Minh chứng dễ thấy nhất là việc người dân, doanh nghiệp sẵn sàng chi một số tiền gọi là “lót tay”, “bôi trơn”... khi đến cơ quan công quyền thực hiện thủ tục hành chính với mong muốn công việc của mình sẽ thuận lợi, nhanh, gọn hơn.
Những việc làm này thường xảy ra ở đâu, cách xử lý của cơ quan công quyền cùng quy định của pháp luật về các vấn đề này như thế nào? Phần 2 của buổi tọa đàm “Xóa bỏ tham nhũng vặt, cần nỗ lực từ nhiều phía” với sự tham gia của các vị khách mời:
- Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường – Trưởng Ban Phổ biến giáo dục pháp luật thuộc Hội Luật gia TPHCM.
- Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang – Phó trưởng khoa Khoa Quản lý hành chính Học viện Cán bộ TPHCM.
- Ông Bùi Minh Phương – Chánh Thanh tra quận Bình Tân sẽ góp phần giải đáp nội dung này.
Nghe nội dung Phần 2 Tọa đàm "Xóa bỏ tham nhũng vặt, cần nỗ lực từ nhiều phía"
Một số ý kiến của một số người dân chia sẻ giải pháp hạn chế tham nhũng vặt:
"Em nghĩ cần tăng cường đạo đức nghề nghiệp với lại rõ ràng trong việc thu phí hành chính người dân. Ví dụ như mình rõ ràng trong việc thu phí hành chính như thế nào và mình có 1 bảng phí hành chính rõ ràng thì người dân dựa vào đó sẽ không sợ nhờ vả hay là như thế nào đó. Nhưng một số còn tùy thuộc vào ý thức của người dân, mình phải biết khi mình đi làm giấy tờ, nhiệm vụ của các anh chị là làm cho mình, mình chỉ cần làm đúng theo pháp luật thì hồ sơ sẽ được, không cần phải chạy cho cái hồ sơ của mình đi nhanh, thì cái đó là do người dân nên em nghĩ là cũng phải hai phía thì mới ổn".
"Từ phía cơ quan chức năng cần nhắc nhở, quản lý nhân viên của mình phải thật là chặt, còn người dân thì phải biết pháp luật, biết mình làm cái đó thì mình mất tiền gì chứ đừng để người ta đòi hỏi. Mình phải biết cán bộ có trách nhiệm làm giấy tờ cho dân, chứ đâu phải làm giấy tờ thì muốn đòi nhiêu thì đòi; mình phải cho dân biết luật là như vậy. Còn ở cơ quan thì lãnh đạo cần quán triệt nhân viên chặt chẽ".
"Để điều chỉnh cái này cần cơ chế tốt, quan trọng vẫn là ở phía nhà chức trách chứ không phải phía người dân. Tại sao anh không có cơ chế để phạt, ghi nhận lỗi này theo một hình thức khoa học hơn, đừng tiền mặt nữa vì có tiền mặt mới đưa được tham nhũng. Giờ có công nghệ, mình phải làm sao giám sát xe cộ".
"Cảnh sát ra đường chỉ điều tiết giao thông hoặc xử lý xự cố chứ không phải là kêu lại, lập biên bản hay hăm dọa người ta là phải móc tiền ra họ đưa. Thay đổi cơ chế làm sao để xử lý các vấn đề về hành chính nó không nhũng nhiễu, không quá khó khăn. Cần điều chỉnh tổng hợp ở nhiều yếu tố, ví dụ lương cao đủ sống; quy trình làm việc nhanh gọn; quy trình giám sát tốt...".
"Phía người dân cần nâng cao hiểu biết về luật để nếu phát hiện ra cái ông làm vị trí đó với quy trình như vậy là nhũng nhiễu thì tố cáo ngay lập tức và được giám sát để xử lý, như vậy thì ai dám làm nữa".
"Câu khẩu hiệu nói rất lâu rồi, làm sao để cho người thực thi công vụ không muốn tham nhũng và không dám tham nhũng nữa, thì nó mới là thành công và điều đó phụ thuộc rất nhiều yếu tố, mình nói một hướng nào nó cũng trở thành không đầy đủ".
