Hệ thống bộ máy hành chính của thành phố Thủ Đức đã cơ bản vận hành ổn định từ ngày thành lập cho đến nay. Theo đó, thì mọi công việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp đều thông suốt. Đây là kết quả được Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức báo cáo với Đoàn giám Giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM sáng 10/12.
Sau 11 tháng hoạt động, thành phố Thủ Đức đạt được một số kết quả tích cực như: sắp xếp hoàn thiện bộ máy hành chính từ thành phố đến các phường, dự toán vượt thu ngân sách năm 2021, thành lập Trung tâm Điều hành thông minh, thực hiện có hiệu quả phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội…
Tuy nhiên với một khối lượng công việc rất lớn, địa bàn rộng, dân cư đông, thành phố Thủ Đức cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định. Trong đó, đặc biệt là sự quá tải công việc tại các cơ quan hành chính.
Theo đề án thành lập thành phố Thủ Đức, số biên chế hành chính đến cuối năm 2022 chỉ còn 459 người. Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho rằng, số lượng nhân lực không đủ để đáp ứng nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho các cơ quan, đơn vị của thành phố : “Trong đề án thành lập thành phố Thủ Đức, có phần giảm biên chế, tinh gọn bộ máy. Qua thực tiễn 1 năm, thành phố Thủ Đức có 585 người làm không hết việc. Theo lộ trình nếu giảm nữa thì không biết làm sao làm. Đề xuất giữ nguyên”.
Chủ tịch UBND phường An Khánh Hồ Hải Phong cũng chia sẻ, sau khi sáp nhập phường Bình An và Bình Khánh thành phường An Khánh, khối lượng công việc rất lớn, lực lượng bán chuyên trách lương thấp, không có chế độ nên nhiều người đã nghỉ việc.
Do đó, nếu tiếp tục giảm biên chế sẽ là áp lực lớn cho địa phương. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ với những khăn của thành phố Thủ Đức và phân tích thêm một số điều kiện cần để phát triển.
“Về dân số thì 1,2 triệu, nhưng quy mô kinh tế thì tương đương với 1 tỉnh từ 3 đến 3,5 triệu dân. Như vậy, bộ máy cũng phải tương thích.
Không phải mình đòi biên chế cao một cách phi lý mà có cơ sở để tạo điều kiện bộ máy vận hành tốt, phát huy năng lực kinh tế của một địa phương có năng suất gấp 3 lần cả nước”.
Để thành phố Thủ Đức phát triển, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần đáp ứng "3 đột phá", đó là tính tự chủ cao; Có nhân lực trình độ cao và đột phá trong hạ tầng đô thị, công nghệ 4.0. Ngoài ra, thành phố Thủ Đức cần xây dựng trung tâm khởi nghiệp sáng tạo và trung tâm siêu máy tính lớn nhất cả nước. Cùng với đó, nghiên cứu chính sách khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, hiệu quả cao bằng cách thêm phụ cấp trách nhiệm.
Thành phố Thủ Đức hiện vẫn vận hành như một đơn vị hành chính cấp huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đây là hạn chế lớn nhất khi sáp nhập từ 3 quận.
Do đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng để thành phố Thủ Đức phát huy được tiềm năng xứng đáng với kỳ vọng khi thành lập thì cần một cơ chế riêng.
Từ thực tế này, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Văn Thị Bạch Tuyết lưu ý, thành phố Thủ Đức khi tham mưu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù thì cần nghiên cứu một số chính sách trước đây Quốc hội đã ban hành cho phù hợp với thực tiễn : “Khi chuẩn bị kế hoạch trình Quốc hội về cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức thì cần tham khảo thêm 1 số chính sách trước đây Quốc hội đã ban hành. Nghiên cứu một số chính sách đặc thù về đặc khu kinh tế, khu kinh tế mà trước đây Chính phủ đã trình để có thể đề xuất cho mình”.
Hiện tại, dù thành phố Thủ Đức đã nỗ lực hiện đại hóa hành chính công, ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng về lâu dài nếu tiếp tục vận hành như hiện nay thì rất áp lực. Vì vậy các đại biểu Quốc hội TPHCM đồng tình về việc kiến nghị Quốc hội xem xét, phê duyệt một cơ chế riêng cho thành phố Thủ Đức.