Chờ...

Thực trạng, hậu quả của nạn tham nhũng vặt

(VOH) - Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng.

Theo giải thích từ ngữ tại Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng thì Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Chúng ta cũng đã thấy có không ít các vụ tham nhũng khi bị phanh phui, nhiều người không khỏi giật mình về những khoản tiền khổng lồ mà các đối tượng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, gợi ý, vòi vĩnh hoặc được người khác tự nguyện đưa hối lộ để tạo điều kiện cho họ trong các dự án kinh tế, đem lại lợi ích cục bộ nhưng lại tác động tiêu cực đến kinh tế chung của đất nước.

Trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700 nghìn tỷ đồng, hơn 20 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14 nghìn tập thể, nhiều cá nhân.

Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo.

Những con số trên cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong những năm qua được thực hiện quyết liệt, không có vùng cấm, số tài sản thu hồi cho nhà nước là vô cùng lớn. Nhưng đó là nói về những vụ án tham nhũng lớn, có thể phát hiện qua công tác kiểm toán, thanh tra.

Nghe nội dung Phần 1 Tọa đàm "Xóa bỏ tham nhũng vặt, cần nỗ lực từ nhiều phía"

Còn nói về tham nhũng vặt thì có thể thấy ở nước ta hiện nay vẫn tồn tại tình trạng khi giải quyết công việc liên quan đến thủ tục hành chính cho người dân thì tỏ thái độ không nhiệt tình, không hòa nhã, hướng dẫn không cụ thể rõ ràng…để người dân tự khắc tự biết phải làm gì để việc mình được êm xuôi. Hoặc trong công tác thực thi pháp luật, có sự thông đồng giữa người vi phạm và người thực thi công vụ để rút ruột ngân sách nhà nước khi hai bên cùng có lợi. Giá trị vật chất mà những cán bộ thực thi công vụ này đạt được trong mỗi vụ việc là không quá lớn, nên chúng ta gọi đó là tham nhũng vặt. Những vụ án tham nhũng vặt này, nhiều người vẫn cho rằng đó là những sự việc vặt vãnh, không đáng kể, không có tác hại gì nhiều. Nhưng thực chất thì có phải là như vậy hay không?

Để làm rõ hơn về thực trạng, nguyên nhân, hệ quả của tham nhũng vặt cùng những giải pháp để loại bỏ vấn nạn này, chúng tôi thực hiện tọa đàm “Xóa bỏ tham nhũng vặt, cần nỗ lực từ nhiều phía”.

Tham gia tọa đàm có các vị khách mời:

- Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang – Học viện cán bộ thành phố Hồ Chí Minh.

- Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường – Trưởng ban phổ biến giáo dục pháp luật Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh.

- Ông Bùi Minh Phương – Chánh Thanh tra quận Bình Tân.

Thực trạng, hậu quả của nạn tham nhũng vặt 1
Các vị khách mời tham dự tọa đàm “Xóa bỏ tham nhũng vặt, cần nỗ lực từ nhiều phía” do VOH thực hiện.

Ý kiến của một số người dân cho biết về vấn đề tham nhũng vặt mà họ từng đối diện trong cuộc sống:

"Đang chạy trên đường thì thổi mình vô, hỏi có chuyện gì thì kêu cho kiểm tra giấy tờ rồi nói chị lấn làn, mà chị không biết mình có lấn làn hay không, rồi kêu lập biên bản. Chị mới hỏi là lập biên bản rồi đóng phạt ở đâu, nói là về phường đóng. Chị mới nghĩ không lẽ mình về nhà rồi lại lên phường lấy giấy tờ, mới hỏi có phạt tại chỗ không, họ mới nói đóng phạt tại chỗ thì 200.000 đồng, nói thẳng vậy luôn. Chị mới hỏi: vậy tôi đưa anh 200.000 đồng rồi tôi đi được không, họ “ok”. Mình không biết mình có phải vi phạm gì không, họ kêu 200.000 đồng thấy cũng không đáng nên đưa luôn".

"Hành thì người ta không hành, người ta nói chuyện với mình bình thường, nhưng mà cứ nói anh thiếu cái này cái  kia, phải bổ sung cái này cái kia rồi bắt đầu mình phải chạy đi chỗ này chỗ kia, rồi nói sếp đi rồi chưa ký được, phải đợi, cứ bắt mình chạy vậy đó".