*VOH: Vừa rồi là ý kiến của một số người dân về việc làm thế nào để hạn chế tham nhũng vặt. Thưa ông Bùi Minh Phương, thực tế cho thấy “tham nhũng vặt” xảy ra ở nhiều lĩnh vực, thường xuyên nhất có thể kể đến là trong giải quyết thủ tục hành chính; quản lý trật tự giao thông, đô thị; y tế; giáo dục; hải quan; thuế; tuyển dụng, hay đề bạt, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ công chức…. Nó “biến tướng” dưới nhiều hình thức nên không dễ phát hiện, xử lý.
Được biết, thời gian qua UBND quận Bình Tân đã luôn nỗ lực để đạt kết quả tốt nhất trong công tác cải cách hành chính như: Cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức…. Công tác Cải cách hành chính ở quận cũng được tăng cường theo hướng công khai, minh bạch, giảm phiền hà, tiêu cực; mức độ hài lòng của người dân luôn đạt trên 90% và tăng theo từng năm.
Từ những kết quả đã đạt được đó, ông có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm của UBND quận Bình Tân trong công tác cải cách hành chính, cũng như việc làm thế nào để có thể hạn chế tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân cũng như doanh nghiệp trên địa bàn quận, thưa ông?
- Ông Bùi Minh Phương: Cải cách hành chính được xem là yếu tố mang tính chiến lược để đạt được thành công trong phòng, chống tham nhũng vặt. Từ các giải pháp, mô hình về cải cách hành chính, cải cách TTHC của quận Bình Tân đã tiếp tục duy trì tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn ở mức cao; trong những năm gần đây quận Bình Tân chưa tiếp nhận phản ánh, kiến nghị nào liên quan đến tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà của cán bộ, công chức. Quận chú trọng công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức nhằm đánh giá chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Ủy ban nhân dân quận đã triển khai nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác khảo sát sự hài lòng.
Từ năm 2016 đến nay, quận đã triển khai phần mềm “Đánh giá sự hài lòng của tổ chức và người dân đối với các dịch vụ hành chính công” tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận thông qua Máy tính bảng khảo sát khách hàng.
Ngoài ra, triển khai phương án xây dựng Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hiện đại, trang bị 02 ki-ốt khảo sát khách hàng đồng bộ với hệ thống khảo sát khách hàng của Thành phố. Kết quả khảo sát năm 2020 (từ ngày 15/12/2019 đến 14/12/2020) như sau:
(1) Tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả quận có 451.061 lượt khảo sát, kết quả như sau:
+ Tỷ lệ hài lòng đạt 99,77%;
+ Tỷ lệ bình thường chiếm 0,21%;
+ Tỷ lệ không hài lòng chiếm 0,02%.
(2) Tại Ủy ban nhân dân 10 phường có 47.894 lượt tham gia đánh của người dân và doanh nghiệp, cụ thể:
+ Tỷ lệ hài lòng đạt 99,09%.
+ Tỷ lệ bình thường chiếm 0,85%.
+ Tỷ lệ không hài lòng chiếm 0,06%.
Như vậy, thời gian qua mức độ hài lòng của Nhân dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt trên 99%, vượt chỉ tiêu đề ra.
*VOH: Có thể nói, những khoản “hối lộ” dù lớn hay nhỏ cũng sẽ dẫn đến việc thực thi pháp luật không nhất quán, làm suy yếu nghiêm trọng nguyên tắc pháp quyền. Đồng thời, làm xói mòn niềm tin của người dân vào thể chế chính trị của bộ máy Nhà nước. Thưa Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, bà có thể thông tin những quy định của pháp luật liên quan đến việc cho và nhận hối lộ để quý thính giả hiểu rõ hơn vấn đề này?
- Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường: Bấy lâu nay thì mình vẫn biết và quen với một số các điều luật quy định trong Bộ Luật hình sự như tội đưa hối lộ, tội nhận hối lộ, nhưng người dân thì ít tìm hiểu về luật phòng chống tham nhũng. Theo quan điểm của tôi thì người dân cũng nên tìm hiểu về luật phòng chống tham nhũng để biết được là với hành vi của anh A, với hành vi của chị B là vi phạm luật phòng chống tham nhũng để chúng ta đấu tranh với cái xấu.
