Chờ...

Được đánh giá tốt nhưng vì sao trẻ tham gia uống sữa học đường giảm?

(VOH) - Vấn đề được các đại biểu đặt ra tại buổi giám sát thực hiện Đề án Sữa học đường trên địa bàn huyện Bình Chánh của Ban Văn hoá Xã hội, HĐND TP diễn ra vào sáng 23/6.

Huyện Bình Chánh có hơn 250 trường tiểu học, mầm non và nhóm lớp mẫu giáo độc lập. Triển khai thí điểm Chương trình sữa học đường trên địa bàn ở học kỳ 1 đạt gần 82% số trường, học kỳ 2 giảm chỉ còn chưa đến 38% số trường tham gia. Quá trình triển khai chương trình đến nay không ghi nhận trường hợp trẻ bị dị ứng hay gặp sự cố gì về sữa. Hầu hết các trường đều phản ánh tốt về chất lượng sữa, ý nghĩa, lợi ích chương trình, và mong muốn tiếp tục triển khai. Ông Nguyễn Đình Chiến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Quý Tây 3, đơn vị có khoảng 58% học sinh tham gia cả ở học kỳ 1 và học kỳ 2 cho biết: "Có phụ huynh muốn đăng ký luôn buổi chiều. Tức là sáng uống 1 hộp, chiều 1 hộp. Mong thành phố tiếp tục quan tâm làm sao theo dõi nâng tầm vóc trẻ, không dừng lại ở khối 1 mà có thể tiếp tục luôn ở khối 2. Thực tế, nhiều phụ huynh khối 2 muốn đăng ký cho con uống sữa học đường. Nếu có thể, cả học sinh tiểu học được thụ hưởng chương trình là rất quý".

Tuy nhiên, triển khai chương trình Sữa học đường trên địa bàn huyện Bình Chánh, ở học kỳ 2 giảm mạnh so với học kỳ 1. Cụ thể, học kỳ 1 có 17.500/32.800 học sinh tham gia, chiếm tỷ lệ 53%. Tuy nhiên, vào học kỳ 2 chỉ 11.000/31.800 học sinh tham gia, tỷ lệ 34%, giảm gần 20% so với học kỳ 1. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú, Phó trưởng Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng công Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc Gia TPHCM nêu vấn đề: "Lý do là do dịch bệnh các em nghỉ. Trường ngoài công lập có thể các em chưa đến lớp và nghĩ rằng năm sau tham gia luôn. Tuy nhiên, ở các trường mầm non và tiểu học công lập cũng giảm luôn, trong khi số trẻ ở trường công lập buộc phải đi học. Chúng ta cần tìm cho ra nguyên nhân tại sao lại giảm như thế".

Bà Nguyễn Thị Trúc Ly, Phó trường phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Chánh cho biết số lượng học sinh tham gia sữa học đường biến động do phụ huynh muốn tự chọn loại sữa theo sở thích của con và điều kiện kinh tế gia đình.

Theo phản ánh của các trường, một số phụ huynh không tham gia vì mong muốn nhường chương trình hỗ trợ cho các bé khó khăn hơn. Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, một số công nhân về quê chưa lên nên các bé theo mẹ cũng chưa trở lại học. Dịch bệnh cũng làm gián đoạn việc triển khai chương trình, làm thay đổi cả thói quen chi tiêu nhiều gia đình. Tình hình thực tế khó khăn hơn sau dịch cũng khiến nhiều gia đình cắt giảm các nhu cầu chi tiêu. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Trúc Ly cũng cho biết: "Đối với các lớp mẫu giáo độc lập, phụ huynh là dân nhập cư, là công nhân, rất khó khăn. Mức đóng tiền ăn, học phí của các nhóm trẻ này rất thấp. Trong học kỳ 1, một số nhóm lớp, chủ lớp cũng mong muốn con em mình được tham gia chương trình này để nâng cao tầm vóc, cho nên một số chủ lớp tự bỏ tiền ra mua luôn cho các em uống hết. Qua học kỳ 2, do dịch bệnh, các trường gặp nhiều khó khăn vừa trả tiền lương cho giáo viên trong những tháng nghỉ việc nên không bao nổi. Số giảm cũng có một phần là như vậy".

Ông Tăng Hữu Phong, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội đánh giá cao việc triển khai chương trình sữa học đường trên địa bàn huyện Bình Chánh khi đơn vị này có số lượng học sinh tham gia cao nhất trong 10 quận huyện thí điểm ở học kỳ 1. Ông Tăng Hữu Phong cũng lưu ý hiện đang là giai đoạn thí điểm, nên việc triển khai chắc chắn có những chổ chưa hoàn thiện. Tới đây, huyện cũng cần tiếp tục chú trọng hỗ trợ các đối tượng trường ngoài công lập, đối tượng hộ nghèo chưa mã số, các hộ nhập cư khó khăn tỉnh bạn về sinh sống trên địa bàn...

Giáo dục nghề nghiệp tìm giải pháp gỡ khó trong tuyển sinh 2020: Sáng 23/6, tại TPHCM, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm năm 2020.
                                                 

 

TPHCM: Trường mầm non giữ trẻ dịp hè từ 16/7 đến 21/8Sở GD-ĐT TP.HCM giao cho các trường mầm non chủ động tổ chức hoạt động hè từ 16/7 đến 21/8 tùy nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh và việc tự nguyện đi làm dịp hè của giáo viên.