"Mình nộp hồ sơ vô bình thường, không quen biết ai hết, vẫn bốc số ngồi chờ. Còn có những người đến sau mình không hiểu vì lý do gì, họ đưa hồ sơ rồi một hai câu nói rồi họ lại vào trước mình, từ đó mình hiểu là chắc có gì đó phát sinh".

"Đi mổ cái chân, đáng lẽ đợi 3-4 ngày đợi lên lịch nhưng cho 500.000 hay 1 triệu đồng là kêu mổ liền luôn. Bồi dưỡng cho xong là ca này xong là tới anh vô".

"Ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng có, trong giáo dục thì con cái đi học, để mà được vào trường tốt thì cũng phải chạy trường, đầy nhan nhản cả. Một xã hội mà người ta luôn “chạy”".

*VOH: Từ phản ánh trên của người dân thì có lẽ chúng ta cũng thấy rằng tham nhũng vặt không ở đâu xa, mà tồn tại hằng ngày trong đời sống xã hội của chúng ta, nó diễn ra quá phổ biến, công khai đến mức đôi khi người trong cuộc không nghĩ rằng đó là hành vi tham nhũng. Theo ý kiến các chuyên gia thì thực trạng tham nhũng vặt như trên diễn ra ở nước ta hiện nay có thực sự đáng lo ngại hay không ạ?  

- Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang: Tôi thấy là sự quan ngại thì đã có rất nhiều phát biểu, không chỉ là phía người dân mà từ phía lãnh đạo, mà là lãnh đạo cấp cao. Tổng Bí thư cũng đã từng dùng từ “bôi trơn”. Bất cứ làm cái gì cũng bôi trơn. Tôi cũng nhận ra rằng việc người ta đưa tiền để được việc của mình thì nó cũng phản ánh tâm lý rằng lợi ích cá nhân được đặt lên hàng đầu. Chính người dân cũng thừa nhận trong các phát biểu vừa rồi. Họ không  muốn đến cơ quan nhà nước để đóng tiền phạt. Họ muốn được ưu tiên vào trước. Như vậy xuất phát điểm là từ những người mà bản thân họ muốn chi tiền. Nãy cũng có ý kiến một người dân nói là “thì họ cũng đâu làm khó gì mình đâu”, tại vì tự mình trước thôi. Tôi thấy nhiều người dân khi cảnh sát giao thông thổi vào thì ngay lập tức là hỏi hết bao nhiêu tiền mà chưa cần biết mình có vi phạm gì hay không. Như vậy rõ ràng có tâm lý là người ta không sợ luật pháp, không chấp hành luật pháp mà người ta sợ người thực thi công vụ. Tại sao sợ người thực thi công vụ. Bởi vì họ sợ bị phạt, sợ bị xâm phạm đến lợi ích cá nhân của họ. Người ta không nghĩ đến cộng đồng khi người ta vi phạm gì đó. Về ý thức xã hội nói thẳng là còn thấp. Điều này không chỉ từ người đưa hối lộ không, mà từ phía người nhận nữa. Những người mà gọi là “tham nhũng vặt”, một là nhận một cách bình thường, hai là khi người ta không đưa thì gợi ý. Điều này là do gì? Là do mình cũng đặt lợi ích của mình lên trên. Cái này hai bên đều phải có trách nhiệm.

Tôi là giảng viên, kể cả đi học, các anh chị đi nộp bài vẫn phải đính kèm phong bì ở trong bài tiểu luận của mình. Người đặt bao thư đó có ý đồ không? Có. Nếu tôi không hiểu thì họ sẽ nói rằng: dạ, quà em tặng cô, và đính kèm là câu nói “cô xem dùm em, em muốn kết quả cao”. Giả sử tôi có nhận thức đúng đắn tôi thấy chuyện đó không đúng thì tôi trả lại cho họ. Nhưng nếu như đúng vào tôi giở ra tôi thấy phong bì, và đúng ngày chị tôi nhắn là “Trang ơi má nhập viện”, hay con tôi nhắn là “má ơi đóng tiền học”, thì tôi cầm phong bì đó tôi sẽ làm gì? Cho nên chỉ cần một lúc chúng ta không có nhận thức đúng đắn về việc công vụ của mình, người ta giao cho mình một công việc và có trả lương, và mình phải có trách nhiệm làm việc đó không cần ai phải đưa gì hết. Và chỉ cần một ngày một phút nào đó mình tạm ngưng suy nghĩ đó, cộng với tác động từ bên ngoài thì mình nhận, nhận lần đầu thì có thể còn đấu tranh tư tưởng, nhưng nhận một, hai, ba lần thì thành quen. Và khi quen rồi thì một ngày nào đó, chỉ đưa bài mà không đính kèm cái gì, thì tôi lật tới lật lui,tôi hỏi “chỉ có vậy thôi hả”, rồi tôi bảo “thôi về làm bài lại đi”. Chính người đưa đã tạo nếp nghĩ, tập quán trong đầu, cộng với sự nhận thức kém của người thực thi công vụ, hai yếu tố đó phối hợp với nhau thì chuyện này sẽ còn dài.