Ở khoản 1 điều 92 của luật Phòng chống tham nhũng đã quy định rất rõ: người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
Như vậy, ở đây luật phòng chống tham nhũng đã thể hiện tinh thần dù người đó có giữ chức vụ gì, vị trí công tác nào mà có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng thì đều bị xử lý nghiêm. Vì vậy, quan điểm của tôi là người dân cần biết thông tin của luật phòng chống tham nhũng và những văn bản hướng dẫn thi hành để chúng ta biết với những hành vi đó, những thái độ đó, với cách vòi vĩnh đó là vi phạm pháp luật và chúng ta biết cách đối đáp lại với cái người có hành vi nhũng nhiễu.
Ngoài ra luật phòng chống tham nhũng còn có quy định về xử lý các hành vi, vi phạm quy định luật phòng chống tham nhũng như là công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; về định mức, tiêu chuẩn chế độ, về quy tắc ứng xử; về xung đột lợi ích; về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; về nghĩa vụ báo cáo về hành vi tham nhũng và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng; về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm...
Bên cạnh Luật phòng chống tham nhũng thì chúng ta cũng nên nắm Nghị định 59 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của luật phòng chống tham nhũng. Ngoài ra là quy định rất cụ thể được thể hiện trong luật cán bộ, công chức, luật viên chức. Đó là cán bộ, công chức bị kỷ luật, cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo quản lý.
Như vậy, nếu người dân biết rằng anh ấy đã từng bị kỷ luật, cách chức do tham nhũng mà sau đó lại được cất nhắc lên vị trí quản lý thì mình cần phải đấu tranh đến cùng, vì một người đã có tư tưởng, gọi là “tay nhúng chàm” rồi, và người ta đã nhận tiền, nhận hối lộ trở thành thói quen rồi mà người này lên vị trí lãnh đạo quản lý thì nguy quá. Họ sẽ đồng lòng, tạo điều kiện cho những hành vi nhũng nhiễu phát triển, điều đó quá nguy hiểm. Ngoài ra, chúng ta cũng biết là trong Bộ Luật hình sự có những tội danh liên quan đến tham nhũng như là tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, tội lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ, tội lạm quyền khi thi hành công vụ, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, tội giả mạo trong công tác, tội đưa hối lộ, tội môi giới hối lộ..., thì chúng ta thấy pháp luật xử lý những tội danh rất đầy đủ, kể cả hành vi đưa hối lộ cũng bị xử lý, nhận hối lộ cũng bị xử lý và môi giới hối lộ cũng bị xử lý. Như vậy, pháp luật của chúng ta cũng khá đầy đủ liên quan đến việc xử lý những hành vi nhũng nhiễu dù là tham nhũng vặt, dù số tiền nhỏ.
*VOH: Thưa Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, theo thông tin chúng tôi được biết thì hành vi nhận hối lộ có thể bị phạt đến 20 năm tù, hoặc tù chung thân, thậm chí tử hình. Thông tin này có chính xác không?
- Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường: Đúng rồi, tội nhận hối lộ khung hình phạt nhẹ nhất là 2 năm đến 7 năm theo khoản 1; còn khoản 2 quy định mức phạt tù là 7 năm đến 15 năm; khoản 3 thì quy định 15 năm đến 20 năm; còn khoản 4 quy định 20 năm tù, chung thân, hoặc tử hình. Như vậy, hình phạt cao nhất với tội nhận hối lộ là chung thân, tử hình.
*VOH: Hình phạt này có thể nói rất thích đáng đối với những người có thói quen nhận hối lộ, gây ra những thất thoát lớn, gây hậu quả nghiệm trong cho xã hội. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh nào đó thì người đưa hối lộ lại là nguyên nhân, mấu chốt của vấn đề. Nhiều người dân có suy nghĩ “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Thế nhưng, nó có phải là “tiền khôn” hay không khi không phải các vụ đưa “hối lộ” đều trót lọt, người đưa hối lộ nhận đạt được điều mình muốn.
Thưa Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang, bà suy nghĩ như thế nào về tư tưởng “đầu tiên – tiền đâu” hay “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” của một số người dân hiện nay?
- Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang: Quan điểm của tôi thì đây là tư duy thực dụng, nhưng đáng tiếc nó lại đúng trong bối cảnh nhất định, trong hoàn cảnh, thời điểm với đối tượng nhất định. Và tư duy này được người ta nhận thức là do nó được truyền bá trong xã hội một cách chính thống hoặc không chính thống.
