Bạo lực gia đình – đừng im lặng!

(VOH) - Sáng 26/3, Báo Phụ Nữ TPHCM phối hợp cùng Công ty TNHH Kao Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận Bình Tân tổ chức buổi truyền thông chuyên đề “Bạo lực gia đình: Đừng im lặng!".

Buổi truyền thông dành cho đối tượng nữ công nhân, lao động trên địa bàn quận để các chị em có cơ hội giãi bày, chia sẻ những tâm sự mà bản thân, gia đình đã trải qua.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội Trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM là người dày dặn kinh nghiệm trong bảo vệ phụ nữ, trẻ em đã trực tiếp, tư vấn các vấn đề về bạo lực, ly hôn, chia tài sản, quyền trẻ em... với mong muốn tháo gỡ những vướng mắc, bức xúc cá nhân liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Luật sư Ngọc Nữ cũng kêu gọi chị em không được im lặng vì im lặng là tội ác. Bạo lực gia đình sẽ ảnh hưởng đến trẻ, nhất là lứa tuổi vị thành niên gây ra nhiều sang chấn tâm lý. Do đó người phụ nữ phải mạnh dạn tố cáo, để chấm dứt bạo lực gia đình: “Sau khi tuyên truyền xong các chị em rất mừng vì hiểu được quyền của chị em. Tức là phải bảo vệ con em mình như thế nào. Vì trước nay các chị tưởng bào vệ là giữ con em mình khư khư trong nhà chứ không biết việc mình cho con nghỉ học sớm để đi làm lao động, cho con đi bán cà phê khi mới 14, 15 tuổi là những ngành nghề mà nhà nước không cho phép. Thậm chí cho con mình đi bán vé số. Do dó, sau khi hiểu được quyền của trẻ em rồi thì hiểu Luật trẻ em là ban cho trẻ em thôi, chứ không nghĩ Luật trẻ em là người lớn cũng không được vi phạm quyền trẻ em, từ đó mới hiểu Pháp luật và biết cách bảo vệ con em mình”.

truyen-thong-bao-luc-gia-dinh-dung-im-lang-voh.com.vn-anh1
Thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhã - nguyên Phó trưởng phòng Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tuyên truyền về bạo lực gia đình.

Là khách mời của chương trình, Thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhã - nguyên Phó trưởng phòng Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết: nguyên nhân cơ bản của bạo lực giới là bất bình đẳng giới, cùng với thái độ và tư tưởng cho rằng phụ nữ có thân phận thấp kém so với nam giới, thiếu tôn trọng quyền của phụ nữ và tư tưởng luôn muốn kiểm soát cuộc sống của họ. Từ câu chuyện bạo lực, bà Thanh Nhã thông tin về những quyền được bảo vệ của phụ nữ và trẻ em, cũng như giới thiệu cách để họ lên tiếng, xử lý khi bị bạo lực hoặc phát hiện bạo lực ngay từ trong gia đình và đừng im lặng. Đồng thời, thông qua buổi chia sẻ, bà Thanh Nhã cũng chỉ ra những kỹ năng cần thiết mà cha mẹ hướng dẫn cho trẻ các phòng chống xâm hại tình dục. "Đi phải báo cho gia đình biết mình đến những nơi nào, những chỗ đó phải an toàn thì các em mới đến và đừng bao giờ đi đâu đó một mình hay ở trong nhà một mình với ai đó lạ, không mở cửa cho người lạ vào nhà. Đó là những điều mà các em phải cảnh giác. Cái thứ nữa là đừng bao giờ để người khác dễ dàng tiếp cận mình mà phải có một khoảng cách nhất định. Và đừng bao giờ nhận tiền, quà hoặc đồ vật của người lạ. Đối với những trẻ bắt đầu lớn, gần với tuổi dậy thì phải nhắc các em ăn mặc như thế nào cho kín đáo để tự bảo vệ bản thân của mình”, Thạc sĩ Thanh Nhã gợi ý.