*VOH: Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường thấy như thế nào về những vấn đề đã được đặt ra qua chia sẻ của Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang?

- Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường: Tôi hoàn toàn đồng ý với những gì Tiến sĩ Linh Trang chia sẻ. Điều nguy hiểm ở đây là sự bình thường của những điều bất bình thường. Có những điều mới đầu chúng ta thấy nó là điều bất bình thường, nhưng mà lâu dần trở thành điều bình thường. Như Tiến sĩ Linh Trang có chia sẻ, ví dụ khi có người đưa bao thư, mới nhận lần đầu thì người nhận có thể còn đấu tranh tư tưởng, nhưng lần sau thì thấy bình thường, lần sau nữa, người không đưa trở nên lạc loài, không giống như những người khác. Nên điều bình thường trở thành bất bình thường và bất bình thường trở thành bình thường, đó là điều chúng ta lo ngại. Chúng ta cũng thấy rõ hành vi tham nhũng là vi phạm pháp luật, giá trị nhỏ mà mọi người gọi là tham nhũng vặt thì cũng có những biện pháp chế tài. Nhưng điều tôi quan ngại ở đây là, nếu như lãnh đạo không có biện pháp giám sát chặt chẽ đội ngũ cán bộ công chức viên chức đang làm việc, dẫn đến lâu dần tham nhũng vặt trở thành thói quen, và tôi thấy rằng lâu nay ở Việt Nam, văn hó sử dụng tiền mặt rất nhiều và chính vì sử dụng tiền mặt nên tiện là người ta đưa luôn, trường hợp như Tiến sĩ Linh Trang có chia sẻ đó là “họ đưa tiền để cho xong việc”.

*VOH: Thưa ông Bùi Minh Phương, với cương vị công tác của ông là Chánh Thanh tra quận Bình Tân thì ông nhận thấy thế nào về chia sẻ của hai vị tiến sĩ vừa rồi?

- Ông Bùi Minh Phương: Tôi hoàn toàn thống nhất với chia sẻ của hai Tiến sĩ Linh Trang và Thúy Hường. Hiện nay thì tham nhũng vặt đang diễn ra khắp nơi, thậm chí nhiều đến mức thấy quen mắt. Tham nhũng vặt đã tồn tại ở cấp cơ sở, nếu xét dưới góc độ lãnh thổ hành chính, các cơ quan ban ngành ở hệ thống chính trị cấp quận huyện, tập trung ở những cá nhân trực tiếp quan hệ công việc với nhân dân. Tham nhũng vặt biểu hiện phổ biến nhất ở hành vi của cá nhân nhưng có sự ngầm đồng ý, cho phép của người lãnh đạo trực tiếp, thông qua việc gây khó dễ cho công dân khi làm việc để gửi bồi dưỡng cho các công việc nó thuận lợi hơn, hoặc đề ra những khoản phí, các khoản phạt trái với quy định của pháp luật, thì theo thôi, nếu tái diễn như vậy, dần dần chúng ta sẽ chấp nhận tham nhũng vặt và hậu quả là thế hệ sau lớn lên cũng coi nạn tham nhũng, hối lộ vặt đó là đương nhiên. Điều này là rất nguy hiểm.