Thứ 2 là các đối tượng có sự trải nghiệm có giá trị. Là họ trải nghiệm điều này và họ thấy hiệu quả và nó ăn sâu vào tiềm thức. Không phải một lần mà nhiều lần thì nó trở thành nếp nghĩ một cách mặc định.
Và nếu như tiếp tục lan tỏa những điều này thì từ những tư duy cá nhân nó trở thành tư duy xã hội và nó giáo dục thụ động. Giống như mình không hút thuốc mà mình cũng bị bệnh là tại vì mình hít phải khói thuốc. Có những người họ không rơi vào tình huống, câu chuyện này nhưng họ nghe hoài thì nó nhiễm vô đầu óc, rồi ra ở cái miệng và tiếp tục nói trong những lúc buôn chuyện, đến lúc rơi vào hoàn cảnh sẽ thúc đẩy hành vi. Vì vậy, tôi thấy nó càng ngày càng trở nên phổ biến. Nhưng tôi thấy có một sự mâu thuẫn của những người mà họ nhận thức “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” – mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của họ.
Khi mà cái gì có lợi ích cho họ thì “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, họ làm ngay. Cảnh sát vừa thổi vào lấy tiền đưa liền. Đi đến tìm cô giáo là đính kèm cái bao thư liền, chưa đợi ai đòi hỏi gì hết. Nhưng, nếu ở khu phố người ta đến gõ cửa để nộp quỹ an ninh quốc phòng thì không đóng. Sao lúc đó không vận dụng câu “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” để tiên phong đóng tiền, thực hiện nghĩa vụ công dân.
Hoặc ví dụ như tôi thấy các chiến sĩ chống dịch Covid – 19 ở đồn biên phòng cực nhọc quá, tôi vận động đóng góp để xây một lán trại cho anh em nghỉ ngơi, thì những người đã từng đính kèm phong bì cho mình hoặc hết sức năn nỉ mình đi dự ăn những bữa tiệc sang trọng ở nhà hàng không bao giờ thấy xuất hiện trong danh sách đóng tiền hỗ trợ một ai cái gì.
Từ đó mình mới thấy cái tư duy này là tư duy thực dụng và gắn liền với những con người ích kỷ, chỉ biết lợi ích bản thân mình cùng với tính hênh hoang, thích khoe khoang thành tích, không nhận thức đúng về luật pháp. Khi nhận thức đúng về luật pháp sao không khoe khoang mà làm sai lại khoe khoang?, nên tôi thấy Mỹ Hương đề cập vấn đề này phổ biến trong xã hội là mình thấy có.
Thứ hai do bản thân chúng ta không ngăn chặn nó, để mặc kệ nên nó lây lan một cách tự giác hoặc tự phát. Và muốn nó không như vậy thì mình phải điều chỉnh, từ chỗ nào, mình điều chỉnh chỗ đó.
*VOH: Ông Bùi Minh Phương có đồng tình hay chia sẻ gì thêm?. Thực tế khi giải quyết công việc tại cơ sở, bản thân ông có gặp những tình huống tương tự không?
- Ông Bùi Minh Phương: Tôi nhất trí cao với những chia sẻ của Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang. Về góc độ địa phương, tôi xin chia sẻ một số thông tin, theo tôi, biểu hiện nổi bật của “tham nhũng” chính là “văn hóa phong bì” (tôi xin phép tạm gọi như thế) và việc này đã len vào những ngõ ngách của cuộc sống. Với tư duy “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, người ta lặng lẽ công nhận thứ văn hóa này. Thậm chí với nhiều người nó là biểu hiện của ứng xử khôn ngoan.
Thực tế khi giải quyết công việc tại cơ sở, tôi chưa gặp tình huống tương tự. Tuy nhiên, tôi cũng nghe nhiều người (trong đó có đồng nghiệp, người thân, bạn bè,…) đề cập tới vấn đề này. Cán bộ, công chức tại UBND quận Bình Tân chắc chắn cũng biết rõ tình trạng này. Tuy nhiên, việc biết và ủng hộ, đồng tình, tiếp tay là những khía cạnh khác nhau.
