Sáng 21/10, tại Học viện Cán bộ TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với các cán bộ hội, hội viên, phụ nữ TP làm việc trong lĩnh vực môi trường năm 2018. Cùng dự có lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, UBND, các sở ngành và đông đảo các nữ cán bộ, hội viên phụ nữ, nữ công nhân vệ sinh.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp gỡ và đối thoại với phụ nữ TP trong lĩnh vực môi trường.
Buổi gặp gỡ là dịp để chị em trao đổi tâm tư nguyện vọng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của phụ nữ thành phố, đề xuất, hiến kế giải pháp góp phần cùng thành phố thực hiện tốt Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020, hưởng ứng cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát động.
Đây cũng là dịp để lãnh đạo TP hiểu sâu sắc thêm về môi trường làm việc, về đời sống của phụ nữ nói chung, đặc biệt là chị em phụ nữ đang trực tiếp, hằng ngày tham gia giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường tại thành phố để từ đó có những giải pháp, cách làm nhằm phục vụ tốt hơn đối với các tầng lớp nhân dân nói chung, trong đó có hội viên, phụ nữ.
Chị Võ Thị Ngọc Dung – Công Nhân vệ sinh Công ty công ích môi trường đô thị quận Thủ Đức bày tỏ: "Có những thành phần say xỉn đụng phải nhưng rồi bỏ chạy luôn. Bên bảo hiểm và công an thì đỏi hỏi rất nhiều giấy tờ, thủ tục như: sơ đồ hiện trường, biên bản của hiện trường. Mà khuya nếu có điện cho công an thì khi họ ra tới thì người gây tai nạn đã bỏ chạy rồi. Thành ra có cái tâm tư nguyện vọng là bên bảo hiểm giảm bớt cái thủ tục cho anh chị em để người lao động được hưởng bảo hiểm sớm hơn".
Nhiều chị em hoạt động trong lĩnh vực lao động công ích, công nhân vệ sinh môi trường là công việc đặc thù, đối mặt với nhiều nguy hiểm, tai nạn…nhưng để được hỗ trợ thì cần các thủ tục rườm rà. Thắc mắc này được ông Trần Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương Binh và Xã hội TP cho biết: "trong quá trình đang làm việc mà bị tai nạn giao thông và được xác định là tai nạn lao động, thì cần có 1 trong ba văn bản sau để đoàn điều tra nộp cho bảo hiểm thì sẽ được xem xét để hỗ trợ. Đó là hồ sơ giải quyết tai nạn của CSGT (trước đây bắt buộc phải có). Tuy nhiên, nếu không có giấy này thì chúng ta sẽ có văn bản xác nhận tai nạn của cơ quan công an cấp xã nơi xảy ra hoặc văn bản xác nhận của chính quyền địa phương nơi xảy ra".
Còn chị Đỗ Thị Mỹ Linh – Công ty dịch vụ công ích Nhà Bè đề nghị việc không nên tăng tuổi hưu đối với những nữ công nhân vệ sinh mà có sự chuyển đổi nghề cho chị em: "Đối với phụ nữ lớn tuổi mà làm trong ngành nghề này cũng không thích hợp cho lắm vì không đủ sức khỏe. Hầu hết mong muốn được chuyển sang một công việc nhẹ nhàng và phù hợp với tuổi và sức khỏe hơn như là: dịch vụ dọn dẹp nhà cửa hay dịch vụ cung ứng lao động dọn dẹp văn phòng theo giờ".
Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM khẳng định: "Đây là nơi trút tâm tư như về đời sống, về lương. Có những nơi vẫn còn chậm làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Đặc biệt là chăm lo cho gia đình, con cái. Nhiều chị em cũng nói về môi trường làm việc gặp rất nhiều rủi ro và đã có những đề xuất nhất định khi chị em hoạt động. Hoặc các tủ tục hành chính... tôi nghĩ những tâm tư này sẽ được lãnh đạo TP quan tâm và giải quyết trong thời gian sớm nhất".
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những đóng góp thầm lặng và hết sức cao quý, đáng trân trọng của hơn 20 ngàn công nhân vệ sinh, đặc biệt là nữ công nhân, lao động vệ sinh. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết những ý kiến phát biểu góp ý, đề xuất giải pháp của các chị thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lãnh đạo sở - ngành quan tâm tham mưu lãnh đạo Thành phố chỉ đạo thực hiện trong thời gian sớm nhất những vấn đề các chị em nêu ra. Làm thế nào giải quyết vấn đề bảo hiểm lao động, giảm học phí bậc trung học để giảm áp lực cho người lao động; việc ban hành định mức cố gắng làm sớm, giải quyết sớm nợ tiền lương công nhân. Việc giải quyết cho người lao động nữ trên 40 tuổi là việc rất đáng quan tâm.
"Gắn với môi trường độc hại này có chính sách gì thì làm cho bằng hết. Đặc biệt là nên ký hợp đồng về tai nạn lao động. Nếu chúng ta có người nhà làm công việc này, như chị nói, trên 40 tuổi cúi xuống là đau lưng rồi thì phải chuyển nghề chứ", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.