Vâng, thực trạng tham nhũng vặt ở nước ta đã và đang tồn tại trong nhiều lĩnh vực đời sống. Nhiều người vẫn có tâm lý cho rằng “tiền lưng đã sẵn thì việc gì cũng xong”. Có một thực tế là khi chúng tôi đặt vấn đề với những người trong cuộc để nhìn thẳng vào nạn tham nhũng vặt, thì không phải ai cũng mạnh dạn, sẵn lòng bày tỏ quan điểm. Rõ ràng, mọi người vẫn biết đó là một việc làm sai, trái với pháp luật, nhưng vì lý do nào đó, họ vẫn tự nguyện đưa tiền cho cán bộ viên chức thực thi công vụ, để mua lấy sự thuận lợi cho mình.

Sau đây là những ý kiến thừa nhận chính những người dân:

"Cái đó là do người dân của mình thôi chứ người ta về giấy tờ, luật lệ người ta làm không sai, nhưng mà mình thấy người ta làm rồi mình bồi dưỡng, người dân của mình ai cũng muốn làm lẹ hết, thành ra thành thói quen".

"Muốn cho nhanh lẹ, không mất thời gian thì phải bỏ tiền ra. Cán bộ không bao giờ người ta đòi hỏi, nhưng mình cũng nhìn theo cử chỉ. Mình đi làm giấy tờ thì họ nói ví dụ “ôi cái này nó cũng hơi khó khăn. Có những giấy tờ mình không biết được thì mình nói “thôi cố gắng giúp chị, có gì chị gửi tiền cà phê cho”, là xong”".

"Hôm đó, em lên làm hộ khẩu tạm trú, trước khi lên làm thì chị ấy nói là em gặp riêng chị ấy nộp hồ sơ, em nghĩ là chắc chị ấy muốn gì đó nên em mới để phong bì 200.000 đồng vô hồ sơ. Khi mà chị nhận hồ sơ, lúc đầu chị ấy thấy rồi bỏ ra, nhưng sau đó em vẫn để. Cái này thì mình cũng khó nói, vì bản thân mình đã làm như vậy".

"Quy trình quá rắc rối, người ta mong muốn nhanh hơn thì người ta đưa. Đưa thì mình hay nói tại người dân nhưng nếu người cán bộ thực sự liêm khiết thì ai nhận. Khi đi bệnh viện, người đẩy mình, mình phải đưa tiền nếu không bị đẩy mạnh. Thậm chí trong cuộc sống bình thường, không phải thực thi công cụ cũng có tình trạng này rồi".

*VOH: Qua ý kiến chia sẻ của các vị thính giả vừa rồi, chúng ta thấy rằng, một nguyên nhân đáng quan ngại khiến nạn tham nhũng vặt tồn tại, đó là đến từ sự tự nguyện của người dân. Về vấn đề  này chúng tôi muốn nghe chia sẻ của Tiến sĩ Tâm lý Lê Thị Linh Trang, vì sao nhiều người dân lại tự nguyện tự đưa tiền cho cán bộ ngay cả khi không bị gợi ý, vòi vĩnh? Phải chăng việc này đã trở thành nếp nghĩ của nhiều người dân là “tiền lưng đã sẵn việc gì cũng xong”, hay là ai cũng làm như vậy thì tôi cũng làm như vậy, nếu tôi làm khác thì tôi trở thành người dị biệt”?

- Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang: Việc này là do tư duy khôn vặt của người Việt mình. Có trường hợp Cảnh sát giao thông thổi vào, lật đật móc 200.000 đồng ra đưa, đi ngay. Về bước vô cuộc nhậu kể huyeenh hoang “tôi đưa nó 200.000 đồng là đi ngay”, mọi người tra Google thì mới biết hành vi đó chỉ bị phạt 100.000 đồng… Cho nên có tư duy là làm được gì mà qua mặt được người khác cảm thấy hãnh diện rồi đi kể, rồi mọi người khen “sao khôn quá, hay quá vậy”, ngược lại người làm đúng, làm tốt người ta lại không kể, là do như chị Thúy Hường có nói, ví dụ như khi Cảnh sát giao thông thổi vào lập biên bản, “ừ cán bộ cứ lập biên bản rồi tôi sẽ đi đóng phạt”. Khi mình kể ra thì có khi đám đông lại chế giễu là “bị cái gì mà như vậy”. Rồi những người làm đúng, từ từ người ta sẽ không kể.