Do đó, tăng cường công tác tuyên truyền liên quan đến nội dung phòng, chống tham nhũng vặt sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân là thật sự cần thiết, nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân đối với hành vi đưa – nhận phong bì, để mỗi người dân đều thấy được tư tưởng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” là không cần thiết vì việc giải quyết Thủ tục hành chính theo quy định pháp luật là trách nhiệm của cán bộ, công chức.
*VOH: Từ những phân tích, nhận định của các chuyên gia giúp chúng ta dễ dàng nhận ra “tham nhũng vặt” thường gắn với việc cung cấp các dịch vụ công phổ biến như: giáo dục, y tế, thủ tục hành chính…, những dịch vụ này tác động trực tiếp và đáng kể đến chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt là những người nghèo vì các khoản hối lộ thường chiếm tỷ trọng cao trong thu nhập của họ. Nhưng vì sao nhiều người vẫn duy trì “thói quen” này?. Chuyên gia Tâm lý Lê Thị Linh Trang có thể lý giải một chút không?
- Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang: Nói đến các lĩnh vực cơ bản, đó là liên quan đến y tế, giáo dục, thủ tục hành chính... đây là nhu cầu bức thiết nhất của con người trong cuộc sống. Con cái phải cho đi học, bệnh phải đi bệnh viện – không có tiền cũng phải đi bệnh viện.
Rồi thủ tục hành chính để giải quyết vấn đề mưu sinh của họ trong cuộc sống, không có nghĩa là chỉ có ba lĩnh vực này mới có tham nhũng vặt là không phải, như mà vì nó rộ lên, nó có nhiều hiện tượng, sự kiện để mình kể đến là do nó gắn với nhu cầu bức thiết của con người. Và hơn những nhu cầu này thì cấp độ của tham nhũng sẽ tăng lên thành các đại án tham nhũng mà mình biết và những nhân vật của đại án tham nhũng không chỉ vì cơm áo gạo tiền nữa rồi, không chỉ để giải quyết chuyện con mình có còn được đi học nữa hay không, mà là khối tài sản khổng lồ của ai đó được giải ngân, được ưu tiên một dự án nào đó và người tham nhũng cũng đứng ở một cấp độ khác cao hơn. Điều nay ra khỏi tư duy của quần chúng thông thường nên người ta ít để ý tới.
Mình mới nói là tại sao người ta duy trì thói quen này? – Vì để duy trì cuộc sống nên người ta duy trì thói quen. Nếu như những hành vi này của họ mà giúp cho họ được thỏa mãn những nhu cầu căn bản để được sống thì tất nhiên họ sẽ thực hiện nó, còn nếu như họ thực hiện hành vi này mà nó tiếp tục gây trở ngại cho cuộc sống của họ, ví dụ họ bị nhắc nhở, họ bị phạt, bị biện pháp chế tài thì không ai dại gì làm như vậy. Vì làm những điều này nó thuận lợi hơn, vì cuộc mưu sinh tất nhiên họ thực hiện nó.
*VOH: Thời gian qua nhờ những nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội, công cuộc phòng, chống tham nhũng đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, một số tài liệu cho thấy thắng lợi đạt được chủ yếu là trong công tác phòng, chống tham nhũng lớn, cụ thể là qua việc phát hiện và đưa ra xét xử nhiều vụ tham nhũng của các quan chức cấp cao. Trong khi, tình trạng tham nhũng vặt vẫn còn phổ biến, thậm chí diễn biến phức tạp gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân.
Một số ý kiến cho rằng vấn nạn này tồn tại dai dẳng 1 phần vì pháp luật Việt Nam hiện hành vẫn còn khe hở để nhiều người lách luật?! Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường suy nghĩ như thế nào về ý kiến này?
- Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường: Khi nãy tôi có trích dẫn một số quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Phòng chống tham nhũng, một số văn bản hướng dẫn và Bộ Luật hình sự. Rõ ràng chúng ta thấy pháp luật của chúng ta rất đầy đủ. Cái mấu chốt ở đây là người thực thi như thế nào?
