Cần đẩy nhanh tiến độ Chương trình sữa học đường

(VOH) - Đề án Chương trình Sữa học đường được triển khai tại 10 quận huyện vùng ven ngoại thành từ đầu năm học 2019-2020.

Tại buổi khảo sát của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP về tiếp tục thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường trên địa bàn Thành phố vào sáng 24/6, các đại biểu đề xuất cần đẩy nhanh tiến độ đề án Sữa học đường.

sữa học đường

Buổi khảo sát của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP về tiếp tục thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường trên địa bàn Thành phố vào sáng 24/6/2020 

Đề án Chương trình Sữa học đường được triển khai tại 10 quận huyện vùng ven ngoại thành từ đầu năm học 2019-2020. Tuy nhiên, thực tế năm học này chỉ được thực hiện khoảng 5 tháng, do từ đầu tháng 11/2019 mới chính thức triển khai, và đợt nghỉ dịch sau tết làm gián đoạn. Thống kê cho thấy ở học kỳ 1 có hơn 52% số học sinh thuộc đối tượng trẻ mầm non và học sinh lớp 1 tham gia. Sang học kỳ 2, số liệu này giảm khoảng 7% , còn hơn 45% trẻ tham gia uống sữa học đường.

Để việc triển khai sữa học đường được hiệu quả, việc duy trì liên tục kịp thời là rất cần thiết. Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, việc thí điểm nên kéo dài đến học kỳ 1 năm học 2020-2021, thời điểm này tương ứng với Quyết định phê duyệt Chương trình Sữa học đường của Thủ tướng Chính phủ. Trong kỳ họp HĐND TP vào tháng 7 tới đây, sẽ quyết định việc có tiếp tục triển khai đề án. "Trong lúc chờ đợi HĐND có ý kiến những gì có thể chuẩn bị trước thì Trung tâm đấu giá tài sản chuẩn bị, ít nhất từ 90 đến 100 ngày nếu suông sẻ. Nếu triển khai một cách nhanh nhất sau kỳ họp HĐND, có nghị quyết, Trung tâm đấu giá tài sản xúc tiến mọi thứ thì dự kiến đầu tháng 11 các cháu mới có sữa uống. Tức là cũng như năm rồi", Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm.

Theo ông Lê Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, sữa học đường phải đáp ứng được bộ tiêu chuẩn về chất lượng. Để đảm bảo các tiêu chuẩn này Ban An toàn thực phẩm phải tiến hành lấy mẫu. Trong khi đó, trên cả nước cơ sở có khả năng kiểm nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng sữa không nhiều. Ông Lê Minh Hải giải thích: "Giám sát chất lượng là giám sát để xem ảnh hưởng của quá trình vận chuyển và bảo quản có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hay không. Ban Quản lý an toàn thực phẩm cần triển khai đồng bộ lấy mẫu ở các điểm trên thành phố. Như vậy kinh phí sẽ khá lớn và vướng theo duy định đấu thầu. Làm nhanh thì 45 ngày, không thì 60 ngày đối với gói thầu. Theo quy định, có đơn vị trúng thầu, Ban mới bắt đầu thủ tục đấu thầu giám sát chất lượng".

Hiện tại, số lượng sữa cung ứng cho chương trình sữa học đường còn lại trong năm học ước khoảng 8 triệu hộp. Một số đại biểu đề xuất có thể đưa số sữa này triển khai cho những tháng đầu năm học sau, nếu chương trình được tiếp tục.    

Ông Tăng Hữu Phong, Trưởng Ban Văn hoá- Xã hội  HĐND TP khẳng định Chương trình Sữa học đường mang tính nhân văn sâu sắc và nhận được sự đồng cảm cao từ xã hội. Qua khảo sát cho thấy nhiều đơn vị trường học mong muốn việc triển khai chương trình mở rộng theo giai đoạn 5 năm, với đối tượng thụ hưởng trên cả học sinh các lớp tiểu học. Về các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình Sữa học đường, ông Tăng Hữu Phong khẳng định: "Quy định như thế nào để trên cơ sở quy định đó mình làm cho nhanh nhất, đảm bảo được đúng quy định thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Bởi vì mục tiêu của chương trình là nhân văn, phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu xã hội" .

Bình luận