Ở đây có các chuyên gia, chắc là mình phải nói nhiều về vấn đề giáo dục luật pháp cho toàn dân. Chị Thúy Hường có nói, có những chuyện bất thường trở thành bình thường, rồi có những chuyện đúng, chân lý, lẽ phải càng ngày càng hiếm, thành điều bất thường, nên tôi nghĩ là chúng ta tự bản thân mình phải có nhận thức đúng đắn về việc này. Tôi rất tâm đắc câu phát biểu của anh Bùi Minh Phương rất thẳng thắn là: “ trong các đơn vị mà có người tham nhũng vặt, là có sự tạo điều kiện của lãnh đạo ở đó. Có những đơn vị y tế nhà nước, trong các bài giao tiếp ứng xử, tôi đặt tình huống “nếu người nhà dấm dúi nhét phong bì vào túi của nhân viên y tế thì chúng ta nên làm gì”. Có quy định của ngành Y tế là không được nhận phong bì, thế nhưng giữa lớp học đông người, người nhân viên y tế đó là học viên đứng lên hồn nhiên trả lời “dạ thưa cô, nếu bệnh nhân nhét phong bì cho mình thì mình phải biết nói cám ơn”. Có nghĩa rằng họ nhận thức chuyện đó là bình thường.

Vâng, những phân tích của Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang dưới góc độ tâm lý và thực tế thì chúng tôi rất tâm đắc là vấn đề nhận thức pháp luật không được thực thi tốt. Và như vấn đề mà chúng ta đang đề cập đó là tham nhũng vặt, vì những vụ việc nhỏ lẻ, vặt vãnh nên nhiều người xem đó là chuyện bình thường. Khi mà chúng tôi đề cập đến vấn đề tham nhũng vặt và lấy ý kiến của người dân thì nhiều người cũng cho rằng đó là chuyện thường ngày ở xã hội nước ta. Nhưng chuyện nhỏ mà gây hậu quả lớn thì là vấn đề rất đáng lo ngại mà người ta thường hay nói là “lỗ nhỏ đắm thuyền”. Sau đây thì chúng ta cùng nghe ý kiến của một số người dân nói về tham nhũng vặt là điều bình thường hay bất bình thường ạ?

"Thấy cũng bình thường, mình nghĩ cái này cũng không đáng, tham nhũng gì nhiều thì mới đáng nói, còn vấn đề này vụn vặt quá, một vài trăm ngàn thì cũng đâu có đáng với người dân".

"Mình thấy là bất thường lắm, nhưng tại vì người dân không nắm rõ luật nên dễ bị họ bắt chẹt. Nhiều khi đi làm giấy tờ nhưng không biết được những mức phí, hay là các mức bị phạt như thế nào. Bây giờ mình nghĩ nó là vặt vãnh nhưng nế quen rồi là hành vi không tốt".

"Đó không phải là bình thường đâu, tại vì bình thường không có ai cho không ai một vài trăm ngàn hay và ba triệu. Nó sẽ gây ảnh hưởng là làm mất đi sự công bằng giữa người bỏ tiền ra, người giàu với nghèo, sẽ không còn công bằng, công khai nữa".

"Điều này tạo ra bức tranh xã hội mà đi đâu làm gì cũng nghĩ đến tiền, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Bản thân mình đôi khi trong cuộc sống mình cũng thỏa hiệp với những cái chuyện như vậy. Rồi từ trong giáo dục, con mình lớn lên nó được thụ hưởng bởi những cái nền giáo dục như vậy, cách ứng xử như vậy, thì khi đi ra cuộc sống nó tiếp tục ứng xử theo hướng như vậy".

*VOH: Qua ý kiến của những người trong cuộc như trên thì chúng ta thấy có những người cho rằng tham nhũng vặt là bình thường, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng nó không phải là điều bình thường. Thưa ông Bùi Minh Phương, Chánh Thanh tra quận Bình Tân, từ thực tiễn công tác thì theo ông những hành vi tham nhũng vặt như vậy có tác động tiêu cực như thế nào cho bộ máy quản lý nhà nước ạ?