Lúc nãy chúng ta có đề cập đến những người nghèo là nạn nhân. Tức là họ không có đủ tiền làm hồ sơ A, hồ sơ B đẫn đến việc họ bị phân biệt đối xử. Đó cũng là thực tế đáng tiếc. Nhưng mà dưới góc độ của tôi thì tôi nghĩ rằng để hạn chế tham nhũng, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước thì mình công khai những dịch vụ công. Ví dụ, anh đóng 5 triệu thì hồ sơ của anh sẽ được giải quyết trong 3 ngày, còn anh đóng 1 triệu thì hồ sơ giải quyết trong vòng 15 ngày, nhà nước công khai quy trình với giá tiền này, anh sẽ được giải quyết hồ sơ trong bao lâu. Thì như vậy, những người có tiền sẽ biết rằng muốn hồ sơ nhanh thì tôi sẽ đóng vào ngân sách 5 triệu đồng, còn những người thấy rằng mình không gấp, số tiền đó lớn bằng cả tháng lương thì đóng ít và đợi 15 ngày.
Như vậy, mình vừa hạn chế được tham nhũng vừa tạo nguồn thu cho ngân sách. Ở đây, người thực thi pháp luật như thế nào?. Nếu nói rằng quy trình này phức tâp, khó... thì tại sao anh không hướng dẫn? Chúng ta có thể làm những quy trình hướng dẫn online, bản biểu, hướng dẫn,... khi người dân thấy thuận tiện, dễ dàng, truy cập thông tin đơn giản và dễ hiểu thì mặc nhiên người ta sẽ thực hiện mà không cần tốn kém chi phí.
Một lần nữa tôi khẳng định pháp luật Việt Nam không hề thiếu, thiếu ở đây là đội ngũ thực thi như thế nào và cách vận dụng pháp luật như thế nào ở từng đơn vị.
*VOH: Như những chia sẻ của Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường thì có thể khẳng định pháp luật Việt Nam hiện hành rất đầy đủ, quan trọng là ở người cán bộ khi thực thi. Thưa ông Bùi Minh Phương, tại UBND quận Bình Tân việc thực hiện công tác này diễn ra như thế nào? ông có đề xuất hay kiến nghị gì trong việc giải quyết tình trạng “tham nhũng vặt” hiện nay?
- Ông Bùi Minh Phương: Tôi xin phép chia sẻ một số giải pháp nhằm góp phần hạn chế tình trạng “tham nhũng vặt” đang khá phổ biến hiện nay.
Đối với Chính phủ đã có Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc tại các Bộ, ngành, địa phương.
Giải pháp liên quan đến việc giảm tải các thủ tục, gánh nặng về hành chính: Tiếp tục tăng cường công tác đơn giản hoá các thủ tục hành chính được coi là yếu tố quan trọng trong chiến lược chống Tham nhũng vặt vì chính các thủ tục, quy trình hành chính quan liêu, rườm rà sẽ tạo ra cả động cơ và cơ hội cho hành vi hối lộ. Tăng cường việc liên thông trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm hạn chế các khâu trung gian có thể gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Giải pháp hướng đến đội ngũ cán bộ, công chức:
- Nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập, bảo đảm được mức sống tối thiếu của cán bộ, công chức.
- Xây dựng bộ quy tắc ứng xử đối với công chức có thẩm quyền trong việc cung cấp dịch vụ công.
Giải pháp sử dụng công nghệ thông tin: công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, đồng thời tăng cường giải quyết thủ tục hành chính qua hình thức trực tuyến để giảm các khâu trung gian cũng như người dân tiếp xúc trực tiếp cán bộ công chức.
Và khâu cuối cùng hết sức quan trọng là kịp thời khen thưởng, động viên cá nhân, tổ chức có đóng góp trong công tác phòng, chống tham nhũng để họ mạnh dạn tố cáo hoặc cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.
*VOH: Qua những chia sẻ của ông Bùi Minh Phương, Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang có ý kiến gì không?
- Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang: Tôi thấy chị Thúy Hường và anh Minh Phương đã đưa ra những gợi ý rất xác đáng, cụ thể. Chúng ta có thể thực hiện nó một cách rất rõ ràng. Tuy nhiên, ở góc độ con người, tôi nghĩ rằng là người dân họ nghĩ đến việc làm sao để đạt được mục đích của họ trong công việc. Mấu chốt cuối cùng là ở những người thực hiện nhiệm vụ của mình.
