽ với nhau. Theo nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân muốn đạt được các yếu tố đó thì đòi hỏi phải có năng lực tài chính, nhân lực và cả cơ chế chính sách để triển khai một cách thuận lợi và đồng bộ: “Trên cở sở Nghị quyết 54, thì xem có đủ áp dụng cho Thành phố Thủ Đức chưa? Nếu chưa thì phải khẩn trương đề xuất thêm để Thủ Đức phát triển”.

Từ phân tích của các chuyên gia, đến các nhà lãnh đạo có thể thấy  với những quy định, cơ chế như hiện nay rõ ràng sẽ chưa phù hợp để thành phố Thủ Đức phát triển như mục tiêu đề ra trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao và đóng góp từ 30%-35% cho GRDP của TPHCM và khoảng 7 GDP của quốc gia. Do đó rất cần một số cơ chế chính sách đặc thù để Thành phố Thủ Đức đảm bảo điều kiện cần cho quá trình phát triển. Đó sẽ là mục tiêu, là giải pháp cho chặng đường sắp tới, còn hiện tại người dân, doanh nghiệp đang trông chờ vào những sự đổi thay ban đầu khi Thành phố Thủ Đức vừa khoát lên mình chiếc áo mới.

Kết thúc Loạt bài “Thành phố Thủ Đức sẽ là đòn bẩy để TPHCM phát triển bền vững”, mời bạn đọc bài cuối “Thành phố Thủ Đức và những bước đi đầu tiên” vào ngày mai 3/3.