- Ông Bùi Minh Phương: Theo tôi trong khu vực công, tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng đều là những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Tham  nhũng vặt không những gây ra những hậu quả lớn ngay lập tức về mặt kinh tế xã hội, chính trị mà còn tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, làm suy giảm niềm tin của người dân vào nhà nước cũng như hệ thống pháp luật quốc gia. Tham nhũng vặt là tham nhũng ở quy mô nhỏ, liên quan đến hành vi lạm dụng quyền lực của cán bộ công chức, tuy nhiên với tần suất thường xuyên, hậu quả về tài chính, xã hội cũng đáng kể, cụ thể tham nhũng vặt làm suy giảm chất lượng của môi trường pháp lý, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Tham nhũng vặt còn có tác động tiêu cực, lâu dài đến hiệu quả quản trị của nhà nước và tinh thần tuân thủ pháp luật, vì tạo ra động lực cho cán bộ công chức tạo ra các quy định hạn chế và các thủ tục quan lieu rườm rà để nhận hối lộ từ người dân và doanh nghiệp. Tham nhũng vặt sẽ tạo ra vòng lẩn quẩn khi người dân và doanh nghiệp đưa hối lộ để được giảm thiểu các thủ tục hành chính, trong khi các cán bộ công chức cố làm cho những thủ tục đó phức tạp, rườm rà thêm.

*VOH: húng tôi cho rằng nguy hại rất lớn là làm cho người dân mất lòng tin vào bộ máy quản lý nhà nước nếu những chuyện tham nhũng vặt cứ diễn ra thường xuyên lâu dài như vậy. Sau đây thì chúng tôi muốn trao đổi với Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường. Theo như chúng tôi nhận thấy, vấn đề tham nhũng vặt nếu không được xóa bỏ thì sẽ làm giảm hiệu lực của công tác thực thi pháp luật, ngân sách nhà nước bị thất thu, tiền đáng lẽ vô ngân sách nhà nước thì lại vào túi riêng của cán bộ thực thi công vụ. Tiến sĩ Thúy Hường có thể chia sẻ thêm về những tác hại đối với nền hành pháp sẽ như thế nào nếu tham nhũng vặt tiếp tục tràn lan phổ biến như thực tế chúng ta thấy hiện nay?

- Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường: Vừa rồi anh Bùi Minh Phương đã chia sẻ suy nghĩ của anh về tác hại của tham nhũng vặt đối với đất nước của mình như thế nào, tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của anh Phương.Tôi cũng thấy rằng nếu chúng ta thỏa hiệp với tham nhũng vặt, chấp nhận sự tồn tại, sống chung với tham nhũng vặt thì có nghĩa là chúng ta chấp nhận sống chung với cái xấu, và lâu dần thì hình ảnh quốc gia của mình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong những chuyến mà tôi được đi học tập ở nước ngoài, một số nước trong đó có nước New ZeaLand. Lúc tôi học thì điều đầu tiên là các chuyên gia họ đứng lên và tự hào nói rằng đất nước của tôi không có tham nhũng, họ nói một cách tự hào và hãnh diện. Và do vậy,họ nói là nếu như các bạn và các anh chị mà muốn đầu tư, cứ mạnh dạn đầu tư vào đây đi, chúng tôi không có tham nhũng đâu. Họ nói với một niềm tin và sự tự hào về đất nước của họ, lúc đấy mình nhìn họ với ánh mắt vô cùng ngưỡng mộ, bởi vì họ có điểm quá sáng là không hề có tham nhũng dù là tham nhũng nhỏ nhất. Và họ còn kể câu chuyện về quy định trong đơn vị của họ là không được nhận món quà trên 100 USD, chỉ tương đương với 100.000 của Việt Nam. Nếu ai nhận quà trên 100 USD thì phải giải trình.

Có một lần có một vị nhận món quà là cây viết trị giá mấy trăm USD và phải trả lại vì vi phạm quy định tại đơn vị của họ. Họ làm rất là chặt chẽ. Vì vậy tôi cho rằng ảnh hưởng của tham nhũng vặt đối với đất nước mình là nó còn làm thất thu, ngoài cái nguồn thu từ chính người dân vi phạm nộp tiền phạt, còn thất thu từ các nhà đầu tư tiềm năng. Nếu người ta thấy tham nhũng tràn lan thì sẽ ngần ngại, e dè không mạnh dạn đầu tư. Và cái tác hại rất rõ là ảnh hưởng đến tính uy nghiêm và nghiêm minh của pháp luật. trong khi pháp luật nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tức là yếu tố pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng mà người dân thì thỏa hiệp với cái sai, và cán bộ công chức một số người chấp nhận sống chung với cái điều trái, thậm chí là vòi vĩnh để thu vén cho cá nhân và cho gia đình của mình, như vậy là tính nghiêm minh của pháp luật không còn nữa. Lâu dần người dân sẽ thấy rằng vi phạm pháp luật là bình thường, cứ dùng tiền là xong, và nó ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước. Tóm lại tham nhũng vặt làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, thất thoát ngân sách, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh, uy lực của pháp luật mà chúng ta cần phải giữ gìn.