Cũng những con người đó, hệ số lương đó cũng trong môi trường làm việc đó, hàng ngày hàng giờ còn rất nhiều các chiến sĩ, công chức, viên chức – những người được giao nhiệm vụ trong cơ quan nhà nước, ơ các lĩnh vực từ y tế, giáo dục cho tới quản lý nhà nước thì họ vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ của họ và hỗ trợ người dân rất tốt.
Như vậy, nếu chúng ta đổ thừa do công việc quá cực hoặc do chế độ chính sách chưa phù hợp là tôi thấy không thỏa đáng. Mà ta phải xem lại bản thân mình, việc thực thi chức trách của mình có đúng quy định hay chưa?.
Bởi vì hàng năm chúng ta đều có đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hay không, thậm chí ở TPHCM thì UBND Thành phố còn có chế độ chia thu nhập tăng thêm từ Nghị quyết 03. Rõ ràng anh, chị nào cũng có những lợi ích nhất định của mình nên mình phải làm tròn trách nhiệm đó.
Khi người ta đưa phong bì, hãy nói với họ tôi đi làm ở đây tôi được trả lương, còn nếu các anh, chị thấy điều kiện làm việc không thỏa đáng thì ta có lựa chọn khác. Đó là mình nghỉ việc, mình rời khỏi vị trí đó. Và tôi đoán chắc chắn có nhiều người ở bên ngoài họ cũng mong đợi được vào vị trí đó để làm. Và vào không phải để được tham nhũng vặt mà vào vì sự cống hiến, vì công việc có thu nhập chính đáng, có thể chưa ở mức độ cao nên tôi nghĩ bản thân những người mà chúng ta đang có vai trò, vị trí thực thi công vụ tự mình phải xem xét lại bản thân mình, hàng ngày, hàng giờ phải rèn luyện bản thân mình, phải nỗ lực, ý chí để vượt qua, còn tất nhiên vật chất có tính cám dỗ nhưng chúng ta không thể đổ thừa tại người ta đưa thì tôi lấy.
Tôi nghĩ không chỉ kêu gọi lương tâm mà phải phát huy triệt để những đề xuất mà luật sư Thúy Hường và anh Phương đề nghị để mình triển khai đồng bộ cho mọi lĩnh vực, mọi đối tượng.
*VOH: Cảm ơn những chia sẻ của Tiến sĩ Linh Trang và các vị khách mời đã tham gia buổi tọa đàm.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ nhận định: nhìn chung “tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế”.
Chính phủ khẳng định công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục duy trì, đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước. Những con số đáng chú ý có thể kể đến đó là:
- Toàn ngành thanh tra đã triển khai gần 6.900 cuộc thanh tra hành chính và hơn 210.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 119.500 tỉ đồng, hơn 9.000 ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 44.500 tỉ đồng và trên 1.400 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính hơn 2.650 tập thể và nhiều cá nhân…. - TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo, đã xét xử sơ thẩm 269 vụ/645 bị cáo phạm các tội tham nhũng. Trong đó có tám bị cáo bị tuyên phạt tù chung thân hoặc tử hình; xét xử phúc thẩm 158 vụ, 326 bị cáo.
- Năm 2020, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng đối với hơn 17.900 cán bộ, công chức, viên chức (tăng hơn 50% so với năm 2019).
Tại TPHCM, vừa qua, UBND Thành phố đã yêu cầu các sở, ban, ngành TP và UBND các quận, huyện thường xuyên phổ biến, tuyên truyền, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Trong đó, xử lý nghiêm các cán bộ, nhân viên sai phạm, có hành vi “tham nhũng vặt”, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Chủ động rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, “tham nhũng vặt” và có giải pháp phòng, chống phù hợp.
Cùng với những chia sẻ rất xác đáng của các vị khách mời: Tiến sĩ Tâm lý học Lê Thị Linh Trang; Ts, Ls Nguyễn Thị Thúy Hường và ông Bùi Minh Phương – Chánh Thanh tra quận Bình Tân hi vọng đã giúp quý vị hiểu rõ hơn thực trạng, giải pháp cũng như những quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành liên quan đến “tham nhũng vặt”. Từ đó, chung tay xóa bỏ vấn nạn này.