*VOH: Xin cám ơn chia sẻ của Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, vấn đề này chúng tôi cũng muốn nghe chia sẻ thêm từ các chuyên gia về người bị thiệt hại trong các vụ tham nhũng vặt, phải chăng chỉ có những thiệt hại về vật chất có thể đo đếm được như ngân sách nhà nước bị thất thu hay còn có những thiệt hại về giá trị phi vật chất đáng lo ngại hơn. Đó là khi tham nhũng vặt tràn lan sẽ gây xói mòn lòng tin của người dân vào các cơ quan nhà nước. Về vấn đề này, trước tiên chúng tôi muốn nghe ý kiến chia sẻ của Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang, theo TS thì giữa thiệt hại về vật chất và thiệt hại về giá trị phi vật chất do tham nhũng vặt gây ra thì vấn đề nào đáng ngại hơn ạ?

- Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang: Tôi thấy ở góc độ ngân sách thì nhà nước phải có nguồn thu ngân sách để đảm bảo mọi mặt cho an ninh chính trị, văn hóa giáo dục y tế… Một mặt chúng ta đòi nhà nước là phải có những chính sách đáp ứng phục vụ người dân tốt nhất. Nhưng mà một mặt người dân mình lại làm giảm thiểu nguồn thu vô của ngân sách. Bằng chứng tôi từng nghe một chị nghệ sĩ kể “kinh nghiệm” của chị là làm sao để nộp thuế ít nhất khi thu nhập của chị khoảng 1,5 tỷ đồng. Với mức đó, tính lũy tiến thì chị ấy phải đóng khoảng 200 triệu tiền thuế, nhưng chị đã giao dịch được với một nhân viên về thuế, một công chức,để người này hướng dẫn cho chị cách, và chị chi cho người đó 10 triệu, còn chị chỉ phải đóng thuế 4 triệu. Những người đồng nghiệp của chị nghệ sĩ đó ngay lập tức xin số điện thoại của anh công chức thuế đó. Thực sự tôi thấy vậy tôi cũng muốn xin số điện thoại để báo cáo cho lãnh đạo của ảnh biết. Vấn đề ngân sách có quan trọng hơn thì các ý kiến cũng đã khẳng định, nó mang tính quốc gia chứ không phải một con người, nghe thấy những vụ việc như vậy thấy rất xót ruột cho nhà nước. Thứ hai, về các giá trị phi vật chất, cái chữ “niềm tin” lúc nãy anh Bùi Minh Phương có nhắc đến, nghe tưởng đâi mơ hồ, nhưng thấy hiển hiện rất rõ. Ngày xưa những chiến sĩ đi làm cách mạng, trong gian khổ người dân có thể hy sinh tính mạng, gia đình của họ cho những người làm cách mạng mà họ goi bằng những từ rất trìu mến: các anh, các chú, còn khách sáo thì là các đồng chí. Chúng ta đã làm gì, để đến một ngày, khi nhắc đến lực lượng những con người mỗi ngày phục vụ nhân dân, góp phần vào an ninh trật tự, đời sống của người dân, nhắc đến người ta nói “nó”. Đó là biểu hiện của việc suy giảm niềm tin.

Trong niềm tin có 3 mặt: nhận thức, tình cảm, ý chí. Một trong 3 mặt đó thay đổi nghĩa là niềm tin thay đổi. Biểu hiện xưng hô này thấy được tình cảm của người dân đối với công chức viên chức những người thực thi công vụ nó đã giảm sút quá nhiều. Điều này làm ảnh hưởng đến những người là một bộ phận khác cán bộ công chức viên chức rất là tốt nhưng cũng bị quy chung một nhóm. Nghe như vậy thấy rất buồn. Và niềm tin khi nó đã suy giảm thì nó không chỉ ảnh hưởng đến một thế hệ. Mình dạy con mình được không khi nó nhìn ra xã hội nói cha mẹ lạc hậu quá, như vậy sao mà sống được, nhưng mà nó chưa biết là nó đang ở trong một cái ao làng. Ra quốc tế mà cư xử như thế là không tồn tại được như chia sẻ của chị Thúy Hường, người ta phát triển là nhờ người ta minh bạch, không tham nhũng. Mình tư duy khôn vặt thì sống được ở đây, nhưng còn trong nền kinh tế toàn cầu hóa, không nói đâu xa, khi gửi con em đi du học, tại sao qua một nước văn minh hơn là các em mất tự tin. Đi ngang Hải Quan cũng không dám đi hiên ngang để cho dễ bị kêu lại. Tại sao dễ bị kêu lại, tại ánh mắt lấm lét, gương mặt tái xanh, vì như anh Bùi Minh Phương có nói lúc nãy là do không nắm được luật pháp. Người dân mình cũng nói là do không nắm được luật pháp cho nên thấy sợ người mặc bộ đồ công vụ trên người.

Tham nhũng vặt này tràn lan thì nó làm suy đồi đạo đức của con người, biến đúng thành sai, biến sai thành đúng, không còn chân lý, đạo đức trong xã hội nữa. Tâm lý của con người trong xã hội không phải tâm lý 1 cá nhân mà nó là tâm lý cộng đồng. Một xã hội mà không có nền tảng về hệ giá trị đạo đức, con người luôn đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu thì nó đi ngược lại với chuẩn mực chung của nhân loại. Nhân loại dù có phát triển văn minh khoa học kỹ thuật như thế nào, thì càng hiện đại văn minh, tính nhân văn của con người phải càng cao. Tham nhũng vặt làm suy đồi đạo đức nhiều phía, không chỉ người lớn chúng ta hiện giờ, mà còn thế hệ sau, mất hết niềm tin, mất hết sự tự tin khi đi ra ngoài giao lưu với thế giới vì mình không biết là mình có giá trị gì.

*VOH: Chúng tôi muốn được nghe thêm ý kiến của ông Bùi Minh Phương, Chánh Thanh tra quận Bình Tân, là cán bộ công chức khi giải quyết công việc hành chính cho dân, nếu thấy có phong bì, bao thơ kẹp trong hồ sơ thì nên xử lý như thế nào?

- Ông Bùi Minh Phương: Tôi xin khẳng định, là một cán bộ công chức thì anh phải chấp hành quy định của pháp luật, cũng như phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận trách nhiệm mà mình được giao. Một cán bộ công chức khi giải quyết công việc hành chính cho người dân mà nhận được phong bì bao thơ kèm theo trong tập hồ sơ thì phải cương quyết từ chối. Đó cũng là vì dân và vì bản thân mình. Trong tình huống này thì chúng ta cần xác định rõ ý muốn mục đích của việc đưa phong bì là mong muốn hồ sơ được giải quyết nhanh, gọn hơn. Và đương nhiên là chúng ta không được phép nhận. Việc từ chối nhận phong bì cũng là một cách ứng xử quan trọng. Vì nếu chúng ta từ chối thẳng thừng, không giải thích, hoặc tỏ rõ sự khó chịu thì cũng có thể gây hiểu lầm, gây thêm sự lo lắng, hoang mang cho người dân đó. Nếu là tôi trong trường hợp này tôi cũng sẽ nói lời cám ơn trước, rồi sau đó khéo léo gửi trả, cũng như sẽ hướng dẫn tận tình hơn đối với những hồ sơ gặp khó khăn, vướng mắc để cho người dân có sự yên tâm, hợp tác, đồng thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người đó để giải đáp thắc mắc cũng như giải tỏa tâm lý kịp thời, và cũng nhắc nhẹ rằng việc đưa và nhận phong bì như vậy là vi phạm pháp luật.

Rõ ràng, tham nhũng vặt làm thất thu ngân sách nhà nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, tạo nên lề thói xấu cho xã hội. Vấn đề tham nhũng vặt, tưởng là nhỏ nhưng lại gây hại rất lớn cho xã hội. Đã đến lúc cần có những giải pháp để ngăn chặn nạn tham nhũng vặt, đó là những giải pháp gì, chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này trong Phần 2 của tọa đàm "Xóa bỏ tham nhũng vặt, cần nỗ lực từ nhiều phía" với chủ đề "Các giải pháp phòng chống nạn tham nhũng vặt".